Hà Giang

Triệu phú "bò" trên miền đá

14:10, 29/08/2018

BHG - Đó là câu nói quen thuộc người dân địa phương dành cho ông Hờ Mí Chơ, thôn Há Chế, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) bởi thành tích vươn lên làm giàu nhờ nuôi bò sinh sản.

Ông Hờ Mí Chơ trở thành triệu phú nhờ nuôi bò sinh sản.
Ông Hờ Mí Chơ trở thành triệu phú nhờ nuôi bò sinh sản.

Sinh năm 1965, là người dân tộc Mông và tham gia làm Công an viên của xã Sủng Trà được 17 năm (1996-2013); ông Chơ được mọi người biết đến không chỉ là một đảng viên gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động của thôn, mà còn lao động, sản xuất giỏi. Vốn xuất thân từ gia đình nông dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng ngô và chăn nuôi gia súc; nên ngay từ khi còn nhỏ, ông đã quen với việc chăn nuôi bò, bởi vậy ông đã học được cách chọn bò tốt, bò đẹp, bò khỏe. Sau khi lập gia đình, ông được bố mẹ cho hơn 2 ha đất nương trồng ngô và chăn nuôi. Tuy nhiên, trước những năm 2005, gia đình ông chỉ trồng ngô một vụ nên cũng chỉ đủ ăn và chăn nuôi được 1 đến 2 con bò để cày nương. Đến những năm 2008-2010, nhận thấy giống bò vàng trên địa bàn huyện ngày càng có giá trị, được các thương lái mua đem về xuôi tiêu thụ nhiều; ông suy nghĩ, muốn vươn lên làm giàu thì chỉ có bằng cách đẩy mạnh chăn nuôi gia súc hàng hóa, và ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua thêm bò giống để tăng đàn. Đến năm 2015, gia đình ông đã có 5 con bò cái sinh sản.

Thực hiện Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 07-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện Mèo Vạc, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ và vay 60 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện để mua thêm 3 con bò. Do chủ động trong tiêm phòng phòng,  chống dịch bệnh, nên đàn bò của ông luôn khỏe mạnh và sinh trưởng rất nhanh. Đến nay, ông đã có 19 con bò cái sinh sản, giá trị trên 400 triệu đồng (trong đó có 10 con nuôi tại nhà, 9 con được ông gửi cho anh em ở thôn Mèo Qua, thôn Sán Xì Lủng (Cán Chu Phìn) nuôi giẽ); ngoài ra, ông còn nuôi 9 con lợn to cùng đàn gà, ngan hơn 70 con, cho thu nhập gần 80 triệu đồng/năm. Ông Chơ trở thành người có đàn bò nhiều nhất xã Sủng Trà. Nhờ nuôi bò sinh sản, ông đã xây được nhà, mua xe máy cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt có giá trị và nuôi 4 cháu nội ăn học. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn hơn chục hộ dân thôn Há Chế kỹ thuật chăn nuôi gia súc; đến nay, các hộ đều đã thoát nghèo và mỗi gia đình đều có từ 4 - 5 con bò.

Khi được hỏi về bí quyết làm giàu từ chăn nuôi bò sinh sản, ông tâm sự: “Nuôi bò sinh sản thường lãi hơn nuôi bò vỗ béo, nhưng vất vả hơn. Đó là, phải thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và chăm sóc tốt diện tích cỏ; cùng với đó, ông còn nấu rượu, nấu cám để cung cấp thêm thức ăn tinh cho đàn bò. Ngoài ra,  phải quan tâm đến chọn giống bò cái bụng to, u to, ngực và mông nở thì chăn nuôi sinh sản mới tốt”. Do đó, để chọn mua được con bò giống đẹp, khi nghe bất kỳ hộ dân nào ở đâu có giống bò tốt, ông trực tiếp đến hỏi mua tại nhà chứ không mua ở chợ. Có lần ông đến tận các gia đình ở xã Lũng Chinh (Mèo Vạc), xã Mậu Duệ (Yên Minh) để mua bò giống về nuôi. Học theo ông, nhiều gia đình ở thị trấn Mèo Vạc và các xã lân cận vẫn thường đến nhà ông hỏi mua bò giống; vì vậy, trong những năm qua, ông chưa bao giờ phải mang bò ra chợ bán.

Ngoài chăn nuôi giỏi, ông Hờ Mí Chơ còn tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại thôn, bản và tuyên truyền, vận động các gia đình cho con em đi học đầy đủ. Trong 3 năm qua, gia đình ông luôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; bản thân ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; các ngành của tỉnh và UBND huyện Mèo Vạc tặng nhiều Giấy khen về thành tích xuất sắc trong các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và thi đua lao động sản xuất Giỏi.

Bài, ảnh: Quỳnh Lưu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mô hình kinh tế của Lý Kim Hiện xứng đáng để nhiều bạn trẻ noi theo

BHG - Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã biết tận dụng điều kiện thuận lợi của địa phương, mạnh dạn vay vốn ưu đãi của nhà nước để phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Anh Lý Kim Hiện (sinh 1990), dân tộc Giáy, trú tại thôn Bắc Làng, xã Nậm Ban (Mèo Vạc) là một trong những thanh niên như vậy.

 

29/08/2018
Nàn Ma thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở

BHG - Trong những năm gần đây, cùng với việc thực hiện chương trình đột phá về cải cách hành chính của huyện Xín Mần, Đảng bộ xã Nàn Ma đã và đang đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ (QCDC) gắn với phát triển KT-XH của địa phương. Với quan điểm gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân, cán bộ, đảng viên xã Nàn Ma đã từng bước đẩy mạnh thực hiện QCDC, tạo sự đồng thuận... 

29/08/2018
Mèo Vạc đẩy mạnh các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu KT –- XH năm 2018

BHG - Năm 2018, là năm bản lề trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016 – 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Xác định được tầm quan trọng đó, ngay từ đầu năm, huyện Mèo Vạc đã ra sức thi đua lao động, sản xuất; với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH đặt ra trong năm. Mặc dù đã qua nửa năm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ; nhưng tình hình KT – XH của huyện Mèo Vạc vẫn đang gặp nhiều khó khăn...

29/08/2018
Bánh đa xã Yên Thành

BHG - Năng nổ, dám nghĩ, dám làm, chàng trai Bùi Xuân Tiền, sinh năm 1984, quê gốc tỉnh Phú Thọ, lên Yên Thành (Quang Bình) lập nghiệp được 18 năm đã dày công học tập, nghiên cứu và làm chủ kỹ thuật sản xuất bánh đa, phở khô, phở ngũ sắc và đang trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

 

29/08/2018