Hà Giang

Phong trào trồng rừng kinh tế ở Bắc Mê ngày càng được nhân rộng và phát huy hiệu quả

09:00, 11/07/2018

BHG - Trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn huyện Bắc Mê đã triển khai xây dựng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Trong đó, cây Hồi là một trong những cây trồng trọng tâm được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ huyện về trồng rừng kinh tế gắn với phát triển cây dược liệu, đang từng bước giúp người dân giảm nghèo bền vững, góp phần thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

Mô hình vườn ươm giống cây Hồi của bà con thôn Nà Nôm, xã Đường Âm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình vườn ươm giống cây Hồi của bà con thôn Nà Nôm, xã Đường Âm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, nhiều địa phương trong huyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất; lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện và Chương trình mục tiêu Quốc gia; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân. Thôn Nà Nôm, xã Đường Âm là một trong những địa phương có thế mạnh về trồng cây lâm nghiệp hàng hóa. Trong đó, Hồi là cây trồng chủ lực được người dân Nà Nôm tiên phong trồng thử nghiệm. Giờ đây, những cánh rừng Hồi xanh ngát đã từng bước giúp người dân giảm nghèo bền vững. Thấy được hiệu quả của việc trồng cây Hồi, vừa có giá trị phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa cho người dân thu nhập ổn định hàng năm, huyện Bắc Mê đã xây dựng dự án hỗ trợ bà con mở rộng mô hình trồng Hồi trên địa bàn toàn thôn. Ông Triệu Văn Thành, thôn Nà Nôm, là một trong những hộ đầu tiên đưa cây hồi từ xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) về trồng thử nghiệm. Qua một thời gian chăm sóc, cây Hồi thích nghi với khí hậu trong thôn nên sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay cây Hồi đã cho gia đình ông Thành thu nhập hơn 30 triệu đồng/ha/năm từ việc thu hoạch lá chiết suất tinh dầu Hồi.

Trong 6 tháng đầu năm nay, xã Đường Hồng trồng được 158,6 ha rừng, đạt 528% kế hoạch giao. Trong đó, trồng mới 145,6 ha, trồng dặm 13 ha, gồm các giống cây Mỡ, Sa mộc, Keo, Xoan… Đồng chí Bồn Văn Quốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đường Hồng cho biết: Phát triển rừng kinh tế đã giúp người dân nâng cao nhận thức về trồng và bảo vệ rừng. Rừng trồng ngày càng có chất lượng và phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Công tác quản ly, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được quan tâm thực hiện tốt. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã thành lập tổ tuần tra kiểm soát công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý khai thác lâm sản. Để nâng cao chất lượng rừng trồng, trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động các thôn mở rộng diện tích rừng, đẩy mạnh phát triển mô hình rừng kinh tế để giúp người dân nâng cao đời sống.

Vấn đề then chốt có vai trò quyết định đến thành công của mô hình là người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, đã nhận thức rõ về ý nghĩa của việc cải tạo vườn, đồi, đầu tư kinh phí cùng vốn hỗ trợ ban đầu của Nhà nước để phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, có vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp luôn tích cực và sâu sát trong việc tổ chức, hướng dẫn, vận động người dân phát triển kinh tế, vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu.

Xác định trồng rừng là một trong những ngành kinh tế có thế mạnh của địa phương nên trong thời gian qua, huyện Bắc Mê đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất đi đôi với coi trọng các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, khai thác rừng để nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị của rừng sản xuất. Đồng thời, từng bước phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp trên địa bàn. Song song với phát triển kinh tế rừng, để phát triển nền nông nghiệp toàn diện nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, huyện cũng chú trọng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tổ chức lại sản xuất, tăng giá trị, an toàn và bền vững. Phát huy lợi thế, điều kiện của từng địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Có thể thấy, với lợi thế tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp của địa phương còn khá lớn, cùng với những hiệu quả kinh tế mà trồng rừng kinh tế đem lại, trong thời gian tới huyện Bắc Mê chú trọng phát triển công tác trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng trồng. Đồng thời quan tâm chuyển đổi những diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng rừng có tính chất bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: VĂN QUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Làn gió mới" trong phát triển kinh tế ở Sủng Cháng

BHG - Với đặc thù 100% dân số là người dân tộc Mông, nhận thức của bà con trong phát triển KT – XH chưa cao, còn nhiều hủ tục… nên đến nay xã Sủng Cháng vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Yên Minh. Tuy nhiên, những mô hình kinh tế mới được thí điểm và nhân rộng ở Sủng Cháng từ năm 2017 đến nay như một "làn gió mới" góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân cũng như quan điểm của cấp ủy, chính quyền xã trong định hướng và chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế.

11/07/2018
Công ty Điện lực Hà Giang triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

BHG - Ngày 9.7, Công ty Điện lực Hà Giang tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2018.

10/07/2018
HTX Nông, Lâm nghiệp Bản Tùy – Thành công bước đầu từ mô hình liên kết trong sản xuất.

BHG - Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khu vực kinh tê tập thể luôn giữ vai trò quan trọng và là thành phần không thể thiếu trong xã hội. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả đã góp phần vào việc ổn định kinh tế, xã hội, nêu cao tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau thông qua các hình thức kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng. Trong đó phải kể đến các HTX nông nghiệp là tổ chức đồng hành cùng tham gia triển khai các hoạt động kinh tế đã đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. 

10/07/2018
Thị trấn Việt Quang tập trung xây dựng đô thị loại IV

BHG - Phấn đấu xây dựng thế nào để đến năm 2020, đưa thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) trở thành đô thị loại IV, là câu hỏi luôn thường trực với Đảng bộ, chính quyền thị trấn Việt Quang. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn Việt Quang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra 47 chỉ tiêu phát triển KT-XH. 

10/07/2018