Hiệp định CPTPP: Làm gì để các doanh nghiệp 'nhỏ mà không yếu'

15:42, 14/03/2018

Ngày 8/3, tại Chile, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết gồm 11 quốc gia: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện, ​có tác động to lớn ​đối với nhiều ngành và lĩnh vực của Việt Nam. 

Nhiều cơ hội mở ra khi giảm thuế

Việc ký kết CPTPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội mang tính đột phá đối cho nhiều ngành và lĩnh vực nhờ hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan.

C​hia sẻ về cơ hội này, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương), các cam kết về xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình và tự do hóa dịch vụ - đầu tư trong Hiệp định CPTPP được giữ nguyên từ Hiệp định TPP trước đây. 

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng những cam kết cắt giảm thuế từ hơn 90%, thậm chí lên đến 95%. 

"Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực," lãnh đạo Vụ đa biên cho biết thêm.

Ở một góc độ khác, ông Lê Quốc Phương, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng nhìn nhận những tín hiệu tích cực từ hiệp định này khi tác động đa dạng và toàn diện đối với nhiều ngành và lĩnh vực.

​Ông cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế mở với quy mô xuất nhập khẩu rất cao, do vậy việc ký kết CPTPP với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand, Mexico… cùng với việc giảm thuế xuất khẩu nhanh và mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… được hưởng lợi.

Thêm nữa, theo ông Phương, hầu hết các thị trường trong khối CPTPP đều có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu nên để được hưởng mức thuế ưu đãi, chất lượng của sản phẩm Việt Nam phải tăng lên, do vậy hiệp định CPTPP sẽ tạo sức ép để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh.

​Một khía cạnh được ông Phương đề cập chính là CPTPP sẽ giúp Việt Nam giảm áp lực nhập khẩu từ một số thị trường truyền thống, qua đó đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, giảm áp lực nhập khẩu từ một số thị trường, đặc biệt là Trung Quốc.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Phúc Lâm cho rằng, khi CPTPP được thực thi sẽ tạo thuận lợi chung cho tất cả các doanh nghiệp thuộc các quốc gia thành viên.

​Đáng chú ý, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội mới để mở rộng việc cung cấp các sản phẩm vào thị trường các quốc gia thành viên cũng như có thể có thêm đối tác mới, chủng loại hàng hóa mới từ các quốc gia thành viên khác để mở rộng quy mô hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Bên cạnh đó, Hiệp định sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch cũng là cơ sở, nền tảng để cho các doanh nghiệp có tầm nhìn, định hướng, phát triển bền vững và lâu dài có cơ hội tốt để vượt lên. 

"Các thuận lợi sẽ không dành cho tất cả mọi doanh nghiệp vì điều đó còn phụ thuộc vào khả năng nhận biết và hiểu về các yếu tố thuận lợi đó, đồng thời doanh nghiệp cần chuẩn bị đủ điều kiện, năng lực nắm bắt cơ hội đó," ông Thành ​chia sẻ thêm.

Sức ép lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cũng như rất nhiều các Hiệp định thương mại khác, CPTPP mang đến nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ cam kết mở cửa thị trường của các nước khác nhưng đồng thời với những cam kết cắt giảm thuế quan của mình trong hiệp định, một số ngành kinh tế của Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn từ hàng hóa nhập khẩu từ các nước CPTPP. 

Theo tiến sỹ Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, hiệp định CPTPP vẫn quy định ​việc mở cửa tối đa cho các doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa của các nước thành viên khi đưa hàng hóa vào thị trường của nhau.

Tuy vậy, ông Khanh lo ngại sẽ có sức ép cạnh tranh rất lớn từ chất lượng đến giá thành với ngành chăn nuôi, nhất là các sản phẩm từ thịt, trứng, sữa..., bởi lẽ ngành chăn nuôi của Việt Nam vẫn chủ yếu theo kiểu nông hộ, chăn nuôi nhỏ và rất ít các tập đoàn lớn.

​"​Các nước mà Việt Nam ký CPTPP đều có năng lực cạnh tranh vượt trội, các sản phẩm của họ đều được ứng dụng khoa học công nghệ cũng như bản thân doanh nghiệp các nước đó cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này," ông Khanh băn khoăn.

Trước thực tế trên, để giúp các doanh nghiệp phát triển và hội nhập thành công, ​chuyên gia này cũng khuyến nghị các doanh nghiệp ​cần phải thay đổi lại tư duy trong sản xuất và khâu tổ chức sản xuất.

Cụ thể hơn, ông Khanh ​lưu ý các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu và sản xuất theo những gì thị trường cần, tức là ​đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế chứ không phải sản xuất theo kinh nghiệm của cá nhân, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành. 

​Còn theo Phó Giáo sư Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp (Viện nghiên cứu thương mại), để doanh nghiệp "nhỏ mà không yếu" các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho công tác quản trị cũng như tập làm quen với dịch vụ chất lượng cao ​như tham gia vào chuỗi cung ứng, dịch vụ ngân hàng, logistics...

"Nhà nước và các Hiệp hội chỉ hỗ trợ và tạo ra môi trường, còn việc chuyển biến thực sự phải nằm ở tay các doanh nghiệp," chuyên gia Phạm Tất Thắng nói.

Bộ Công Thương cũng đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường, đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. 

​Hơn nữa, doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường, đối tác trong CPTPP để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp ở các quốc gia CPTPP. 

Đây cũng chính là cơ hội tốt để các ​doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Theo Vietnamplus


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thanh Đức, Xín Chải với những cung đường bê - tông nông thôn

BHG - Thực hiện Chương trình Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Đức và Xín Chải (Vị Xuyên), tập trung thực hiện quyết liệt tiêu chí về Giao thông. Đến nay, những con đường trước đây gập ghềnh, lầy lội đã dần được phủ lên "tấm áo" bê – tông rộng, phẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao lưu hàng hóa, nâng cao mức sống cả về tinh thần và vật chất cho đồng bào.

 

14/03/2018
Nông dân xã Vĩ Thượng thi đua sản xuất giỏi

BHG - Những năm qua, Hội Nông dân (HND) xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đã thực hiện tốt công tác vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo động lực để hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

 

14/03/2018
Bắc Mê chú trọng chất lượng Chương trình xây dựng Nông thôn mới

BHG – "Cách đây mấy tháng, con đường này là đường đất nhỏ, hẹp đi lại rất khó khăn, đặc biệt những hôm trời mưa, đường lầy, xe không đi được. Nhưng nay, khi có dự án của Nhà nước về Chương trình xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), sau 2 tháng đường sá đã thông thoáng, đi lại cũng dễ dàng, thuận tiện hơn…" – chị Hoàng Thị Liên, thôn Bản Loan, xã Yên Định (Bắc Mê) vui vẻ cho biết.

 

14/03/2018
Khởi nghiệp từ loài dược liệu bản địa

BHG - Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Cao nguyên đá, Lý Tà Giàng, dân tộc Dao xã Quản Bạ (Quản Bạ) đã "bén duyên" với núi đồi, cỏ cây của quê hương và mạnh dạn khởi nghiệp từ cây dược liệu. Gặp nhau tại Cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở điểm dừng chân Cổng trời Quản Bạ, Giàng mời tôi tham quan và uống nước tại nơi có "view" đẹp lý tưởng. Giàng vui vẻ giới thiệu, đây là chỗ du khách thích ngồi nhất, bởi có thể vừa uống nước, vừa phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn những dãy núi trùng điệp nối tiếp nhau. Với vị trí đắc địa, cách bài trí thân thiện, hài hòa với thiên nhiên, nơi đây trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách...

 

14/03/2018