Khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm thịt bò vàng

09:42, 17/05/2019

BHG - Nhằm phát huy, nâng cao giá trị sản phẩm, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và xây dựng thành công sản phẩm thịt bò vàng mang thương hiệu riêng biệt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với Chỉ dẫn địa lý thịt bò vàng Hà Giang. Đây được xem là “cú hích” để phát triển đàn gia súc, giúp người dân hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. 

 Chợ bò trên Cao nguyên đá Đồng Văn.                                                                                                                     Ảnh: BÌNH MINH
Chợ bò trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: BÌNH MINH

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế, thu nhập của người dân ngày một nâng cao, kèm theo đó là nhu cầu về thịt thương phẩm tăng mạnh, nhất là loại thịt có hàm lượng dinh dưỡng cao và được chăn nuôi theo hình thức tự nhiên. Xuất phát từ nhu cầu thị trường, người chăn nuôi cũng bắt đầu quan tâm đến những giống gia súc bản địa, có khả năng thích nghi cao và chất lượng thịt thơm, ngon. Bò vàng được nuôi tại Hà Giang - địa phương có điều kiện tự nhiên và môi trường trong lành, ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, trong các thôn, bản của đồng bào tộc dân tộc; do được nuôi trong điều kiện môi trường và thức ăn chủ yếu là cây cỏ tự nhiên, uống nước từ các suối nguồn và nước mưa của vùng núi nên sản phẩm thịt đảm bảo chất lượng, không có tồn dư kháng sinh, không hormone sinh trưởng và đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Gia đình chị Vàng Thị  Mỷ, xã Sà Phìn (Đồng Văn) có cuộc sống ổn định từ nuôi bò.                                                          Ảnh: HOÀNG NGỌC
Gia đình chị Vàng Thị Mỷ, xã Sà Phìn (Đồng Văn) có cuộc sống ổn định từ nuôi bò. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Từ lợi thế trên, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị trâu, bò tỉnh Hà Giang; trong đó, xác định khai thác và phát triển sản phẩm thịt bò vàng mang thương hiệu riêng biệt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Một trong những nội dung cơ bản của kế hoạch là nội dung đăng ký sản phẩm Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò vàng. Từ tháng 5. 2018, Sở Nông nghiệp - PTNT và Ban điều phối Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh đã thực hiện các bước phê duyệt đấu thầu và lựa chọn đơn vị tư vấn, lập hồ sơ đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Quá trình thực hiện, UBND tỉnh đã ủy quyền cho Sở Nông nghiệp và PTNT đứng đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang.

Trong quá trình triển khai xây dựng, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp - Viện cây lương thực và thực phẩm Việt Nam tập trung nghiên cứu và làm rõ các nội dung để xây dựng hồ sơ Chỉ dẫn địa lý như: Điều tra hiện trạng chăn nuôi, danh tiếng và thị trường tiêu thụ sản phẩm; xác định tính chất đặc thù của sản phẩm, xây dựng mẫu nhận diện (logo). Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, giết mổ và hoàn thiện hồ sơ, nộp gửi Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý bò vàng Hà Giang.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý cho thịt bò vàng Hà Giang góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, người tham gia chuỗi giá trị. Theo tính toán, tỷ suất lợi nhuận/chi phí của hộ chăn nuôi tăng từ trên 20% lên 31,6%; của thương lái từ 10% tăng lên 13,5%; của các cơ sở giết mổ từ 10% lên 12,1%; hoạt động bán buôn, bán lẻ tăng từ 12% lên trên 15%.

Đồng chí Đào Thị Lan Anh, Giám đốc Ban Điều phối Chương trình CPRP tỉnh - đơn vị đồng triển khai xây dựng Chỉ dẫn địa lý thịt bò vàng Hà Giang, cho biết: Tới đây, tại huyện Đồng Văn sẽ diễn ra Lễ Công bố Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang gắn với không gian ẩm thực và trưng bày các sản phẩm tiêu biểu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là điều kiện tốt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang tới các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước, quốc tế. Người dân, các doanh nghiệp trên vùng Cao nguyên đá nói riêng, trong tỉnh nói chung cũng cần nắm bắt cơ hội này để có chiến lược, kế hoạch đầu tư, mở rộng hơn quy mô chăn nuôi, chế biến sản phẩm thịt bò, tạo ra chuỗi giá trị thịt bò Hà Giang mang thương hiệu mạnh.  

Việc được cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho thịt bò vàng Hà Giang có ý nghĩa quan trọng không chỉ góp phần phát triển kinh tế của tỉnh, giữ gìn, bảo tồn và phát triển giống bò địa phương, đưa sản phẩm thịt bò Hà Giang trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tiếp cận được thị trường trong nước và thế giới, mà còn tạo “cú hích” thúc đẩy chăn nuôi phát triển, giúp người dân tăng thêm thu nhập, hiện thực hóa mục tiêu làm giàu, giảm nghèo nhanh và bền vững.

HOÀNG NGỌC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Đòn bẩy" giúp Vừ Mí Sùng thoát nghèo

BHG - Với đức tính cần cù, chịu khó, chăm chỉ làm ăn và biết cách sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; gia đình anh Vừ Mí Sùng, thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng (Mèo Vạc) đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Anh Vừ Mí Sùng (sinh 1985), trong một gia đình nghèo ở thôn Tả Lủng B. Năm 2010, anh lập gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng; khi đó, vợ chồng anh gặp không ít khó khăn vì đất sản xuất ít và không có vốn làm ăn nên phải đi làm thuê khắp nơi nhưng cuộc sống cũng không khá lên là mấy. Năm 2018...

17/05/2019
Nông dân xã Na Khê thu hoạch dưa hấu

BHG - Những ngày này, bà con nhân dân xã Na Khê (Yên Minh) đang khẩn trương, tất bật ra đồng thu hoạch dưa hấu. Năng xuất vụ dưa này ước gần 20 tấn/ha.

17/05/2019
Agribank Mèo Vạc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ

BHG - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng xác định phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách hàng là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược hoạt động kinh doanh của Agribank Mèo Vạc. Hiện nay, Agribank Mèo Vạc đang tiếp tục triển khai đổi mới cách thức làm việc, đa dạng hóa các sản phẩm cung ứng cho khách hàng, đặc biệt chú trọng việc thanh toán không dùng tiền mặt, mang lại nhiều thuận lợi, tiện ích. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương...

17/05/2019
Hội nghị đánh giá tình hình triển khai luật quản lý, sử dụng tài sản công

BHG - Ngày 16.5, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhằm đánh giá việc triển khai thi hành Luật quản lý, sử dụng tài sản công và tình hình thực hiện Nghị định số 167 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản. Hội nghị do đồng chí Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính chủ trì. Tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo Sở Tài Chính, Kho bạc Nhà nước, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng và một số ngành liên quan.

 

16/05/2019