Hà Giang

Tạo "lực đẩy" đưa sản phẩm cam Hà Giang vươn ra "biển lớn"

09:39, 06/11/2018

BHG - Chưa bao giờ cây cam của tỉnh ta phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng như những năm vừa qua; danh tiếng cam Hà Giang ngày càng được khẳng định trên thị trường. Niên vụ cam 2018 - 2019 đang đến gần, phóng viên (PV) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT xung quan vấn đề nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

PV: Xin đồng chí cho biết quá trình phát triển cây cam nói chung, cam Sành nói riêng trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Đ/c Nguyễn Đức Vinh: So với đầu nhiệm kỳ, tốc độ phát triển cam tăng nhanh về diện tích, năng suất và sản lượng. Tính đến tháng 10.2018, tổng diện tích cam toàn tỉnh có trên 8.700 ha, tăng trên 3 nghìn ha so với năm 2015. Trong đó, cam Sành 6.729 ha, chiếm 77%; cam Vinh và một số giống khác 1.988 ha, chiếm gần 23%. Diện tích cam cho sản phẩm ước 5.189 ha, sản lượng cam niên vụ 2018 - 2019 ước 62 nghìn tấn (tăng trên 48 nghìn so với năm 2015). Cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 3.470 ha, sản lượng năm nay ước 35.169 tấn.

PV: Theo đồng chí, cây cam nói chung, cam Sành nói riêng đang ở vị thế nào trong tiến trình phát triển nông nghiệp của tỉnh?

Đ/c Nguyễn Đức Vinh: Cây cam nói chung và cam Sành nói riêng đang được ưu tiên số 1 trong lĩnh vực trồng trọt của ngành Nông nghiệp. Hơn hết, cây cam đã được tỉnh xác định là 1 trong 5 sản phẩm cây, con chính thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, điều này khẳng định vị thế nhất định của cây cam trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Thực tiễn chứng minh, cây cam giúp nhiều hộ thoát nghèo và trở nên giàu có; góp phần không nhỏ giúp nhiều thôn, xã, huyện vùng trồng cam “thay da đổi thịt”, KT – XH phát triển hơn. Niên vụ cam 2018 – 2019 giá trị sản phẩm ước đạt trên 600 tỷ đồng, dự kiến chiếm khoảng 10% giá trị ngành Nông nghiệp.

PV: Những năm gần đây các cấp, ngành của tỉnh đã thực hiện giải pháp nào phát triển bền vững cây cam, khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” và bảo vệ thương hiệu cam Sành Hà Giang?

Đ/c Nguyễn Đức Vinh: Để phát triển bền vững cây cam, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, hữu hiệu từ khâu đầu vào, khâu sản xuất đến thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm như: Hướng dẫn người trồng cam thực hành theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); chuyển giao khoa học, kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc, đốn tỉa, tạo tán, cải tạo vườn già cỗi; tập huấn về bảo vệ thực vật; chăm sóc bón phân, phòng trừ sâu bệnh... Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển cây cam và 2 nghị quyết khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, trong đó có hỗ trợ phát triển cây cam... Ngoài ra, những năm gần đây, tỉnh ta tích cực tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản cam ở các thị trường trong nước và quốc tế.

“Được mùa mất giá”, là tình trạng chung của cả nước khi thực hiện sản xuất nông nghiệp hàng hóa, để khắc phục thực sự rất khó. Nhưng có thể giải quyết được nếu người dân thay đổi tư duy, hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường; tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp.

Để bảo vệ thương hiệu cam Hà Giang, trước hết người dân cần tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; trồng, chăm sóc, thu hoạch theo đúng quy trình đã được ngành chức năng hướng dẫn. Tỉnh ta cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như đăng ký và được cấp Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Hà Giang; thực hiện gắn tem, nhãn, lô gô thương hiệu cam Sành Hà Giang để người tiêu dùng nhận diện, sử dụng đúng sản phẩm…

PV: Được biết, tỉnh đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các dự án chế biến nông sản, trong đó có cam, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào thực sự quan tâm, vậy khó khăn ở đâu?

 Đ/c Nguyễn Đức Vinh: Đúng là tỉnh ta đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm cam, nhưng đến nay chưa thu hút được. Nguyên nhân, do đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao; quỹ đất công không còn nhiều để giao cho doanh nghiệp; một số mô hình liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp chưa hiệu quả; các chính sách hỗ trợ phát triển chưa thực sự đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến; nguồn lực cho vay để phát triển cam còn ít; sản phẩm cam của tỉnh nhiều hạt, khó khăn trong quá trình chế biến.

Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu, đề xuất tỉnh bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, đồng thời tiếp tục tìm kiếm thị trường cho sản phẩm cam của tỉnh.

PV: Với trên 8 nghìn ha cam như hiện nay, định hướng của tỉnh tập trung phát triển như thế nào trong thời gian tới?

Đ/c Nguyễn Đức Vinh: Hiện nay, định hướng của tỉnh là ổn định và bảo vệ diện tích cam hiện có; tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất, đi sâu vào chất lượng, giữ vững thương hiệu. Đồng thời, xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để cam Hà Giang có sức lan tỏa trong cả nước và hướng tới xuất khẩu; xây dựng chính sách hỗ trợ trên khâu tiêu thụ cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất cam. Từ nay đến cuối năm, tỉnh ta sẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam tại thị trường lớn như Hà Nội nhằm giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng. Các ngành của tỉnh đang phối hợp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đưa sản phẩm cam Hà Giang tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm ở các tỉnh, thành trong thời gian tới…

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Duy Tuấn (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh làm việc tại Xín Mần

BHG - Ngày 31.10, đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công các công trình đầu tư xây dựng hạ tầng tại khu vực Cửa khẩu Xín Mần - Đô Long. Cùng đi có lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh và huyện Xín Mần. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng tỉnh: Hiện nay, có 4 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang thi công...

31/10/2018
Liên kết phát triển cây dược liệu Kim tiền thảo

BHG - Cây dược liệu Kim tiền thảo được Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP)  hỗ trợ phát triển và kỳ vọng trở thành sản phẩm đặc trưng tại xã Yên Thành (Quang Bình). Ngay từ khi bắt đầu triển khai, các nhóm trồng cây Kim tiền thảo đã được Công ty Cổ phần Dược OPC Bắc Giang cung ứng giống và trực tiếp ký hợp đồng thỏa thuận thu mua toàn bộ nguyên liệu đầu ra. Đây là tín hiệu mừng, đem đến cơ hội phát triển kinh tế dựa trên mối liên kết bền vững cho người nông dân.

31/10/2018
Bắc Quang tăng cường quảng bá sản phẩm cam Sành

BHG - Huyện Bắc Quang hiện có gần 4.200 ha cam. Trong đó, cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap gần 1.800 ha; tổng sản lượng cam năm nay ước đạt 38.000 tấn. Hiện tại, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ cam cho bà con đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Vùng trồng cam trọng điểm của huyện Bắc Quang tập trung ở các xã: Vĩnh Hảo, Việt Hồng, Tiên Kiều, Vĩnh Phúc, Vĩnh Tuy... 

31/10/2018
Quản Bạ thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế gắn xây dựng NTM

BHG - Những năm qua, huyện Quản Bạ đã chú trọng thực hiện hiệu quả việc xây dựng xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế. Qua đó, mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế, đẩy lùi, góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe ban đầu cho người dân.

30/10/2018