Hà Giang

Đẩy mạnh hoạt động chợ biên giới Cao Mã Pờ

09:02, 18/04/2018

BHG - Thực hiện chủ trương đẩy mạnh hoạt động chợ biên giới, xã vùng biên Cao Mã Pờ (Quản Bạ) đã chủ động chuyển chợ về mốc biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân hai bên phát triển giao thương, tăng cường quan hệ hữu nghị.

Chợ biên giới xã Cao Mã Pờ thu hút người dân 2 bên biên giới đến trao đổi hàng hóa.
Chợ biên giới xã Cao Mã Pờ thu hút người dân 2 bên biên giới đến trao đổi hàng hóa.

Chợ biên giới xã Cao Mã Pờ cách trung tâm huyện Quản Bạ 36 km và cách trung tâm huyện Ma Ly Pho (Trung Quốc) khoảng 26 km. Sau khi chợ Cao Mã Pờ được di chuyển đến Mốc 291/2 thuộc thôn Vàng Chá Phìn, họp vào ngày thứ 2 hàng tuần nên đã trở thành điểm thu hút bà con trong vùng tới trao đổi, buôn bán. Anh Nguyễn Văn Bắc, tiểu thương chuyên bán hàng sắt ở đây cho biết: “Tôi đi bán hàng ở các chợ phiên quanh huyện, từ khi chợ Cao Mã Pờ chuyển địa điểm lên Mốc 291/2 việc buôn bán tấp nập hơn do có cả phía bạn sang trao đổi hàng hóa, các mặt hàng ở chợ phong phú hơn”. 

Chị Nguyễn Thị Thu, một khách hàng chia sẻ: “Chợ này có khá nhiều quán ăn, các hàng quán của Việt Nam chủ yếu khách Trung Quốc đến ăn, còn dân mình đến chợ để thưởng thức các món đặc trưng của Trung Quốc. Tôi thấy chợ ở đây có nhiều hàng hóa của Việt Nam và Trung Quốc nên thỉnh thoảng đến mua sắm”.

Chủ tịch UBND xã Cao Mã Pờ, Viên Quang Chương cho biết: “Thực hiện chủ trương đẩy mạnh hoạt động chợ biên giới, xã đã di chuyển chợ cũ đến họp tại khu vực Mốc 291/2, bước đầu dựng chợ tạm với diện tích 2.500 m2, diện tích quy hoạch lâu dài 5 ha. Để thúc đẩy mở chợ song phương, UBND xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tùng Vài mời lãnh đạo trấn Ma Ly, huyện Ma Ly Pho sang tham quan chợ và tổ chức Hội đàm tại Trạm Kiểm soát Biên phòng. Hai bên thống nhất các quan điểm hợp tác hữu nghị cùng phát triển, tổ chức quản lý cư dân biên giới chấp hành nghiêm luật pháp của mỗi bên. Đại diện lãnh đạo trấn Ma Ly cũng đánh giá cao việc xã Cao Mã Pờ chủ động di chuyển chợ cũ từ thôn Thèn Ván lên khu vực biên giới, tạo thuận lợi cho cư dân hai bên phát triển giao thương, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, phát triển thương mại biên giới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Phía trấn Ma Ly cũng thể hiện sự trọng thị về việc phát triển kinh tế biên mậu, sẽ báo cáo và đề xuất cấp trên cho chủ trương chính thức mở chợ phía đối diện, sớm phát triển thành cặp chợ biên giới tại khu vực này”.

Cao Mã Pờ có chiều dài đường biên giới lớn nhất trong các xã biên giới của huyện, nhân dân sinh sống giáp biên rất chú trọng tham gia phát triển giao lưu buôn bán, thương mại. Trong những năm qua, nhân dân hai bên biên giới đã có những hoạt động trao đổi, mua, bán hàng hóa với nhu cầu ngày càng lớn. Thông qua các hoạt động trao đổi, mua, bán nông sản và các mặt hàng thiết yếu, điều kiện kinh tế của nhân dân thay đổi tích cực, thu nhập tương đối ổn định và có chiều hướng phát triển tốt. Vì vậy, rất cần xây dựng, quy hoạch chợ biên giới với quy mô lớn hơn, góp phần phát triển KT-XH, mở rộng quan hệ giao thương giữa 2 bên biên giới.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quang Bình quản lý, khai thác tốt các công trình thủy lợi

BHG - Những năm qua, huyện Quang Bình luôn chú trọng công tác quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi sau đầu tư, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Quang Bình hiện có hơn 780 công trình thủy lợi lớn, nhỏ đã được đưa vào khai thác. Trong đó, có 13 hồ chứa dung tích từ 10 nghìn – 200 nghìn m3; 76 công trình cấp nước sinh hoạt và các tuyến kênh, mương với tổng chiều dài trên 540 km. Các công trình thủy lợi đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho trên 5.400 ha lúa và các loại cây trồng; trong đó, diện tích tưới tiêu vụ Xuân trên 2.197 ha, vụ Mùa trên 3.278 ha...

18/04/2018
Xín Mần phát triển vùng chè hữu cơ

BHG - Trên cơ sở Đề án và kế hoạch Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Xín Mần đã lựa chọn một số loại cây lợi thế để đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, giai đoạn 2015 - 2020. Một trong những nội dung quan trọng là phát triển vùng chè hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên sẵn có của địa phương. Đồng thời, đưa sản phẩm chè Shan tuyết Xín Mần đến gần hơn với thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

18/04/2018
Tái cơ cấu kinh tế dưới góc nhìn của các chuyên gia

BHG - Trong Chương trình Đối thoại chính sách Tái cơ cấu kinh tế mới đây, các chuyên gia chỉ rõ: Hà Giang cần dựa vào nội lực và có cơ chế khuyến khích ngược đối với cán bộ cũng như mạnh dạn đi vào những "vùng xám" để giải quyết 5 "nút thắt" trong hoạch định, điều hành, thực hiện Tái cơ cấu kinh tế. Những "nút thắt" như: Thông tin dữ liệu sơ sài; quy hoạch và các chỉ tiêu điều hành không tác dụng; thiếu cơ chế khuyến khích ngược đối với cán bộ, công chức; động cơ không muốn thoát nghèo của một bộ phận người dân; chưa có sự gắn kết giữa ba trụ cột của nền kinh tế rất cầm sớm được tháo gỡ.

17/04/2018
Nông dân Bắc Mê trăn trở tìm đầu ra cho cây nghệ

BHG - Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Mê đã mạnh dạn chuyển đổi những loại cây kém hiệu quả sang trồng nghệ, từ đó từng bước thay đổi cuộc sống. Cây nghệ đang mở ra hướng đi mới nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, để hướng đến sản xuất hiệu quả và bền vững, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm cho người trồng nghệ đang gặp rất nhiều khó khăn…

17/04/2018