Hà Giang

Tát Khao khởi sắc từ con đường mới

09:04, 12/12/2017

BHG - Về thôn Tát Khao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) khi vụ thu hoạch lúa vừa qua được mùa lớn, nhà nào cũng đầy bồ thóc, niềm vui no ấm hiện rõ trên nét mặt của người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Và niềm vui càng được nhân lên bởi con đường bê-tông vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng từ nguồn vốn Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP). Có đường mới, bà con thôn Tát Khao, ai cũng bảo nhau tích cực làm ăn, từng bước xây dựng cuộc sống no ấm, ổn định hơn.

Cao Bồ - địa phương khó khăn của huyện Vị Xuyên với 11 thôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Trước đây, cuộc sống người dân rất khó khăn, nguyên nhân chính do hệ thống đường giao thông kết nối đến thôn khó khăn, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, nuôi được con lợn, con gà chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình, có bán ra ngoài cũng bị tư thương ép giá. Khi Chương trình CPRP triển khai trên địa bàn xã với các hợp phần phù hợp thực tiễn nên đã giúp người dân từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất, hình thành các Nhóm sở thích, Nhóm tiết kiệm tín dụng hoạt động có hiệu quả. Cùng với các hợp phần đang được Chương trình CPRP tích cực triển khai, thời gian vừa qua, người dân nơi đây còn đón thêm niềm vui khi được hỗ trợ vốn xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong đó, tuyến đường bê-tông nông thôn được Chương trình CPRP hỗ trợ tại thôn Tát Khao vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng, đã tiếp thêm động lực, giúp người dân đẩy mạnh sản xuất, việc trao đổi hàng hóa thuận tiện hơn nhiều.

Người dân vui mừng có con đường đẹp.
Người dân vui mừng có con đường đẹp.

Tuyến đường dài 3,4km, rộng 3m, nối từ Nhà máy chè Hùng Cường đến Hội trường thôn Tát Khao được khởi công từ đầu tháng 3.2017, tổng vốn đầu tư trên 4,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn Chương trình CPRP trên 3,2 tỷ đồng, vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và các nguồn khác gần 698 triệu đồng. Sau 4 tháng thi công, công trình đã hoàn thành, mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc đi lại, trao đổi hàng hóa, giao lưu của bà con thôn Tát Khao và một số thôn lân cận. Trước đây, con đường đất nối vào trung tâm thôn toàn những “ổ gà, ổ voi”, nhiều đoạn suối chảy tràn trên mặt nên việc đi lại rất khó khăn. Gia đình chị Bàn Thị Mai có 2 con nhỏ đang theo học tại Trường Tiểu học Cao Bồ, con đường từ nhà đến trường dài gần 4km đầy gian nan, ngày nắng còn đỡ, trời mưa phải mất hàng giờ mới đến được trường. Nhưng nay khác rồi, con đường tiếp cận tri thức của các em đã dễ dàng hơn bởi tuyến đường bê-tông sạch, đẹp mới hoàn thành, đã tiếp thêm ước mơ, động lực học tập.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Văn Hoàn, Trưởng thôn Tát Khao cho biết: Thôn có 43 hộ với 254 khẩu, hiện còn 20 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Bà con trong thôn phát triển kinh tế chủ yếu từ trồng chè, Thảo quả, chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, nuôi lợn đen thương phẩm… Tuy nhiên, trước đây đi lại khó, việc trao đổi hàng hóa, buôn bán nông sản cũng rất khó khăn, các thương lái ít vào thôn. Khi biết Chương trình CPRP giúp xây dựng con đường bê-tông, bà con trong thôn rất vui, các gia đình đều hăng hái tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất mở đường. Tát Khao hiện có khoảng 70ha chè, 39ha Thảo quả, có đường mới, thương lái vào tận nhà thu mua nông sản, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng chăn nuôi theo quy mô hàng hóa. Con đường bê-tông hoàn thành, ngoài 254 khẩu thôn Tát Khao, nhiều hộ dân các thôn lân cận như Tham Vè, Lùng Tao… cũng được hưởng lợi.

Đánh giá về những lợi ích con đường mang lại, ông Lý Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã, Trưởng BQL Chương trình CPRP xã Cao Bồ cho biết: Con đường bê-tông nối vào thôn Tát Khao đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của địa phương, giao thông thuận tiện, khoảng cách đi lại giữa các thôn được rút ngắn. Tuyến đường cũng tạo ra trục giao thông huyết mạch, thông suốt, thúc đẩy quá trình XDNTM của địa phương nhanh “cán đích”. Hiện nay, Cao Bồ đã đạt 6 tiêu chí về NTM và đang tích cực đẩy mạnh thực hiện Đề án 1 triệu tấn xi-măng của UBND tỉnh. Chương trình CPRP hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn đã góp phần từng bước giải quyết những tiêu chí khó trong XDNTM, đồng thời tạo động lực giúp xã phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa, từng bước tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Thiên Thanh - Phạm Hoan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ma Văn Quyết làm giàu từ kinh tế tổng hợp

BHG - Hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp, anh Ma Văn Quyết, sinh năm 1988, trú tại thôn Ca, Xã Vô Điếm (Bắc Quang), là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế giỏi.

12/12/2017
Xã Đản Ván giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

BHG - Là xã còn gặp nhiều khó khăn, những năm qua, xã Đản Ván (Hoàng Su Phì) luôn quan tâm đến công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động (LĐ) đối với số thanh niên chưa có việc làm ổn định. Qua đó, góp phần giải bài toán xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

12/12/2017
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố HCM và các tỉnh, thành năm 2017

BHG - Chiều ngày 9.12, tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh đã đã diễn ra Hội nghị kết nối cung cầu giữa Thành phố HCM và các tỉnh thành, năm 2017. Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành. Về phía tỉnh Hà Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh và lãnh đạo Sở Công thương.

11/12/2017
PVOIL Hà Giang triển khai bán xăng sinh học E5 RON 92

BHG - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1.1.2018, tất cả các đại lý bán xăng trên toàn quốc sẽ triển khai kinh doanh đại trà xăng sinh học E5 RON 92 thay thế cho xăng RON A92 để góp phần bảo vệ môi trường. Với sự chủ động của Tổng công ty PVOIL Việt Nam, đã chỉ đạo triển khai bán xăng sinh học E5 từ ngày 15.12.2017, sớm hơn 15 ngày tại tất cả các đơn vị kinh doanh của Tổng công ty trên toàn quốc, trong đó có Công ty CP Thương mại du lịch, xăng dầu, dầu khí Hà Giang (PVOIL Hà Giang). 

09/12/2017