Liên kết sản xuất trong trồng rừng kinh tế

17:26, 12/03/2018

BHG - Trồng rừng sản xuất - rừng kinh tế được tỉnh ta đặc biệt quan tâm với những định hướng, mục tiêu phát triển cụ thể, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân. Nhưng, để kinh tế rừng khẳng định được vị thế và phát triển bền vững rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa người dân với các doanh nghiệp, đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

Trồng rừng kinh tế tại xã Liên Hiệp (Bắc Quang) đang được người dân chú trọng.
Trồng rừng kinh tế tại xã Liên Hiệp (Bắc Quang) đang được người dân chú trọng.

Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế rừng như: Diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 71%/tổng diện tích đất tự nhiên; trên 259.621 ha đất được quy hoạch trồng rừng sản xuất. Trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến gỗ từ rừng sản xuất với công suất hàng trăm nghìn m3 gỗ mỗi năm. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm hộ kinh doanh, hợp tác xã chế biến ván bóc từ gỗ rừng trồng, mức tiêu thụ cũng lên tới hàng chục nghìn m3 gỗ/năm. Đây là những đầu mối thu mua, tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng sản xuất cực kỳ ổn định, góp phần giải quyết hiệu quả nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng cho người dân, thúc đẩy phát triển trồng rừng kinh tế.

Từ đó, kinh tế rừng đã có sự phát triển đáng kể, diện tích rừng sản xuất tăng qua từng năm. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích rừng sản xuất đã khép tán toàn tỉnh có trên 47 nghìn ha,  trên 8.300 ha rừng sản xuất tập trung mới trồng. Mỗi năm có hàng nghìn ha rừng sản xuất được khai thác, đem lại nguồn thu chục tỷ đồng cho người dân. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã có những mối liên hết nhất định với người dân trồng rừng như: Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần đã ký với 290 hộ ở 3 xã Nà Trì, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên của huyện Xín Mần, trồng trên 233 ha rừng từ năm 2012. Công ty cam kết đầu tư, cấp kinh phí 5 triệu đồng/ha rừng cho người dân trồng, chăm sóc đến khi khép tán và bao tiêu sản phẩm với giá 750 nghìn đồng/m3 và có sự điều chỉnh theo xu hướng tăng giá của thị trường tại thời điểm khai thác. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Công nghiệp và Xuất, nhập khẩu lâm nghiệp Hà Giang đã phối hợp với một số huyện, hỗ trợ, giúp hàng nghìn hộ dân đăng ký và được cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC), góp phần đưa giá bán gỗ rừng khi khai thác tăng 10 – 15%. Đặc biệt, sản phẩm chế biến từ gỗ rừng được cấp Chứng chỉ FSC đủ điều kiện xuất khẩu vào một số thị trường khó tính trên thế giới. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.200 ha rừng được cấp Chứng chỉ FSC.

Tuy nhiên, qua đánh giá của các ngành chuyên môn và thực tế phát triển kinh tế rừng những năm gần đây đã chỉ ra rằng, tiềm năng kinh tế rừng chưa phát huy hiệu quả. Cụ thể, năng suất gỗ rừng trồng mới chỉ đạt trung bình 55 m3 gỗ/chu kỳ khai thác; lĩnh vực lâm nghiệp mới chỉ chiếm trên 3% GDP toàn tỉnh… Từ thực trạng đó, năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Đề án về định hướng phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2030. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2020, năng suất gỗ đạt ít nhất từ 60 – 70 m3/ha, tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp có thể đạt trên 1 nghìn tỷ đồng… Cùng với đó, ngày 14.7.2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 86 với một loạt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người trồng rừng. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho tổ chức, cá nhân chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng rừng kinh tế theo kế hoạch của huyện, thành phố, diện tích hỗ trợ tối thiểu 0,5 ha, tối đa không quá 30 ha; hỗ trợ tổ chức, cá nhân trồng rừng kinh tế bằng giống tốt với mức 5 triệu đồng/ha đối với trồng rừng bằng giống keo, 8 triệu đồng/ha đối với trồng rừng bằng giống cây gỗ lớn…

Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần, Ngô Trung Sơn chia sẻ: Với các chính sách hỗ trợ trồng rừng theo Nghị quyết 86 của tỉnh, nếu người dân liên kết với Công ty sẽ được nhận thêm 5 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các hộ dân sẽ được cấp nguồn giống chất lượng cao, được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống các bệnh có thể xảy ra đối với cây trồng. Đặc biệt, đến chu kỳ khai thác, các hộ sẽ yên tâm bởi được bao tiêu sản phẩm với giá thành tương đương, thậm chí cao hơn thị trường nếu chất lượng gỗ tốt hay có Chứng chỉ FSC.

Phát triển kinh tế rừng là một trong những chủ trương, định hướng lớn của Đảng bộ tỉnh. Nắm bắt chủ trương này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã xin chủ trương thực hiện dự án trồng và liên kết trồng rừng kinh tế, xây dựng cơ sở chế biến gỗ. Đây là cơ hội cho người dân, đặc biệt những hộ sở hữu diện tích đất lâm nghiệp lớn có thể mạnh dạn đầu tư trồng rừng kinh tế.

                                                Bài, ảnh: DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị đại biểu người lao động Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Hà Giang năm 2018

BHG - Chiều 9.3, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị đại biểu người lao động năm 2018. Dự hội nghị có lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh; đại diện Chi nhánh Agribank các huyện, thành phố; cán bộ, người lao động của Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang.

10/03/2018
Vị Xuyên phát huy hiệu quả nguồn vốn

BHG - Nhiều năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội  (PGD) huyện Vị Xuyên luôn chủ động đồng hành cùng người dân trên chặng đường phát triển kinh tế, XĐGN và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

 

09/03/2018
Bắc Mê, nhiều giải pháp thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng

BHG - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/T.Ư của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH (PGD) huyện Bắc Mê triển khai nhiều giải pháp, nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng CSXH; góp phần tích cực vào xoá đói, giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.

 

09/03/2018
Phát triển và bảo tồn giống gà Xương đen vùng Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Gà xương đen (hay còn gọi là gà Mông hay gà Mèo) là giống gà địa phương đã được đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ) nuôi dưỡng từ lâu đời. Đây là một giống gà có khả năng thích ứng tốt với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt của địa phương (nhất là khả năng chống rét) và có khả năng chống chịu tốt với các loài dịch bệnh trên đàn gia cầm như bệnh tụ huyết trùng, bệnh Newcason, bệnh cúm gà (H5N1)… Ngoài ra, gà xương đen cũng là  một mặt hàng thương phẩm mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

 

09/03/2018