Sử dụng tiết kiệm để không phải trả tiền điện giá cao

09:27, 15/05/2019

BHG - Trong những ngày gần đây, giá điện tăng 8,36%; ngay sau khi có hóa đơn thanh toán tiền điện tháng 4, đã có những ý kiến phản ánh trái chiều của người dân, dư luận xã hội, đặc biệt là trên các mạng xã hội. Phóng viên đã trao đổi với lãnh đạo ngành Điện để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Nhân viên Điện lực thành phố Hà Giang khắc phục sự cố đường dây sau thiên tai.
Nhân viên Điện lực thành phố Hà Giang khắc phục sự cố đường dây sau thiên tai.

Về phản ánh của người dân cho rằng, giá tiền điện tăng 8,36% từ 20.3.2019, nhưng thực tế hoá đơn tiền điện tới các hộ dân có thể tăng từ 35-70%. Đồng chí Bùi Minh Đại, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực Hà Giang cho biết: Về tăng giá điện, theo Quyết định 648/QĐ-BCT của Bộ Công thương công bố ngày 20.3.2019 thì mức độ tăng giá bình quân của tất cả các nhóm khách hàng là 8,36%, riêng với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, mức tăng tiền điện từ 8,35% - 8,38% tuỳ theo mức độ sử dụng trong tháng, chi tiết tính toán tiền điện (gồm cả thuế GTGT) mà khách hàng phải trả trong tháng ứng với các mức tiêu thụ điện từ 100 kWh – 1.000 kWh. Việc hoá đơn tiền điện các hộ dân có thể tăng từ 35-70%, bên cạnh nguyên nhân từ việc tăng giá điện còn có các nguyên nhân khác như: Tháng 4 là thời điểm bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, độ ẩm cao, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là thiết bị làm lạnh tăng cao. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến hoá đơn tiền điện tháng 4 tăng so với tháng 3.

Một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 4 (tính tiền điện tháng 3) là 31 ngày, nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (tính tiền điện tháng 2 chỉ có 28 ngày) là 3 ngày, số ngày tăng thêm trong tháng sẽ làm cho hóa đơn điện năng sử dụng của tháng 4.2019 tăng thêm 10,71%. Như vậy số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng, kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè (khoảng 16%), như vậy kể cả không có việc điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 3 vừa qua thì cũng đã làm tăng mức tiêu thụ điện của tháng lên gần 27%. Đây chính là 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng đáng kể, nếu khách hàng càng sử dụng nhiều điện thì mức tăng tiền điện càng lớn. Việc điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 3 vừa qua chỉ có tác động nhất định tới hóa đơn tiền điện, dù ở mức tiêu thụ điện nào giá điện mới cũng chỉ tăng xấp xỉ 8,36% so với giá điện cũ…

Cũng trong thời gian vừa qua, nhiều người cho rằng, cách tính tiền điện luỹ tiến theo “bậc thang” như hiện nay làm người dân bị trả tiền cao, chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 và bậc 2 là thấp hơn giá bán lẻ bình quân, các bậc thang còn lại đều cao hơn trước khi giá điện tăng. Về vấn đề này, đồng chí Bùi Minh Đại cho biết thêm: Thực hiện khoản 13, Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực trong đó quy định giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và khoản 15 Điều 1 giao Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ngày 7.4.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực từ ngày 1.6.2014, theo đó quy định giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 6 bậc có mức giá tăng dần, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (từ 0 - 50 kWh) và bậc 2 (từ 51 - 100 kWh) được tính toán tương ứng chỉ bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền nhằm mục tiêu hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp; các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng cho 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (từ 0 - 50 kWh) hiện hành. Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Theo thống kê đến ngày 26.4, hoá đơn tiền điện của các hộ gia đình tại tỉnh ta có 26,5% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4.2019 tăng trên 30% so với tháng 3.2019 và có 61,1% số khách hàng sử dụng dưới 100 kWh. Với tỷ lệ như vậy, trên địa bàn tỉnh ta không có hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường và để không phải thanh toán tiền điện giá cao người dân cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả theo nhu cầu thực tế.

Bài, ảnh: NHẬT LINH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với thế mạnh địa phương

BHG - Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, những năm qua, Hà Giang đã triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu. Nhiều sản phẩm của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận Chỉ dẫn địa lý, được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng "Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt".

 

15/05/2019
Mèo Vạc đẩy mạnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng

BHG - Xác định công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đóng vai trò "then chốt" trong công tác thu hút đầu tư, huyện Mèo Vạc đã nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đảm bảo các dự án đầu tư sớm được triển khai, góp phần phát triển KT – XH địa phương. Mèo Vạc nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn, có nhiều danh thắng và di sản, đang trở thành lợi thế giúp địa phương phát triển du lịch. Thời gian qua, lượng khách du lịch đến huyện ngày một tăn...

15/05/2019
Bắc Mê nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã

BHG - Những năm gần đây, bằng việc đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Bắc Mê ngày càng sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Không chỉ làm tốt các khâu dịch vụ nông nghiệp, còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện. Toàn huyện hiện có 37 HTX đang hoạt động và 27 tổ hợp tác nông, lâm nghiệp ở 13/13 xã, thị trấn. Chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi, chế biến lâm sản, mua bán vật tư nông nghiệp, thu mua và chế biến nông sản... 

15/05/2019
Thêm nhiều phiên chợ"Đưa hàng Việt về nông thôn"

BHG - Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tạo điều kiện cho người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng năm, tỉnh đều tổ chức nhiều hội chợ, phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn". Không chỉ giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, còn đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng Việt của người dân trên địa bàn.

 

15/05/2019