Hà Giang

Mèo Vạc tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế tập thể

09:21, 19/07/2019

BHG - Nhận thức rõ vai trò kinh tế tập thể trong thực hiện Tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Mèo Vạc đã và đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT); từng bước tạo mối liên kết trong sản xuất, góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Nhằm tổ chức lại sản xuất cho người dân một cách hiệu quả và nâng cao nhận thức về thị trường; cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đã vào cuộc quyết liệt cùng các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn thành lập mới các HTX; đôn đốc kiện toàn, chuyển đổi hoạt động các HTX theo Luật HTX năm 2012; thường xuyên cử cán bộ xuống các HTX kiểm tra, nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp các HTX mới thành lập đi vào hoạt động sản xuất hiệu quả và đúng luật. Đồng thời, lựa chọn các HTX có sản phẩm đặc thù, có lợi thế về phát triển hàng hoá để cơ quan chuyên môn hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập HTX kiểu mới, hoạt động theo đúng Luật. Đến nay, toàn huyện có 40 HTX; các HTX hoạt động đa ngành nghề; trong đó, 13 HTX nông, lâm nghiệp; 5 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; 17 HTX xây dựng; 1 HTX vận tải; 2 HTX thương mại, dịch vụ; 2 HTX  hoạt động khác. Tổng số có 29 THT, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một số sản phẩm đặc trưng của huyện Mèo Vạc được giới thiệu tại Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch “Sắc màu Hà Giang” tại Cần Thơ năm 2018. Ảnh: Hoàng Tuyến
Một số sản phẩm đặc trưng của huyện Mèo Vạc được giới thiệu tại Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch “Sắc màu Hà Giang” tại Cần Thơ năm 2018. Ảnh: Hoàng Tuyến

Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Các THT từng bước chuyển biến về nhận thức trong liên kết sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc liên kết chưa bền vững, chủ yếu theo thời vụ; quy mô thành viên chỉ dừng lại ở tổ, nhóm, dòng họ, gia đình; kiến thức về sản xuất, kinh doanh, thị trường của các thành viên trong tổ còn hạn chế, gây khó khăn trong triển khai phương án sản xuất, kinh doanh.

Thực tế cho thấy, trình độ quản lý và chuyên môn của đội ngũ cán bộ các HTX trên địa bàn huyện còn yếu, thiếu năng động, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh; thiếu tầm nhìn chiến lược để định hướng sản xuất kinh, doanh lâu dài; việc tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường ít được quan tâm; chưa hình thành được mối liên kết giữa các thành viên, hộ gia đình trong việc ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, sản xuất bao tiêu sản phẩm. Đa số các HTX, nhất là HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất nên khả năng cạnh tranh còn hạn chế; chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thống nên hiệu quả chưa cao, lợi ích mang lại cho thành viên chưa nhiều và chưa đủ khả năng tích lũy nội bộ để tái đầu tư; không tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước do không có tài sản thế chấp.

Theo các cơ quan chuyên môn huyện Mèo Vạc: Mặc dù kinh tế tập thể trên địa bàn có chuyển biến tích cực, nhưng công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán của một số HTX chưa được Hội đồng quản trị các HTX chú trọng nên việc ghi chép sổ sách, chứng từ chưa đúng quy định, dẫn đến nhiều bất cập trong việc thực hiện chính sách thuế. Một số chính sách về kinh tế tập thể chưa được các ngành, các cấp thực hiện kịp thời, thiếu đồng bộ, nhất là chính sách đất đai, tín dụng, phát triển cơ sở hạ tầng. Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, tìm kiếm thị trường gặp nhiều khó khăn, do thiếu nguồn kinh phí hoạt động. Mối liên kết 3 khâu sản xuất - tiêu thụ - tiêu dùng chưa cụ thể, chưa sát theo phương án của HTX. Nguồn vốn lưu động của các HTX thấp, gây nhiều khó khăn trong công tác điều hành hoạt động của các HTX do thiếu vốn…

Công nhân HTX Tuấn Dũng chăm sóc đàn ong mật. 						 Ảnh: Kim Tiến
Công nhân HTX Tuấn Dũng chăm sóc đàn ong mật. Ảnh: Kim Tiến

Với mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới từ 100 - 112 THT, 30 - 35 HTX; phấn đấu khoảng 60 - 70% HTX, THT nông nghiệp hoạt động hiệu quả, UBND huyện Mèo Vạc chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, tuyên truyền Luật HTX 2012, các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả. Tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức phổ biến các chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể, xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị ở tất cả các cấp; kiên quyết chấn chỉnh, củng cố hoạt động của các HTX nông nghiệp theo đúng quy định của Luật HTX. Nâng cao nhận thức cho người dân về nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá hiện đại trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế; sản xuất sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao, thương hiệu có uy tín, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới.

Đồng chí Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: Nhằm thúc đẩy phát triển các HTX, THT, huyện hỗ trợ xây dựng hệ thống website quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại trung tâm huyện, các điểm nhấn du lịch và tại UBND các xã, thị trấn để quảng bá các mặt hàng nông sản và dữ liệu các đơn vị hợp tác tiềm năng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, của huyện; xây dựng các mô hình HTX có hợp đồng liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cho sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mới chất lượng, năng suất cao, mẫu mã đẹp, có đặc điểm khác biệt, sức cạnh tranh cao trên thị trường. Xây dụng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, chủ lực của địa phương như: Lúa chất lượng cao; nuôi ong, lợn, bò, dê và gia cầm... Xây dựng và phát triển thương hiệu, Chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu sản phẩm đối với nông sản chủ lực chất lượng cao, đặc sản tạo thương hiệu tin cậy đối với người tiêu dùng.

Kim Tiến – Hoàng Tuyến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp

BHG - Quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp là cho phép doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, khai thác, tổ chức và quản lý chợ; mô hình này đang được huyện Xín Mần triển khai đối với chợ trung tâm thị trấn Cốc Pài.

19/07/2019
Cựu chiến binh Cấn Mạnh Cường làm kinh tế giỏi

BHG - Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Cấn Mạnh Cường (sinh năm 1964) không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm với vai trò Trưởng thôn Tân Tiến, xã Đạo Đức (Vị Xuyên); ông còn là điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

19/07/2019
Lá đắng Nà Khương, từ rau rừng thành sản phẩm hàng hóa

BHG - Lá đắng rừng là món ăn quen thuộc với người dân xã Nà Khương (Quang Bình). Nhưng trước kia không phải lúc nào cũng có thể tìm được loại rau này vì chỉ có trên rừng già, thác nước cao và hoàn toàn mọc tự nhiên. Còn bây giờ, loại rau độc đáo này đã được người dân đem từ rừng về trồng tại vườn nhà.

18/07/2019
Tái cơ cấu nông nghiệp ở Quang Bình

BHG - Với tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai nên huyện Quang Bình có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp; đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực, như: Cam, chè, lúa chất lượng cao… Không chỉ mở rộng về quy mô sản xuất, những năm gần đây, huyện Quang Bình đặc biệt chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng hàng hóa; tăng thu nhập cho người dân trên cùng diện tích.

18/07/2019