Thành phố Hà Giang tạo đà phát triển nông nghiệp bền vững

07:52, 17/07/2019

BHG - Mặc dù nông nghiệp (NN) không phải là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Hà Giang nhưng được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm; thông qua chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu (TCC) ngành NN. Từ đó, tạo đà cho kinh tế NN phát triển bền vững, nhất là tại 3 xã ngoại thành, gồm: Phương Độ, Phương Thiện và Ngọc Đường.

Chủ trương TCC ngành NN của thành phố được thực hiện nhằm cụ thể hóa nội dung Đề án TCC ngành NN của tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020. Để chủ trương trên đi vào cuộc sống, UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án TCC ngành NN; hướng dẫn các xã ngoại thành thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã để tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định nhiều nội dung quan trọng trong TCC ngành NN, như: Phát triển chăn nuôi đại gia súc; đột phá về ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản; phát triển các sản phẩm NN, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch; tạo vành đai thực phẩm an toàn, chất lượng; xây dựng xã Ngọc Đường trở thành điển hình và kiểu mẫu về phát triển kinh tế NN...

Sản xuất rau, quả hữu cơ tại Công ty TNHH ALANDA giúp nhiều nông dân xã Phương Thiện có thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Sản xuất rau, quả hữu cơ tại Công ty TNHH ALANDA giúp nhiều nông dân xã Phương Thiện có thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, bằng tinh thần quyết liệt thực hiện TCC ngành NN của cả hệ thống chính trị thành phố, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã kết tinh nhiều kết quả nổi bật. Từ chính sách thu hút đầu tư của thành phố, Công ty TNHH ALANDA (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực NN. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thành phố, đây là điển hình về ứng dụng khoa học, công nghệ mới thông qua sản xuất rau hữu cơ với quy mô 4,2 ha, tại thôn Tiến Thắng (xã Phương Thiện). Năm 2018, doanh nghiệp còn liên kết với 20 hộ dân của thôn Lâm Đồng và Tiến Thắng (xã Phương Thiện) trồng 0,7 ha măng Tây theo phương thức doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Tiến Thắng), người trực tiếp lao động tại Công ty, chia sẻ: Hiện nay, doanh nghiệp không những tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng, mà còn giúp chúng tôi tiếp cận phương thức sản xuất rau, quả (dưa Lưới, dưa Kim hoàng hậu, măng Tây...) hoàn toàn mới so với cách làm truyền thống. Đó là việc sản xuất rau, quả trong nhà lưới, nhà màng, có hệ thống tưới, phun tự động kết hợp tưới nhỏ giọt; ứng dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Cùng với Công ty TNHH ALANDA, thành phố đã thu hút thêm 4 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào lĩnh vực NN với tổng số vốn 17,7 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung (công suất 400 con/ngày); trồng trọt, kinh doanh dịch vụ vật tư NN; chế biến, xuất khẩu sản phẩm chè với các thương hiệu, như: Trà Shan tuyết Thành Sơn, trà Shan tuyết Tây Côn Lĩnh và một số sản phẩm từ bột trà, tinh chất trà, cao trà… Song song với thu hút đầu tư, thành phố chú trọng tổ chức lại sản xuất cho nông dân theo hướng kinh tế tập thể. Đến nay, thành phố đã có 30 hợp tác xã (HTX) sản xuất NN với tổng góp vốn của các thành viên gần 15,8 tỷ đồng; tạo thu nhập bình quân từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/thành viên/tháng. Nhiều HTX trở thành điển hình trong sản xuất, kinh doanh hiệu quả, như: HTX Sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Khuổi My (xã Phương Độ), HTX sản xuất và phân phối Bánh chưng Gù Hà Giang (xã Ngọc Đường)…

Một kết quả nổi bật trong TCC ngành NN chính là Dự án Vành đai thực phẩm an toàn, chất lượng của thành phố từng bước được nâng cao với những sản phẩm có thế mạnh và chuyên sâu. Từ đó, không chỉ tạo vùng sản xuất hàng hóa an toàn, chất lượng mà còn cung ứng cho thị trường những sản phẩm NN tốt, như lợn, gia cầm, rau xanh. Tại 8/8 xã, phường đã hình thành vùng rau chuyên canh an toàn với quy mô lên đến 115 ha, tạo sản lượng 25 – 30 tấn/ha/năm và giá trị thu nhập đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm. Cùng với đó, 8 trang trại, 72 gia trại lợn, gia cầm doanh thu hàng trăm đến hàng tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi. Đi liền với đó, nhiều khâu trong trồng trọt, chăn nuôi được ứng dụng cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả kinh tế. Minh chứng cho thấy, toàn thành phố hiện có 610 máy làm đất; 1.935 máy NN phục vụ khâu gieo trồng, chăm sóc; 1,387 máy đáp ứng khâu thu hoạch; đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu làm đất, tưới nhỏ giọt, cắt, gặt, vận chuyển đạt từ 14,6 – 82%. Ngoài ra, thành phố đã có 365 máy nông nghiệp chế biến thức ăn thô; 6 chuồng trại đầu tư hệ thống máng ăn; 190 hệ thống kỹ thuật xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Không dừng ở kết quả trên, thành phố còn xây dựng 3 thôn điển hình về phát triển kinh tế, gồm: Tân Tiến (xã Phương Độ), Tiến Thắng (xã Phương Thiện), Tà Vải (xã Ngọc Đường) với các điển hình trong sản xuất NN, như: Liên kết với doanh nghiệp sản xuất rau công nghệ mới, trồng măng Tây; duy trì, phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm theo quy mô gia trại, trang trại; sản xuất rau VietGAP với doanh thu hàng tỷ đồng/thôn/năm. Mặt khác, từ chủ trương xây dựng Ngọc Đường trở thành điển hình phát triển kinh tế đã tạo nhiều kết quả ấn tượng. Năm 2018, giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất canh tác hàng năm của xã đạt 150 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 29,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,82%...

Từ quyết tâm TCC kinh tế của cả hệ thống chính trị thành phố còn kết tinh nhiều thành tựu quan trọng: Cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 5,68%; tỷ trọng chăn nuôi trong NN chiếm 52,5%; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác đạt 90,35 triệu đồng. Trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị, sự đóng góp của ngành NN trong phát triển KT-XH của thành phố; tăng thu nhập cho nông dân và giảm nghèo bền vững thông qua khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển NN bền vững…

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trà Khổ qua rừng - đặc sản phía Tây Xín Mần

BHG - Để tạo nên sản phẩm OCOP của địa phương, thời gian qua, huyện Xín Mần đã tích cực vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cây Mướp đắng rừng (Khổ qua). Đồng thời, đầu tư cơ sở, thiết bị máy móc để chế biến, đóng gói sản phẩm trà từ cây Mướp đắng rừng cung cấp ra thị trường. Mướp đắng rừng là loại giống cây dây leo, mọc tự nhiên ở các sườn núi, thường được người dân hái quả, chế biến các món ăn hàng ngày. Mướp đắng rừng có đặc điểm thân cây và quả cây bé, có vị đắng hơn mướp đắng thường.

16/07/2019
Thành phố Hà Giang tập trung cho ngành kinh tế "xương sống"

BHG - Với cơ cấu chiếm trên 77% giá trị các ngành kinh tế, thương mại – dịch vụ (TM - DV) đang trở thành ngành "xương sống" thúc đẩy KT – XH thành phố Hà Giang phát triển, từng bước nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân. Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định phát triển TM - DV là 1 trong 4 chương trình trọng tâm. Để hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách...

15/07/2019
Yên Minh đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã

BHG - Phát triển các hợp tác xã (HTX) là nòng cốt để phát huy sức mạnh của các thành viên cùng nhau thực hiện hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH địa phương. Theo đó, những năm gần đây huyện Yên Minh đã thực hiện, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi các HTX nhằm thúc đẩy tăng trưởng về số lượng và chất lượng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

15/07/2019
Nhân rộng mô hình nuôi thỏ ở Tả Lủng

BHG - Cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 5 km, xã Tả Lủng (Đồng Văn) không có nhiều quỹ đất để phát triển trồng trọt, nhưng lại là địa điểm thuận lợi để cung cấp nguồn thực phẩm sạch từ chăn nuôi cho huyện. Một trong những sản phẩm tiêu biểu của xã đó là gà xương đen nổi tiếng. Tiếp nối thành công từ nuôi gà xương đen, xã đã có chủ trương phát triển mô hình nuôi thỏ thương phẩm.

 

15/07/2019