Hoàng Su Phì chuyển mình từ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

17:08, 07/06/2018

BHG - Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 của  huyện Hoàng Su Phì đạt 1.019 tỷ đồng; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 23,65%; giá trị sản xuất/ha đất canh tác đạt 46 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 37.706 tấn; tổng đàn trâu, bò đạt gần 30.000 con… Đó là kết quả hết sức đáng mừng sau hơn 2 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (TCCNNN) trên địa bàn huyện.

Người dân xã Nậm Ty đẩy mạnh chăn nuôi trâu hàng hóa theo Đề án TCCNNN.
Người dân xã Nậm Ty đẩy mạnh chăn nuôi trâu hàng hóa theo Đề án TCCNNN.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự đồng thuận, hưởng ứng cao của các tầng lớp nhân dân; đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án TCCNNN, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã từng bước được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Đối với 2 cây chủ lực được huyện xác định là cây chè và cây dược liệu, huyện đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng vườn chè và dược liệu. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại để phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở chế biến có công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm…

Hiện, toàn huyện Hoàng Su Phì có 4.542,8 ha chè; trong đó, 3.253 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng chè búp tươi đạt 12.880 tấn, giá bán bình quân 8.000 - 10.000 đồng/kg, tổng giá trị thu nhập đạt khoảng 115.920 triệu đồng. Những năm gần đây, huyện luôn duy trì trên 560 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ tại các xã: Tả Sử Choóng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên. Phối hợp với Sở Nông nghiệp - PTNT đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho 807 ha chè trên địa bàn toàn huyện. Với cây dược liệu, toàn huyện hiện có 2.125,7 ha, đạt 87,98% mục tiêu đề án đề ra. Năm 2017, toàn huyện trồng mới trên 225 ha cây dược liệu, gồm: Gừng, Tam thất, Ích mẫu, Đương quy…

Cùng với đó, lĩnh vực chăn nuôi cũng luôn được huyện chú trọng phát triển, từng bước hình thành chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến hết năm 2017, tổng đàn trâu, bò toàn huyện là 29.069 con, tăng 1.071 con so với cùng kỳ năm trước. Công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn bò được huyện chỉ đạo quyết liệt, đến thời điểm hiện tại, đã thụ tinh nhân tạo cho đàn bò được 262 con bò. Cùng với đó, huyện xác định con dê cũng là "con" thế mạnh của huyện. Huyện đã ban hành quyết định hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 2 năm cho các hộ vay nuôi dê theo hướng hàng hóa. Tổng đàn dê của huyện hiện đạt 23.222 con, sản lượng dê thịt xuất bán năm 2017 đạt 149,3 tấn. Năm 2017, tỷ trọng chăn nuôi của huyện đạt 23,65%, tăng 3,35% so với năm 2015, góp phần từng bước đưa giá trị ngành chăn nuôi của huyện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất được đẩy mạnh, góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Đến nay, toàn huyện có 1.988 máy làm đất, 2.650 máy tuốt lúa có động cơ; tỷ lệ cơ giới hóa đạt 59,5%. Năm 2017, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác của huyện đạt 46 triệu đồng, tăng 4 triệu so với năm 2015.

Tổ chức lại sản xuất cho nông dân thông qua việc thành lập các HTX tương đối rõ nét, hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được huyện đặc biệt chú trọng. Trong 2 năm đã tổ chức được 24 lớp cho 784 học viên, gồm các nghề: Trồng chè, trồng cây dược liệu, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò… Qua đó, giúp lao động nông thôn có kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, có cơ hội nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Có thể khẳng định, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án TCCNNN trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến cơ bản; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, các sản phẩm thế mạnh của địa phương được lựa chọn tập trung phát triển. Tuy nhiên, là huyện với xuất phát điểm thấp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên qua thực tiễn triển khai đề án vẫn còn nhiều hạn chế: Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít, hiện mới chỉ có 2 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp còn thiếu bền vững; đời sống nhân dân khu vực nông thôn vẫn ở mức thấp; nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa chưa có sự chuyển biến rõ rệt… Đây sẽ là những thử thách không nhỏ trong thực hiện Đề án TCCNNN của huyện trong những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thị trấn Việt Lâm đa dạng hóa các ngành, nghề sản xuất

BHG - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) đã chú trọng đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới. Về thị trấn Việt Lâm những ngày này, có thể dễ dàng nhận thấy bộ mặt đô thị nơi đây có sự đổi thay đáng kể, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ...

07/06/2018
Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo 6 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu

BHG - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận số 204/TB-VPCP, ngày 1.6.2018 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo 6 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu vào ngày 7.5.2018 về Dự án "Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai" tại 6 tỉnh nêu trên.

07/06/2018
Hội nghị Tổng kết mô hình "Sản xuất lúa Japonica và liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm" năm 2018

BHG - Ngày 7.6, tại xã Linh Hồ (Vị Xuyên), Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức Tổng kết mô hình sản xuất lúa Japonica và liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2018. Đến dự có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Nông nghiệp Việt Nam), và lãnh đạo UBND huyện Vị Xuyên...

 

07/06/2018
Bắc Mê phát huy hiệu quả mô hình nuôi bò nhốt chuồng

BHG - Tận dụng đất trống để trồng cỏ và các phụ phẩm từ nông nghiệp, những năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở huyện Bắc Mê đã áp dụng mô hình nuôi bò nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế, vươn lên thoát nghèo.Nhận thấy việc nuôi bò theo phương pháp nhốt chuồng nhanh có hiệu quả, an toàn và dễ chăm sóc, ông Phùng Văn Biên, Bí thư Chi bộ thôn Bản Nầng, xã Yên Phong chia sẻ: "Để nêu gương đối với đảng viên và nhân dân, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ. 

07/06/2018