Hà Giang

Chinh phục đỉnh cao gần 2.500 m

08:49, 27/04/2018

BHG - Gần 2.500 m - đó là điểm cao nhất của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tây Côn Lĩnh nằm trên địa bàn các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, thành phố Hà Giang. Đây là khu vực có nhiều núi cao, độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, hiểm trở. Dãy núi chạy dài từ Tây sang Đông, nổi tiếng với đỉnh Tây Côn Lĩnh, có độ cao gần 2.500 m so với mực nước biển, từ đây phát triển nhiều dãy núi lớn khác chạy xuống phía Nam. Đường phân thủy phía Tây đổ xuống sông Chảy, phía Đông đổ xuống sông Lô. Do địa hình hiểm trở cho nên Khu BTTN còn giữ được những vùng rừng nguyên sinh đang được lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương bảo vệ nghiêm ngặt.

 Đường lên thung lũng Hoa đào.
Đường lên thung lũng Hoa đào.

Khu BTTN Tây Côn Lĩnh có diện tích 15.012 ha, bao gồm 10 xã thuộc 3 huyện, thành phố: Lao Chải, Xín Chải, Thanh Thủy, Phương Tiến, Cao Bồ, Quảng Ngần, Thượng Sơn (Vị Xuyên); Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang) và Túng Sán (Hoàng Su Phì). Theo thống kê của ngành chức năng, nơi đây có 796 loài thực vật đã được ghi nhận, trong đó 54 loài thực vật quý hiếm, chiếm 7% tổng số loài. Trong số này, có 49 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, chiếm trên 6% tổng số loài đã biết trong khu vực nghiên cứu, có 3 loài thuộc cấp rất nguy hiểm (CR); 19 loài thuộc nhóm nguy cấp (EN); 27 loài thuộc nhóm sẽ nguy cấp (VU); 4 loài nằm trong Danh lục đỏ của IUCN; 3 loài thuộc cấp ít nguy cấp (LR); 14 loài nằm trong NĐ32/2006 NĐ-CP chiếm trên 1,7% tổng số loài đã biết trong khu vực nghiên cứu và chiếm khoảng 27% tổng số loài có tên trong NĐ32/2006 NĐ-CP; 11 loài nằm ở nhóm IA, 3 loài nhóm IIA; 5 loài nằm trong phụ lục II của CITES (Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa). Khu bảo tồn còn có 213 loài động vật được ghi nhận, trong đó có 36 loài quý hiếm. Trong số này có 14 loài thú ghi trong Danh lục đỏ IUCN (2015); 24 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); 17 loài ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính Phủ và 15 loài ghi trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của CITES.

Tổ công tác định vị hướng lên đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Tổ công tác định vị hướng lên đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Lên điểm cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh có nhiều đường, có thể đi từ phía xã Cao Bồ, Túng Sán và Phương Tiến. Cùng đi tuần rừng với cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh, chúng tôi mới được cảm nhận khí núi của rừng thẳm nguyên sinh. Đoàn công tác do đồng chí Cao Đại Quang, Giám đốc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh làm Trưởng đoàn, cùng đi có Hạt phó Hoàng Văn Kính; các kiểm lâm viên: Bàn Văn Phương, Linh Văn Trình, Phạm Văn Tuân, Hoàng Văn Hòa... theo hướng xã Phương Tiến ngược dốc.

Sàn quan sát của lực lượng kiểm lâm trên đỉnh cao gần 2.500m.
Sàn quan sát của lực lượng kiểm lâm trên đỉnh cao gần 2.500m.

Từ UBND xã Phương Tiến lên thôn Mào Phìn, khoảng hơn 10 km đã được rải bê - tông. Từ đây tiếp tục sử dụng xe máy đi khoảng 16 km qua miên man rừng vầu, chuối, gỗ thì tới chân đỉnh cao 2.000 m và đến Trạm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh. Nơi đây thực sự là “vương quốc” của những cây Đào, Lê cổ thụ, Pơ mu xanh mướt, trên độ cao này có một hồ nước khá rộng. Sau một đêm nghỉ tại trạm, không có điện, những vì sao cao thẳm hóa thật gần.

Sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ, chinh phục đỉnh cao gần 2.500 m (cao hơn đỉnh Chiều Lầu Thi, nơi có biển mây huyền thoại ở Hoàng Su Phì gần 26 m). Hạt trưởng Cao Đại Quang phân công: “Tôi và anh Trình kiểm tra khu vực thung lũng Hoa Đào và lên điểm 2.000 m. Đồng chí Kính cùng anh em dẫn nhà báo lên điểm gần 2.500 m, khi về tập kết tại thôn Mào Phìn”. Nhận lệnh, chúng tôi chia thành 2 đoàn. Chia tay, Hạt trưởng tiếp tục dặn: “Anh em dẫn nhà báo đi phải hết sức cẩn thận”! Quả thực, hành trình lên đỉnh cao này mất 5 giờ luồn rừng, ngược dốc. Vượt qua những tán rừng, mênh mông Thảo quả ở độ cao 1.900 m, 2.070 m thì còn đường mòn, khi lên đến độ cao 2.100 m chúng tôi phải vạch cây, vén lá tìm đường theo bản đồ và thiết bị định vị. Từ độ cao 2.150 m trở lên, cây Thảo quả không sống được, khu vực này là “vương quốc” của Trúc gai, Trúc hương (loại trúc thân nhỏ bằng ngón tay, cao khoảng 2 m) và rừng Sồi, Kháo, Dổi... cổ thụ. Ngoài ra, đây cũng là “vương quốc” của... rêu, mây và sương mù. Rêu mọc bám vào bất kỳ đâu, từ thảm cỏ, mặt đất, leo phủ lên thân cây Trúc, bám kín thân cây cổ thụ... đâu đâu cũng một màu xanh của rêu. Khu vực này, tuyệt nhiên không vết dao, vết cưa xâm phạm, lớp thảm mục dưới chân êm ru, dày 40 – 50 cm. Tìm đường mà đi trong sương theo bản đồ, rồi đỉnh cao gần 2.500 m cũng hiện ra, ẩn chìm trong lãng đãng sương mờ. Lên đây, chúng tôi phát hiện có dấu vết của khách du lịch từ những dòng khắc chữ lưu trên thân cây.

Rời điểm cao này, chúng tôi mất 4 giờ mới về đến trạm, thêm 1 giờ nữa để về thôn Mào Phìn, nhập đoàn với đồng chí Hạt trưởng. Hiện nay, khu bảo tồn và khu vực xung quanh chưa có điểm du lịch nào chính thức hoạt động. Tuy vậy, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch khám phá, mạo hiểm rất lớn, có thể khai thác như: Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ xã Cao Bồ rất hấp dẫn du khách gắn với dịch vụ Homestay trong các thôn bản đồng bào dân tộc Mông, Cờ lao, Dao... Đỉnh Tây Côn Lĩnh là địa điểm nhiều khách du lịch muốn đặt chân, khám phá cảnh đẹp.

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu BTTN đã chú trọng tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn các xã. Đặc biệt, bố trí công chức, viên chức xuống địa bàn bám dân, bám cơ sở, cùng ăn, cùng ở với dân. Do đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong tư duy, cách nghĩ, cách làm và quản lý, bảo vệ rừng của người dân. Thường xuyên phối hợp với UBND các xã trong khu bảo tồn, các cơ quan chức năng tuần tra, bảo vệ rừng. Trong năm, đã phát hiện, xử lý 12 vụ xâm hại rừng; huy động lực lượng bảo vệ rừng của các tổ, đội nhận khoán bảo vệ rừng tham gia phát dọn thực bì, làm 18 km đường băng cản lửa ở khu vực đỉnh 2.000 m giáp ranh địa bàn xã Lao Chải, Xín Chải, Phương Tiến; tổ chức tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ, phòng cháy, chứa cháy rừng ở 27/27 thôn liền kề và tiếp giáp khu bảo tồn với 1.480 lượt người; giao khoán trên 11.959 ha rừng tự nhiên cho các tổ, đội, cộng đồng dân cư bảo vệ... nên không xảy ra các điểm nóng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Bài, ảnh: AN DƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh

BHG - Ngày 23.4, UBND tỉnh có Văn bản số 1280/UBND – KTN về việc thực hiện các nội dung tại Quyết định số 1161/QĐ – BTC ngày 6.4.2018 của Bộ Công thương về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Dưới đây là toàn văn của nội dung này.

26/04/2018
Hội Doanh nhân trẻ đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

BHG - Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Hà Giang được thành lập năm 2017, đến nay có trên 100 hội viên, hoạt động hiệu quả ở nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh… Trong những năm qua, các Doanh nhân trẻ luôn vượt qua khó khăn, thách thức, tự tin nắm bắt cơ hội; xung kích trên mặt trận kinh tế, phát triển doanh nghiệp bền vững, đóng góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương.

26/04/2018
Đồng bộ giải pháp giảm nghèo ở Mèo Vạc

BHG - Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với việc xác định mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ, chỉ tiêu ưu tiên trong phát triển KT – XH nên huyện Mèo Vạc đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Qua đó, các chính sách, dự án giảm nghèo được triển khai đồng bộ, bước đầu tạo được kết quả khá tích cực, toàn diện.

26/04/2018
Mèo Vạc: Tập trung chăm sóc ngô vụ Xuân Hè

BHG -  Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân huyện Mèo Vạc dành nhiều thời gian chăm sóc diện tích ngô vụ Xuân Hè. Đây là vụ ngô chính trong năm 2018. Theo kế hoạch, vụ ngô Xuân Hè năm nay huyện Mèo Vạc thực hiện gieo trồng hơn 7.000 ha ngô các loại. Hiện nay, một số diện tích ngô sớm đã mọc 5 - 6 lá, được bà con tập trung làm cỏ và vun gốc. 

25/04/2018