Hà Giang

Xín Mần, Bắc Mê lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng Nông thôn mới

09:39, 18/07/2019

BHG - Sau 10 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới (NTM), nhiều bản làng trên địa bàn tỉnh ta đã thực sự bừng sáng; cuộc sống của người dân nông thôn đã sang trang mới. Bằng cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tế, đề cao vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, các huyện vùng khó như Xín Mần, Bắc Mê đã phát huy sức mạnh nội lực, từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM.

Điều nhận thấy rõ nhất trong quá trình triển khai xây dựng NTM là nhận thức của cán bộ và người dân có nhiều chuyển biến; từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước nay đã chuyển sang chủ động, tích cực tham gia và đưa xây dựng NTM trở thành phong trào rộng khắp - lãnh đạo huyện Xín Mần khẳng định. Bên cạnh đó, dân chủ cơ sở được nâng cao, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên; nhiều địa phương như Khuôn Lùng, Bản Ngò... dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng quyết tâm xây dựng NTM luôn trỗi dậy mãnh liệt. Tiêu biểu là phong trào làm đường đại đoàn kết, phát triển các mô hình kinh tế, làm đường bê tông, đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà.

Cán bộ và nhân dân xã Đường Hồng (Bắc Mê) làm đường bê tông thôn Khuổi Hon. Ảnh: Văn Quân
Cán bộ và nhân dân xã Đường Hồng (Bắc Mê) làm đường bê tông thôn Khuổi Hon. Ảnh: Văn Quân

Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của T.Ư, của tỉnh được triển khai kịp thời, sâu rộng thông qua các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể; các mô hình phát triển sản xuất hàng hóa được huyện quan tâm, nhân rộng. Người dân đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… qua đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều địa phương trong huyện đã phát triển được các sản phẩm thế mạnh, như: Gạo Già Dui, nếp Quảng Nguyên, nếp Nàng Hương, chăn nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, gia trại, cây dược liệu, Mướp đắng rừng, mật ong Thảo quả, chè Chế Là, Bản Vẽ...

Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Hoàng Nhị Sơn, cho biết: Thực hiện xây dựng NTM, huyện đã ban hành nhiều kế hoạch xuyên suốt theo từng năm, từng giai đoạn. Đồng thời, triển khai các hội nghị để thảo luận, lựa chọn, phân tích các điều kiện về địa lý, địa hình, dân cư... của các xã để đưa vào kế hoạch. Từ đó, chỉ đạo các địa phương huy động nguồn lực, phát huy tinh thần của nhân dân, lấy nhân dân làm trung tâm để thực hiện các tiêu chí. Ngoài ra, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị; các thành viên BCH, BTV Huyện ủy được phân công phụ trách các xã, thôn, bản vào cuộc mạnh mẽ, giúp đỡ từng hộ dân trong quá trình xây dựng NTM. Cùng với đó, công tác đào tạo, tập huấn xây dựng NTM được tổ chức kịp thời, đúng đối tượng, nội dung, thời lượng và phương pháp truyền đạt phù hợp. Sau 10 năm triển khai, Xín Mần có 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân đạt 11,1 tiêu chí/xã, tăng 5,8 tiêu chí so với năm 2010. Mục tiêu đến hết năm 2019, huyện phấn đấu có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM. 

Mô hình chăn nuôi gia súc tập trung thôn Đán Khao, xã Bản Ngò (Xín Mần).	 Ảnh: Văn Long
Mô hình chăn nuôi gia súc tập trung thôn Đán Khao, xã Bản Ngò (Xín Mần). Ảnh: Văn Long

Xác định rõ, xây dựng NTM trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ; phải làm cho người dân nhận rõ vai trò chủ thể của xây dựng NTM thì chương trình mới thật sự thành công… nên ngay từ khi bắt tay xây dựng NTM, huyện Bắc Mê đã rà soát, đánh giá từng tiêu chí của các xã, thị trấn, từ đó xây dựng lộ trình cụ thể theo quan điểm “Ưu tiên các tiêu chí dễ làm trước”. Tại các xã, thị trấn, việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và các hoạt động văn hóa - xã hội. Đồng thời, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM cũng được ban hành và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, như: Hỗ trợ xi măng, hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông, y tế, giáo dục; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các mô hình…

Hiện nay, Bắc Mê có 3 xã đạt chuẩn NTM gồm Minh Ngọc, Yên Phong, Yên Định. Tổng số tiêu chí toàn huyện được nâng từ 108 lên 138 tiêu chí, tăng 20 tiêu chí, đạt 11,5 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất bình quân/ha đất canh tác hàng năm đạt 48,5 triệu đồng; bình quân lương thực đầu người đạt 566,6 kg. Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đã hình thành chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Song song với đó, huyện đã tập trung chỉ đạo duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình, cải tạo và nâng cấp các công trình thủy lợi, trường học… tại các xã. Làm đường bê tông nông thôn được trên 135 km; láng bó 1.809 nền nhà; làm được 815 nhà tắm và 731 bể nước các loại; mở mới đường rộng 1,5 m vào hộ gia đình được hơn 42 km; nâng cấp được trên 162 km đường giao thông; hoàn thành công nhận 423 nhà “Nhà sạch, vườn đẹp” và làm mới được 2 chợ trung tâm xã...

Theo đồng chí Ấu Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, để các xã về đích NTM và giữ vững, nâng cao các tiêu chí, người dân chính là nhân tố quyết định. Vì vậy, công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức cộng đồng phải được chú trọng để người dân hiểu, đồng hành và tự nguyện tham gia. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình, nhất là trong công tác phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ; đồng hành cùng các xã, thị trấn, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên lắng nghe, lấy ý kiến của người dân về xây dựng NTM để có sự điều chỉnh phù hợp và đáp ứng kịp thời.

VĂN LONG - VĂN QUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lá đắng Nà Khương, từ rau rừng thành sản phẩm hàng hóa

BHG - Lá đắng rừng là món ăn quen thuộc với người dân xã Nà Khương (Quang Bình). Nhưng trước kia không phải lúc nào cũng có thể tìm được loại rau này vì chỉ có trên rừng già, thác nước cao và hoàn toàn mọc tự nhiên. Còn bây giờ, loại rau độc đáo này đã được người dân đem từ rừng về trồng tại vườn nhà.

18/07/2019
Thành phố Hà Giang tạo đà phát triển nông nghiệp bền vững

BHG - Mặc dù nông nghiệp (NN) không phải là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Hà Giang nhưng được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm; thông qua chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu (TCC) ngành NN. Từ đó, tạo đà cho kinh tế NN phát triển bền vững, nhất là tại 3 xã ngoại thành, gồm: Phương Độ, Phương Thiện và Ngọc Đường.

17/07/2019
Yên Minh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

BHG - Những năm qua, huyện Yên Minh luôn thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhằm tạo chuyển biến nhận thức về mua sắm tiêu dùng tới đông đảo người dân.

17/07/2019
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Giang triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm

BHG - Ngày 16.7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức hội nghị giao ban sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hà Giang, chủ trì hội nghị.

17/07/2019