Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ

09:00, 05/07/2018

BHG - Trong đợt mưa lũ vừa qua, tại một số địa phương thuộc các huyện Quản Bạ, Yên Minh và Vị Xuyên đã bị thiệt hại về người, hoa màu, tài sản, nhà ở của nhân dân và các công trình phúc lợi xã hội. Với tinh thần chủ động, chính quyền các địa phương đang huy động lực lượng, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo huyện Quản Bạ kiểm tra việc dựng nhà mới cho các hộ bị ảnh hưởng do mưa lũ.                                                            Ảnh: Lê Hải
Lãnh đạo huyện Quản Bạ kiểm tra việc dựng nhà mới cho các hộ bị ảnh hưởng do mưa lũ. Ảnh: Lê Hải

Nhiều người dân thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ) hiện vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến trận lũ quét tràn vào thôn, cuốn bay nhà cửa. Thiên tai qua đi, giờ đây cấp ủy, chính quyền địa phương đang huy động toàn lực khắc phục hậu quả. Anh Lò Trịnh Mình, thôn Tùng Nùn chia sẻ: “Tới tận bây giờ tôi vẫn không quên hình ảnh lũ quét cướp mất ngôi nhà của mình, toàn bộ tài sản đều trôi theo dòng lũ dữ. Nhưng, nhờ sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương và bà con xung quanh giúp đào móng, làm nền… gia đình tôi đang dựng lại ngôi nhà trên mảnh đất mới”.

Thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện Quản Bạ khiến 2 người chết, 16 nhà bị sập hoàn toàn, 42 nhà bị mất một phần tường, 342 nhà bị ngập úng, 13 nhà cần di dời khẩn cấp, 270 ha hoa màu bị ngập úng, 5 trường học bị ảnh hưởng… ước tính tổng thiệt hại khoảng trên 106 tỷ đồng.

Đoàn viên, thanh niên huyện Yên Minh giúp người dân thị trấn Yên Minh dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau lũ.                                        Ảnh: CTV
Đoàn viên, thanh niên huyện Yên Minh giúp người dân thị trấn Yên Minh dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau lũ. Ảnh: CTV

Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Nguyễn Chí Thâm cho biết: “Huyện đã chỉ đạo kịp thời, thường xuyên kiểm tra tiến độ khắc phục hậu quả mưa lũ tại các xã; chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với UBND các xã khẩn trương khảo sát, lựa chọn địa điểm để các hộ bị sập nhà có đất dựng nhà mới; huy động cán bộ, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, các công trình sau khi nước rút. Hiện nay, 16 hộ bị mất nhà đang tiến hành đào móng, chuẩn bị dựng nhà và sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Mặt khác, huyện tiếp tục chỉ đạo rà soát, bố trí thêm đất sản xuất cho các hộ dân”.

Nhận được tin tức lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng đến con người và tài sản của nhân dân, nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước đã mang lương thực, tiền đến ủng hộ, chia sẻ những khó khăn, mất mát. Chị Nguyễn Thị Dịu, thành viên Đoàn từ thiện Bắc Giang tâm sự: Nhận được tin người dân xã Lùng Tám bị thiệt hại nặng do mưa lũ, tôi rất đồng cảm nên đã cùng với nhiều người lên thăm hỏi, trao quà cho các hộ bị nạn. Có nhiều người dù chưa từng đặt chân lên Hà Giang, nhưng đã kêu gọi, gửi tiền và hiện vật giúp đỡ bà con.

Mưa lũ đi qua, người dân ở đây đã đón nhận rất nhiều tình cảm của đồng bào trong cả nước, nghĩa cử cao đẹp đó đã phần nào xua đi những mất mát, đau thương và trở thành nguồn lực quan trọng giúp người dân vực dậy sau thảm họa thiên tai.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Yên Minh, đợt mưa, lũ vừa qua đã gây ra thiệt hại trên 18 tỷ đồng; ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân. Một số xã như Mậu Duệ, Đường Thượng, Lao Và Chải, thị trấn Yên Minh… bị thiệt hại nặng. Có gần 200 hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở do nhà sập, đổ tường, ngập úng và nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Mưa, lũ cũng gây sạt lở ta-luy dương gây ách tắc giao thông một số tuyến đường liên xã như tuyến Mậu Duệ - Ngọc Long; thị trấn Yên Minh - Ngam La; Hữu Vinh - Sủng Thài…

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Yên Minh đã có công văn chỉ đạo các ngành phụ trách, UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”, nhanh chóng giúp dân ổn định cuộc sống. Đối với các tuyến đường bị sạt lở, huy động phương tiện khắc phục, giải phóng mặt bằng, đảm bảo giao thông thông suốt. Các ngành phối hợp rà soát, thống kê điểm ngập úng cục bộ và có nguy cơ ngập úng để xây dựng phương án xử lý, dự trù kinh phí khắc phục. Bên cạnh đó, chú trọng công tác phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường sau mưa lũ ở các xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo đồng chí Ngô Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Lao Và Chải, trong đợt mưa lũ vừa qua, chính quyền xã đã chủ động cập nhật tình hình, cử cán bộ bám nắm cơ sở và thực hiện hiệu quả các phương án khắc phục; các lực lượng phối hợp với nhân dân, giúp đỡ gia đình bị thiệt hại về nhà cửa tu sửa lại hoặc bố trí nơi ở tạm thời; tuyên truyền, vận động những hộ dân đang sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao di chuyển tài sản, đồ dùng đến nơi an toàn. Sau khi nước rút, xã phối hợp cùng cán bộ nông nghiệp huyện kiểm đếm, đánh giá diện tích hoa màu bị thiệt hại để chủ động khắc phục; kịp thời cung cấp giống, cây trồng để nhân dân sản xuất, ổn định lại cuộc sống.

Với tinh thần khẩn trương, các cấp, ngành cùng người dân Yên Minh đang tập trung khắc phục hậu quả, từng bước ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

Đợt mưa lũ vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của huyện Vị Xuyên với 4,47 ha mạ, trên 30 ha lúa, trên 56 ha rau màu và gần 38 ha cây ăn quả, cây công nghiệp bị thiệt hại...

Nhằm sớm khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất vụ Mùa, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, ngành chuyên môn giúp người dân gieo lại số mạ bị thiệt hại với các giống ngắn ngày như VL20, TH3-3, TH3-5, PC6... Đồng thời giao Trạm Khuyến nông cử cán bộ xuống các thôn, bản hướng dẫn người dân kỹ thuật gieo, chăm sóc mạ, khuyến cáo nông dân các biện pháp xử lý, phòng trừ sâu bệnh hại sau mưa lũ.

Lê Hải - Phạm Hoan và Hoàng Thuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nguyễn Văn Ty - Trưởng thôn dân vận khéo, làm kinh tế giỏi

BHG - Gần 5 năm làm Trưởng thôn Hạ Thành, xã Bằng Lang (Quang Bình), anh Nguyễn Văn Ty (sinh năm 1973) luôn được bà con tín nhiệm, yêu quý. Mọi người biết đến ông không chỉ là một Trưởng thôn tận tâm, nhiệt tình trong các phong trào của địa phương, mà còn là tấm gương đi đầu trong việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

30/06/2018
Thống nhất mẫu bao bì sản phẩm mật ong bạc hà Cao nguyên đá, Hà Giang

BHG - Chiều ngày 28.6, Sở Công Thương đã tổ chức họp, bàn, thống nhất ý kiến về việc lựa chọn mẫu bao bì chung cho sản phẩm mật ong Bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thay thế bao bì sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc trước đây. Tới dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, Thường trực UBND huyện và các HTX sản xuất mật ong 4 huyện vùng Công viên Địa chất...

 

29/06/2018
Chàng trai người Tày khát khao đưa văn hóa Hà Giang đến mọi miền Tổ quốc

BHG - Cuộc trò chuyện với chàng trai người Tày và nghe anh kể về những khát khao mãnh liệt, muốn đưa văn hóa Hà Giang đến mọi miền Tổ quốc; những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê làm du lịch đã làm tôi khâm phục biết bao. Đó là Phan Quốc Bảo, sinh năm 1993 ở thôn Nà Tậu, xã Hữu Vinh (Yên Minh). Từ nhỏ, chứng kiến cuộc sống khó khăn của đồng bào đã nuôi dưỡng tình yêu với quê hương và khiến khát vọng, nghị lực của Bảo lớn như những dãy núi đá trên Cao nguyên đá gian khó...

28/06/2018
Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phố Bảng: Bảo tồn và phát triển thành công nhiều giống cây, con bản địa

BHG - Là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Giống cây trồng và gia súc (GCT&GS) Phố Bảng luôn chủ động sưu tầm, nghiên cứu và phát triển nhiều giống cây, con có giá trị kinh tế cao. Qua đó, kịp thời cung ứng cho các đơn vị, địa phương và người dân trong và ngoài huyện, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.

 

28/06/2018