Giảm nghèo trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới

08:09, 17/10/2018

BHG - Theo lộ trình đặt ra, năm nay tỉnh ta có thêm 11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM); trong số đó, có những xã thuộc diện 30a (đặc biệt khó khăn), xuất phát điểm xây dựng NTM rất thấp. Với quyết tâm chính trị rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành từ tỉnh đến huyện và sự nỗ lực của người dân, đến nay, nhiều tiêu chí khó như giao thông, môi trường, hộ nghèo, thu nhập… đang dần bị “khuất phục”.

Không gian thanh bình của thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) có sức hút lớn đối với du khách.
Không gian thanh bình của thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) có sức hút lớn đối với du khách.

Nằm đầu thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú (Đồng Văn), ngôi nhà 4 tầng của Hờ Nỏ Giàng, dân tộc Mông, 30 tuổi được xếp vào hàng nhất, nhì địa phương. Sau gần năm khởi công xây dựng, ngôi nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện, tổng chi phí lên tới cả tỷ đồng. Nhìn cơ ngơi bề thế, Giàng cho biết, làm nhà nơi điểm đầu đất nước, chi phí vận chuyển vật liệu và nhân công rất đắt, hai vợ chồng phải tích cóp nhiều năm mới dựng được. Qua tiếp xúc, tôi rất cảm phục nghị lực của chàng trai người Mông khi biết Giàng sinh ra, lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, phải tự lập từ nhỏ. Giàng bảo, năm 17 tuổi đã xây dựng gia đình với cô sơn nữ cùng thôn, sau đó bố mẹ cho ở riêng, tài sản mang theo là một con dê với mấy con gà giống. Gia đình nội không có đất, bố mẹ vợ thương tình, cho ô đất ven đường dẫn vào thôn, hai vợ chồng quây tạm mấy tấm ván tránh mưa, nắng. 

Sản phẩm thổ cẩm của Tổ phụ nữ liên kết thôn Lô Lô Chải tạo thêm nguồn thu ổn định cho người dân.
Sản phẩm thổ cẩm của Tổ phụ nữ liên kết thôn Lô Lô Chải tạo thêm nguồn thu ổn định cho người dân.

Thôn Séo Lủng tiếp giáp tuyến biên giới Việt - Trung, nơi đây có 48 hộ sinh sống, 100% đồng bào Mông; đa phần đồi núi, đất canh tác ít nên những ngày nông nhàn, bà con thường sang nước bạn Trung Quốc lao động. Sau khi ra ở riêng, hai vợ chồng Giàng cùng sang Trung Quốc làm thuê cho các doanh nghiệp trồng rừng, sản xuất ván bóc, nguyên liệu giấy mãi trong Quảng Tây. Với quyết tâm xuất khẩu lao động, tích lũy vốn, hai vợ chồng Giàng đi từ đầu năm, đến Tết Nguyên đán mới về nhà. Công việc tuy vất vả, nhưng mỗi tháng, sau khi trừ tiền ăn, ở, hai vợ chồng để dành được 12 nghìn Nhân dân tệ (gần 40 triệu đồng). Giàng cho biết, năm nay, hai vợ chồng ở lại quê, dựng nhà mới, Tết này sẽ vui hơn khi được sống trong ngôi nhà mơ ước. Ăn Tết Nguyên đán xong, hai vợ chồng tiếp tục sang Trung Quốc làm việc, tích cóp thêm tiền về mở cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại nhà, dành thời gian nuôi dạy ba trẻ nhỏ đang tuổi đến trường.

 Cuối năm nay, gia đình Hờ Nỏ Giàng, thôn Séo Lủng sẽ vào sống trong ngôi nhà to nhất, nhì xã Lũng Cú (Đồng Văn).
Cuối năm nay, gia đình Hờ Nỏ Giàng, thôn Séo Lủng sẽ vào sống trong ngôi nhà to nhất, nhì xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Gia đình Hờ Nỏ Giàng là một trong 350 hộ thuộc diện thoát nghèo trong năm nay của xã Lũng Cú, nhằm đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12%, đạt tiêu chí hộ nghèo xây dựng NTM. Trong vòng một năm, với sự huy động tổng lực, sự giúp đỡ cụ thể của các cơ quan, đơn vị, thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn… đến nay qua rà soát, cơ bản các hộ nằm trong diện thoát nghèo đạt mục tiêu đề ra. Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Dinh Chí Thành khẳng định, thành quả trong gần 365 ngày đã gấp nhiều năm cộng lại; nhiều chương trình, dự án, mô hình như: Nuôi bò, dê sinh sản luân chuyển tại xã theo Chương trình 30a, 135; hỗ trợ xây nhà vệ sinh, nhà tắm, bể nước, láng bó nền nhà, chuồng trại chăn nuôi… được triển khai với thời gian ấn định cụ thể nên đều đạt mục tiêu.

Vừa qua, tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú đã ra mắt Tổ Phụ nữ liên kết thêu, dệt thổ cẩm với 35 thành viên. Bí thư Chi bộ thôn Lô Lô Chải Vàng Dỉ Tình cho biết: Lô Lô Chải có 105 hộ và chỉ còn 18 hộ nghèo đa chiều. Những nét văn hóa đặc sắc, tập quán sinh hoạt, đặc biệt kiến trúc nhà truyền thống vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn và không gian yên bình nơi đây luôn có sức hấp dẫn đối với du khách. Được cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động, bà con trong thôn đã phát triển các loại hình kinh doanh du lịch như nghỉ dưỡng theo hình thức homstay, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan Cột cờ Quốc gia Lũng Cú và khám phá không gian văn hóa nơi đây. Các loại hình kinh doanh, dịch vụ đã mang lại nguồn thu ổn định cho người dân, bên cạnh đó, tổ phụ nữ liên kết thêu, dệt thổ cẩm ra đời đã tạo thêm sản phẩm du lịch, thu hút du khách và tăng thêm thu nhập cho đồng bào Lô Lô Chải, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt tiêu chí hộ nghèo, đưa Lũng Cú “cán đích” NTM đúng lộ trình.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong 11 xã thuộc lộ trình “cán đích” NTM năm nay, nhiều địa phương đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm rất thấp, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm, ngành chuyên môn của tỉnh, huyện đã có hướng dẫn cụ thể, giúp các xã hoàn thành các tiêu chí. Trong đó, Sở Lao động - TBXH đã hướng dẫn các xã trên cơ sở danh sách lựa chọn hộ dự kiến thoát nghèo, tiến hành rà soát, xác định nguyên nhân, nhu cầu hỗ trợ cả trên phương diện thu nhập và tiêu chí tiếp cận đa chiều như: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh… từ đó xây dựng kế hoạch huy động, bố trí nguồn lực. Đồng thời, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền phân công cán bộ, đảng viên các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, công chức xã giúp đỡ hộ dự kiến thoát nghèo; gắn trách nhiệm tổ chức, cá nhân được phân công, giúp đỡ với kết quả thoát nghèo để huy động nguồn lực.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - TBXH cũng đề nghị các cấp, ngành tập trung huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án, vốn xã hội hóa và kinh phí chương trình giảm nghèo bền vững, các nguồn vốn vay giải quyết việc làm… ưu tiên bố trí kịp thời nguồn lực hỗ trợ, giúp các hộ được lựa chọn phấn đấu hoàn thành tiêu chí thoát nghèo. Để tạo nguồn thu nhập nhanh, ổn định cho các hộ đạt chuẩn thu nhập, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã vận động, hướng dẫn hộ nghèo có lao động trong độ tuổi đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và làm việc tại Trung Quốc theo thỏa thuận đã ký kết; tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và thu nhập tại chỗ…

Hiện tại, các đoàn kiểm tra của tỉnh đang tích cực làm việc với 11 xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn NTM nhằm xác định rõ những tiêu chí đạt, chưa đạt, từ đó, có kế hoạch huy động nguồn lực, triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Nhận định sơ bộ của các đoàn kiểm tra cho thấy, 11 xã nằm trong lộ trình xây dựng NTM sẽ “cán đích” đúng kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang giao ban 9 tháng đầu năm

BHG - Ngày 16.10, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị giao ban 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. Tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang; đại diện các ngân hàng thương mại, ngân hàng CSXH và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

16/10/2018
Xã Đường Hồng huy động sức mạnh tập thể phát triển kinh tế

BHG - Nhằm khuyến khích người dân phát triển kinh tế và tổ chức lại sản xuất, Đảng bộ và chính quyền xã Đường Hồng (Bắc Mê) xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, chăn nuôi được cho là ngành kinh tế mũi nhọn. Xã đã phát động phong trào "Mỗi hội, đoàn thể một mô hình phát triển kinh tế"; qua đó, đã hình thành nhiều mô hình hay, hiệu quả; phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương.

 

16/10/2018
Hiệu quả từ mô hình trồng cỏ Pakchong 1 Thái Lan tại xã Cán Tỷ

BHG - Là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Quản Bạ, do nhiều nguyên nhân khách quan, như: Thổ nhưỡng, khí hậu không thuận lợi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, các mô hình chăn nuôi thiếu sự liên kết, chủ yếu tự cung, tự cấp. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên;  trong những năm, qua cấp ủy, chính quyền xã Cán Tỷ đã xác định: Muốn xóa đói, giảm nghèo cho người dân, địa phương cần phải gắn kết sự nhỏ lẻ, manh mún từ hình thức chăn nuôi truyền thống, thành các mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa.

 

16/10/2018
Yên Minh - chợ gia súc góp phần thúc đẩy chăn nuôi hàng hóa

BHG - Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của tỉnh nói chung và huyện Yên Minh nói riêng. Từ sự định hướng, chỉ đạo cùng các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi được ban hành thời gian qua, đàn gia súc ở Yên Minh đã không ngừng được phát triển; đặc biệt, là chăn nuôi hàng hóa. Kết quả này, có sự đóng góp đáng kể từ hoạt động của các chợ gia súc trên địa bàn.

 

16/10/2018