Ghi từ vùng dịch

11:23, 24/05/2019

BHG - Dịch tả lợn châu Phi tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi; làm ảnh hưởng đến nỗ lực xóa nghèo trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng xã Tiên Kiều (Bắc Quang) tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm dịch.
Lực lượng chức năng xã Tiên Kiều (Bắc Quang) tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm dịch.

Chỉ tính riêng thiệt hại về số lượng lợn tiêu hủy, theo thống kê sơ bộ tại 2 ổ dịch ở xã Tân Trịnh (Quang Bình) và Tiên Kiều (Bắc Quang) đã gây thiệt hại ước khoảng hơn 100 triệu đồng. Ông Vương Văn Vi, thôn Vén, xã Tân Trịnh, hộ phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn vì bị dịch tả cho biết: Sau khi biết thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, gia đình đã chủ động thực hiện đầy đủ công tác phòng, chống dịch bệnh. Thế nhưng, không biết nguyên nhân từ đâu mà đàn lợn bất ngờ bị ốm và chết. Sau khi cơ quan chức năng xét nghiệm, cho kết quả dương tính, đàn lợn của gia đình đã phải tiêu hủy. Đàn lợn là nguồn thu nhập chính để gia đình trang trải cuộc sống, chu cấp học hành cho con cái. Mỗi năm từ xuất bán lợn thịt cho gia đình thu nhập hơn 200 triệu đồng. Đàn lợn phải tiêu hủy gồm 55 con lợn thịt đang chuẩn bị xuất bán với trọng lượng hơn 2.000 kg. Dẫu biết rằng đó là tài sản lớn, nhưng gia đình chấp nhận tiêu hủy nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ chăn nuôi xung quanh và quan trọng hơn, không để dịch lan rộng ra ngoài, gây ảnh hưởng lớn cho xã hội. Ngoài ra, để đảm bảo công tác dập dịch, gia đình cũng chủ động mua vôi bột, phun khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi theo hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn.

Chia sẻ về tâm tư nguyện vọng, anh Vi cho biết: Nhìn đàn lợn phải tiêu hủy cũng tiếc lắm, gia đình chỉ mong được Nhà nước, các cấp, ngành hỗ trợ kịp thời theo quy định để có nguồn vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, mong muốn sau khi cơ quan chức năng công bố hết dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để gia đình tái đàn.

Cùng chung tâm trạng với ông Vi, chị Hoàng Thị Chim, vợ anh Nguyễn Xuân Trường, thôn Cào, xã Tiên Kiều thẫn thờ vì dịch tả xuất hiện, gây bệnh trên đàn lợn 15 con của gia đình. Đôi mắt đượm buồn nhìn đàn lợn của gia đình bị đưa đi tiêu hủy, chị cho biết: Mấy ngày trước, 6 con lợn thịt có trọng lượng từ 40 – 60 kg có dấu hiệu sốt cao, bỏ ăn, ốm và chết không rõ nguyên nhân, cứ tưởng chỉ sốt bình thường. Ngay lập tức, gia đình đã báo chính quyền địa phương và ngành chức năng xuống kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy, đàn lợn gia đình đã mắc vi rút dịch tả lợn châu Phi và phải tiêu hủy toàn bộ gồm 6 con chuẩn bị xuất chuồng, 1 lợn nái có trọng lượng hơn 200 kg và 1 đàn lợn con có trọng lượng 50 kg.

Lau những giọt mỗ hôi trên khuôn mặt đỏ bừng dưới trời nắng gắt, ông  Đinh Trọng Bản, trưởng thôn Cào, xã Tiên Kiều cho biết: Thôn có 132 hộ; các hộ đều nuôi trung bình từ 7 – 10 con lợn. Dịch bệnh ập đến, vẫn biết rằng rất tiếc của, nhưng buộc phải tiêu hủy đàn lợn bị dịch nhằm tránh sự phát triển của mầm bệnh. Hiện tại, thôn cũng động viên, chia sẻ với gia đình bị thiệt hại, cố gắng vượt qua thời điểm khó khăn, tăng cường triển khai các biện pháp chống dịch với hy vọng sẽ không lây ra diện rộng.

Các hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn phát hiện ổ dịch cũng đang trong tình trạng lo lắng, thấp thỏm. Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh nuôi lợn lớn nhất huyện Quang Bình. Hiện, tổng đàn lợn gia đình đang nuôi hơn 650 con, trong đó, 200 con lợn thịt với trọng lượng trung bình từ 1,2 - 1,5 tạ/con, 70 con lợn nái, còn lại từ 20 – 40 kg/con. Anh Sơn cho biết: Gia đình đang triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ đàn lợn. Lãnh đạo huyện, xã cũng thường xuyên đến động viên và kiểm tra, hướng dẫn cách phòng dịch. Khu vực chăn nuôi của anh Sơn chỉ cách ổ dịch đã phát hiện tại thôn Vén gần 2 km, nên mấy ngày nay mọi người luôn sống trong tâm trạng lo lắng. Anh tâm sự: Đã mấy đêm không ngủ; năm trước, vào thời điểm này, gia đình bắt đầu xuất bán đàn lợn. Tuy nhiên, hiện tại dịch đã xuất hiện tại thôn Vén nên gia đình chưa xuất bán, nhằm đảm bảo an toàn theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn và chỉ đạo của huyện, tỉnh. Theo anh Sơn, mỗi ngày đàn lợn của gia đình ăn hết hơn 1,6 tấn thức ăn, tương đương gần 20 triệu đồng. Giờ chỉ mong muốn được các cấp, ngành tạo điều kiện cho vay vốn duy trì sản xuất, chăn nuôi và chuẩn bị tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc.

Một trong những nội dung quan trọng được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến chỉ đạo khi đi kiểm tra thực tế công tác khoanh vùng dập dịch tại thôn Vén, xã Tân Trịnh ngày 21.5, đó là: Từng cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn nêu cao vai trò trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch; cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời thống kê thiệt hại của hộ dân và triển khai chế độ chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước để các hộ chăn nuôi bị thiệt hại có nguồn vốn chuyển hướng sản xuất, phát triển kinh tế, sớm ổn định cuộc sống...

Bài, ảnh: VĂN LONG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Phú phấn đấu trở thành đô thị loại IV

BHG - Tháng 5.2009, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) được thành lập; sau 10 năm, thị trấn đã phát triển rõ rệt về cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục…Thị trấn Yên Phú được xác định là trung tâm chính trị, KT - XH của huyện Bắc Mê, điều này mở ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa; giao thông chủ yếu là đường đất, một số đường liên thôn...

24/05/2019
Điện lực Hà Giang đẩy mạnh chăm sóc khách hàng qua mạng Zalo

BHG - Nắm bắt Zalo là một trong những ứng dụng điện thoại thông minh được sử dụng nhiều nhất hiện nay cùng với nỗ lực tối ưu hóa các tiện ích, dịch vụ Công ty Điện lực Hà Giang đang tích cực triển khai việc chăm sóc khách hàng (KH) qua mạng Zalo. Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ mà còn mở rộng các kênh chăm sóc, tạo thuận lợi và sự hài lòng cho KH.

 

24/05/2019
Phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Bắc Mê

BHG - Thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM), đặc biệt là tiêu chí phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT); thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Mê đã chung sức, đồng lòng tập trung xây dựng NTM; từng ngày làm "thay da đổi thịt" bộ mặt nông thôn. Nhờ đó, nhiều con đường bê-tông đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

24/05/2019
Bắc Quang xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh

BHG - Điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp xu thế phát triển; thực hiện dồn điền, đổi thửa đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở trình độ ngày càng cao là những mục tiêu hàng đầu để Bắc Quang thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về NTM... Hiện nay, huyện Bắc Quang đã thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung xong công tác quy hoạch xây dựng NTM cho 21/23 xã, thị trấn; phù hợp xu thế phát triển xã hội hiện đại tầm nhìn 2020 – 2030 và được thực hiện gắn liền với tái cơ cấu sản xuất phát triển nông...

24/05/2019