Hà Giang

Nông thôn mới mang lại no ấm cho người dân Đồng Yên

15:59, 15/01/2019

BHG - Cuối năm 2016, xã Đồng Yên (Bắc Quang) vinh dự được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Chưa bằng lòng với những kết quả đó, cán bộ và nhân dân trong xã tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí. Niềm vui như được nhân lên bởi trước thềm Xuân mới 2019, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt mức 36 triệu đồng/năm, NTM thực sự mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Người dân thôn An Xuân, xã Đồng Yên chăm sóc vườn Thanh long.
Người dân thôn An Xuân, xã Đồng Yên chăm sóc vườn Thanh long.

Chiều cuối năm, tôi trở lại mảnh đất Đồng Yên sau chặng đường 8 năm xây dựng NTM. Con đường vào trụ sở làm việc của xã dẫn đến các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đều “khoác trên mình” diện mạo khang trang, sạch đẹp hơn trước. Dọc hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng vừa mới hoàn thiện nằm san sát; hoạt động kinh doanh, thương mại sầm uất… tất cả hiện lên bức tranh tươi đẹp và tràn đầy nhựa sống. Có được những thành quả trên là nhờ sự đoàn kết, thống nhất và đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong xã. Ngay từ ngày đầu bắt tay vào xây dựng NTM, lãnh đạo địa phương đã xác định phải huy động sức dân và vận dụng linh hoạt nguồn lực, điều kiện sẵn có để tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, cách thức triển khai ở từng thôn sao cho hiệu quả. Không những thế, mọi việc liên quan đến xây dựng NTM dân được biết, được bàn, kiểm tra, giám sát và hưởng thụ.

Sau khi về đích, Đồng Yên lại hân hoan thực hiện xã NTM kiểu mẫu của huyện. Gánh vác nhiệm vụ quan trọng và nắm bắt cơ hội phát triển, mặc dù nguồn lực đầu tư còn thấp nhưng mỗi năm địa phương đều huy động xã hội hóa đầu tư làm đường giao thông nông thôn, vận động bà con xây dựng đa dạng các mô hình kinh tế nhằm tăng thu nhập và hướng đến sản xuất hàng hóa. Như một làn gió mới, từ chỗ còn khó khăn, Đồng Yên hôm nay trở thành điểm sáng KT - XH và nằm trong quy hoạch phát triển đô thị của huyện Bắc Quang. Tính đến hết năm 2018, tổng giá trị sản xuất đạt 278 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng (cao hơn 11 triệu so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo còn 3,8%. Sản phẩm nông nghiệp như: Cam, dầu lạc, quả Thanh long có mặt ở nhiều thị trường trong nước; gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng có quy mô lớn; tiểu thủ công nghiệp, các lò rèn, xưởng cơ khí, siêu thị, đại lý xuất hiện nhiều hơn.

Chị Đặng Thị Thanh Hiên, thôn An Xuân phấn khởi cho biết: “NTM làm cho đời sống nhân dân ngày càng văn minh, tiến bộ; trong thôn, nhà nào cũng thi đua phát triển kinh tế; gia đình tôi trồng 200 gốc cam, 300 gốc Thanh long và chăn nuôi thêm lợn, gà. Nhờ tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ nhanh chóng nên sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định, dễ tiêu thụ... thu nhập trung bình của gia đình tôi đạt 80 -100 triệu đồng/năm”.

Thôn Thượng An là minh chứng thể hiện rõ nét sự thay đổi trong quá trình xây dựng NTM. Đầu năm 2014, thôn mới thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhưng giờ đây gần sánh ngang các địa bàn khác và từng bước vươn lên thành điển hình kinh tế. Để giảm nghèo bền vững, thôn có chủ trương khuyến khích nhân dân phát triển tiềm năng, thế mạnh chăn nuôi lợn và trồng rừng. Hiện nay, thôn cũng đang thực hiện mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2 ha, trong đó có 1.000 m2 nhà lưới. Với tổng số 314 nóc nhà, thôn Thượng An có 40 hộ khá giả; tỷ lệ hộ nghèo còn 11,5%; nếu như vài năm trước, thôn đứng vào hàng thu nhập bình quân thấp nhất thì năm nay đạt 25 triệu đồng/người. Những chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm của người dân và sự định hướng kịp thời, phù hợp từ phía cấp ủy, chính quyền xã là yếu tố quan trọng đưa Thượng An đi lên vững vàng.

Đồng chí Hoàng Đức Chung, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Yên cho biết: “Để đạt xã NTM mới kiểu mẫu, đến năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người phải đạt 45 triệu đồng/năm; trục đường thôn, xóm bê - tông hóa đạt 80%. Đây là những tiêu chí yêu cầu cao, vì vậy trong lĩnh vực kinh tế, xã ưu tiên trồng cây chủ lực ngắn ngày, các loại cây có giá trị cao và tập trung mở rộng các trang trại, gia trại. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực để hoàn thiện các tuyến đường, thường xuyên tu sửa nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi. Ngoài ra, các hộ dân duy trì Tiêu chí “Nhà sạch, vườn đẹp”, thành lập chi bộ tự quản kiểu mẫu. Trên cơ sở những thành tựu đạt được, xã quyết tâm tạo nét đột phá mới, xứng đáng với tên gọi NTM kiểu mẫu.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá Bỗng tỉnh Hà Giang

BHG - Chiều 14.1, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức Hội thảo xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá Bỗng tỉnh Hà Giang. Tham dự có đại diện Sở KH&CN, Phòng Nông nghiệp &PTNT và đại diện hộ chăn nuôi các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê và T.P Hà Giang; các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT.

 

15/01/2019
Hủng Văn Sứ - người "vác tù và hàng tổng" ở Yên Thành

BHG - Đã từ rất lâu, bà con thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành (Quang Bình) quen gọi ông Hủng Văn Sứ (sinh 1963), dân tộc Pà Thẻn với tên trìu mến người "vác tù và hàng tổng". Phát huy vai trò người có uy tín (NCUT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, ông Sứ đã vận động nhân dân trong thôn đoàn kết, vươn lên phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.

 

14/01/2019
Phát triển chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn tỉnh

BHG - Cụ thể hóa các giải pháp thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa; thời gian qua với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh ta đang tập trung nguồn lực phát triển chăn nuôi hàng hóa, gia tăng giá trị kinh tế và nâng cao thu nhập. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về đột phá thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc và phát triển tổng thể gia trại, trang trại nuôi lợn và gia cầm trên địa bàn tỉnh...

14/01/2019
Nỗ lực duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường

BHG - Hệ thống giao thông có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển KT - XH của địa phương. Xác định được tầm quan trọng đó, trong năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện đặc thù của tỉnh với địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh, mưa nhiều..., đã gây sạt, lở nhiều tuyến, đoạn đường với khối lượng đất, đá lớn và làm hư hỏng nền, mặt đường. Để đảm bảo cho việc đi lại cũng như giao thương của người dân, với chức năng của mình, ngành Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và có giải pháp khắc phục kịp thời.

 

11/01/2019