Ban Quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh chi trả tiền khoán bảo vệ rừng

08:48, 11/07/2019

BHG - Nhằm đảm bảo chi trả kinh phí trong công tác bảo vệ rừng thuộc khu vực rừng đặc dụng một cách minh bạch, chính xác; đảm bảo lợi ích cho các hộ, tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng, những năm qua, Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh có nhiều biện pháp quản lý, sử dụng nguồn kinh phí để chi trả hợp lý, không gây thất thoát. Kinh phí được chi trả đến tận tay người nhận khoán, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia tuần rừng, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hàng năm, BQL luôn phối hợp chặt chẽ với UBND 9 xã thuộc thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì thực hiện đúng các quy định trong việc chi trả tiền khoán bảo vệ rừng. Các xã  niêm yết công khai diện tích và kinh phí tại trụ sở UBND và nhà văn hóa các thôn để các hộ dân, tổ chức nhận khoán theo dõi, giám sát. Việc thanh toán, chi trả kinh phí cũng được thực hiện theo quy định, như: Đối với cộng đồng dân cư, hàng năm Trưởng thôn lập danh sách các hộ đủ điều kiện nhận tiền bảo vệ rừng, danh sách đó phải có xác nhận của UBND xã. Trên cơ sở đó, BQL lập bảng thanh toán, chia đều tổng số tiền cho các hộ.

Trước khi thanh toán, BQL thông báo đến Trưởng thôn trước từ 2 đến 3 ngày, Trưởng thôn có trách nhiệm thông báo các hộ dân đến nhà văn hóa thôn nhận. Tại đây, cán bộ BQL thông báo diện tích, đơn giá, số tiền được nhận từng hạng mục; sau đó, thanh toán theo danh sách có sự giám sát của lãnh đạo thôn và đại diện các hộ dân. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn có trách nhiệm giám sát, xác nhận người đến nhận tiền. Đối với Tổ bảo vệ rừng, trước khi thanh toán, Tổ bảo vệ họp và lập dự toán sử dụng kinh phí có xác nhận của UBND xã gửi về BQL và được thanh toán khi có đầy đủ các thành viên.

Năm 2018, BQL đã ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội lập tài khoản cho các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng, tạo thuận lợi cho việc chi trả tiền. Năm nay, BQL được UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp - PTNT giao kế hoạch bảo vệ rừng tự nhiên năm 1 là 7.516,6 ha; bảo vệ rừng tự nhiên năm 4 là 4.443 ha với tổng số tiền chi trả 11.959,60 đồng. Đồng chí Cao Đại Quang, Giám đốc BQL, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh, cho biết: Việc lập hồ sơ và giao khoán được thực hiện theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Đối tượng nhận khoán là hộ dân, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương; cộng đồng dân cư thôn, bản; các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn; tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương. Khi được nhận khoán, các đối tượng có trách nhiệm thường xuyên tổ chức tuần rừng theo kế hoạch, kịp thời phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến rừng, bảo đảm rừng được bảo vệ tốt và phải chịu trách nhiệm khi rừng bị xâm hại. BQL phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền các xã, tăng cường kiểm tra việc thực hiện hợp đồng của bên nhận khoán; kiểm tra, giám sát công tác chi trả và sử dụng kinh phí nhận khoán, bảo đảm không để xảy ra tiêu cực…

Với việc chi trả minh bạch, công khai, công bằng của BQL rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh, người dân cũng như các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng luôn tin tưởng, tích cực tham gia bảo vệ những “lá phổi xanh”, tạo môi trường sinh thái trong lành.

 An Dương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quang Bình đảng viên giúp dân thoát nghèo bền vững

BHG - "Giúp dân như giúp người thân", đó là suy nghĩ của mỗi đảng viên ở huyện Quang Bình trong việc thực hiện phong trào đảng viên giúp dân thoát nghèo bền vững. Những năm qua, các cơ quan phụ trách xã, thị trấn và cán bộ, đảng viên huyện Quang Bình đã chung tay giúp đỡ người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, như: Hỗ trợ trực tiếp cây giống, vật nuôi; tuyên truyền, tư vấn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

10/07/2019
Ngân hàng CSXH huyện Xín Mần góp phần cải thiện đời sống người dân vùng khó khăn

BHG - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22.11.2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách của Ban Bí thư T.Ư Đảng; Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD) huyện Xín Mần đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh, chỉ đạo nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách; hỗ trợ vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

 

10/07/2019
Mèo Vạc xây dựng các sản phẩm theo Đề án OCOP

BHG - Thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã chú trọng xây dựng, phát triển nâng cao chất lượng, số lượng các sản phẩm đặc trưng theo tiêu chí của Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

10/07/2019
Tạo sinh kế cho người dân vùng dân tộc thiểu số

BHG - Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh được thực hiện tại 5 huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì. Với các hợp phần được triển khai đồng bộ, hiệu quả; Chương trình đã góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, tạo sinh kế cho người dân.

 

09/07/2019