Hiệu quả kinh tế từ trồng rau vụ Đông ở Phú Nam

09:33, 11/01/2019

BHG - Được tiếng là vùng rau của huyện Bắc Mê, những năm gần đây cây rau đã trở thành sinh kế, hướng phát triển kinh tế của nhiều hộ dân tại xã Phú Nam. Những ruộng rau trái vụ trong tiết trời sương mù mùa Đông như những bông hoa nở rộ, phủ khắp các cánh đồng của xã và quanh nhà dân.

Vườn rau vụ Đông của gia đình anh Nguyễn Văn Hoan, thôn Nà Quạc, xã Phú Nam (Bắc Mê).
Vườn rau vụ Đông của gia đình anh Nguyễn Văn Hoan, thôn Nà Quạc, xã Phú Nam (Bắc Mê).

Là hộ có hơn 500m2 đất vườn, nhằm tăng thêm thu nhập, chị Ma Thị Hè, thôn Nà Quạc đã cải tạo đất và mua giống rau về trồng. Chị Hè cho biết: “Thấy trong xã nhiều nhà có thu nhập ổn định từ trồng rau, gia đình đã đầu tư mua giống và tranh thủ những lúc nông nhàn làm luống, tận dụng phân chuồng... ruộng rau tuy nhỏ, những để dễ bán, gia đình trồng nhiều loại rau, tiền từ bán rau cũng đủ trang trải thêm cho sinh hoạt hàng ngày. Các sản phẩm của gia đình đều tiêu thụ nhanh, do là nguồn rau sạch, đảm bảo nên được thị trường ưa chuộng...”.

Nhận định về cây rau trên địa bàn xã, đồng chí Lộc Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Từ những lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, trong các cây trồng vụ Đông, cây rau trở thành một cây trồng truyền thống của xã, diện tích không ngừng tăng. Hiện tại trên địa bàn xã có hơn 28 ha rau. Qua đó, người dân đã chủ động mua giống, tích lũy kiến thức và tạo nên thị trường rau xã Phú Nam. Rau của xã không chỉ có tiếng ở Bắc Mê mà còn tiêu thụ tại huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Tại xã, rau được trồng từ tháng 10 và cho thu hoạch vào giữa tháng 11, bởi đây là lúc khan hiếm rau nên bán được giá, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân. Bình quân mỗi hộ trồng rau thu được 3 – 4 triệu đồng và nhiều hộ thu nhập khá từ 20 – 30 triệu đồng/vụ...”.

Để dễ dàng bán và tranh thủ có sản phẩm vào đầu vụ, nhiều hộ dân đẩy thời gian gieo trồng sớm hơn, tạo sự độc quyền và rau lại không bị ép giá. Anh Nguyễn Văn Hoan, thôn Nà Quạc cho biết: “Hiện gia đình có hơn 1.000m2 đất trồng các loại rau: Bắp cải, đậu Hà Lan, rau cải các loại... Nhận thấy, những năm trước khi rau vào vụ chính, có nhiều hộ dân trồng thì rau thường rớt giá, trung bình khoảng 5 nghìn/1kg. Để khắc phục, gia đình đẩy thời gian gieo trồng vào đầu tháng 9 và đến giữa tháng 10 là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, vì trồng sớm nên phải đối mặt với việc sâu bệnh do thời tiết tháng 9 còn nóng, nhiều loại sâu bệnh hại phát triển, vì vậy đòi hỏi công chăm sóc và độ tỷ mẩn cao. Nhưng cũng bởi việc thay đổi mà giá trị thu lại khá nhiều, bình quân nếu vào vụ rau bắp cải bán với giá từ 5 – 10 nghìn/ 1kg, nhưng rau trồng sớm sẽ có giá 20 nghìn đồng/kg, sản phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Kết thúc vụ rau vừa qua, trừ các chi phí, gia đình thu về khoảng 25 triệu đồng...”.

Từ hiệu quả và tiềm năng phát triển của cây rau trên địa bàn, xã đã đưa ra nhiều giải pháp, định hướng cho việc phát triển cây rau. Thành lập 2 tổ sản xuất trồng rau sạch, an toàn trong năm 2018; mở gian hàng rau an toàn tại các chợ trên địa bàn huyện; khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng rau; mở các buổi tập huấn hướng dẫn quy trình trồng rau sạch, rau hữu cơ cho người dân...

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc rộn ràng mùa mật ong Bạc hà

BHG - Đến Mèo Vạc những ngày này, không chỉ thấy màu xanh mát mắt của những vạt cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc; trên các triền núi, hoa Bạc hà nở rộ màu tím biếc trong tiết trời lành lạnh, đây cũng là lúc vào mùa mật ong Bạc hà. Là huyện có điều kiện tự nhiên thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây Bạc hà, vì thế nuôi ong lấy mật hoa Bạc hà là một nghề có từ lâu đời ở Mèo Vạc. Năm 2018, toàn huyện Mèo Vạc có 14.600 đàn ong, tăng trên 2.000 đàn so với niên vụ 2017; sản lượng mật thu hoạch ước đạt 58.400 lít, với giá bán dao động từ 400 – 500 ngàn đồng/lít, giá trị sản lượng mật ong Bạc hà ước đạt 26 tỷ đồng.

11/01/2019
Công ty Điện lực Hà Giang triển khai nhiệm vụ năm 2019

BHG - Ngày 10.1, Công ty Điện lực Hà Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị; dự hội nghị có đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Điện lực 11 huyện, thành phố.

11/01/2019
Công ty CP Thủy điện Sông Lô 4 nộp ngân sách Nhà nước gần 19 tỷ đồng

BHG - Nhà máy thuỷ điện Sông Lô 4, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang do Công ty CP thuỷ điện Sông Lô 4 làm chủ đầu tư. Nhà máy được khởi công xây dựng năm 2015, khánh thành và đưa vào phát điện cuối năm 2017. Nhà máy có công suất thiết kế 24 MW, có tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Trong năm 2018, Công ty CP thuỷ điện Sông Lô 4, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang đã đóng góp vào lưới điện Quốc gia 78.381.618 kwh, đạt doanh thu trên 80 tỷ 481 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 18 tỷ 571 triệu đồng, tạo công ăn, việc làm...

10/01/2019
Bước tiến vượt bậc ở Agribank Bắc Quang

BHG - Lấy khách hàng làm trung tâm để thực hiện mục tiêu chiến lược: Mang phồn thịnh đến khách hàng, Agribank Bắc Quang đã có bước tiến vượt bậc trong hoạt động kinh doanh. Qua đó, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế vững mạnh tại vùng "cửa ngõ" phía Nam của tỉnh. Từng là ngân hàng có nợ xấu cao nhất trong hệ thống Agribank trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Agribank Bắc Quang chỉ còn 1%. Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, Agribank Bắc Quang đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng nguồn vốn cao, lên đến 20%/năm. 

10/01/2019