Giữ vững sinh kế cho người nuôi ong ở Mèo Vạc

09:54, 20/10/2017

BHG - Những ngày đầu tháng 10, Cao nguyên đá chuyển mình đón tiết trời se lạnh. Đây cũng là thời điểm loài cây Bạc hà chuẩn bị đơm hoa, bắt đầu cho mùa nuôi ong rộn ràng. Để đảm bảo sinh kế cho người dân và giữ vững thương hiệu mật ong Bạc hà, huyện Mèo Vạc đang thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, mang tính “then chốt” trong việc bảo tồn đàn ong nội và mở rộng quy mô nuôi ong trên địa bàn.

Công ty TNHH một thành viên Tuấn Dũng lắp đặt dây chuyền hạ thủy phần trong mật ong để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Công ty TNHH một thành viên Tuấn Dũng lắp đặt dây chuyền hạ thủy phần trong mật ong để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong số các huyện ở Cao nguyên đá, Mèo Vạc là một trong những địa bàn có số lượng đàn ong đông nhất và là vùng trọng điểm của loài hoa Bạc hà dại, giúp tạo ra loại mật ong Bạc hà quý. Trong niên vụ 2016 – 2017, toàn huyện Mèo Vạc có 11.000 đàn ong, tăng trên 2.400 đàn so với niên vụ 2015 – 2016; năng suất thu hoạch bình quân đạt 6 lít/đàn; sản lượng mật thu hoạch ước đạt 66.000 lít, tăng trên 6.200 lít so với niên vụ 2015 – 2016; với giá bán mật thô bình quân 400.000 đồng/lít, giá trị sản lượng mật ong Bạc hà toàn huyện ước đạt 26,4 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu, để tạo điều kiện cho các hộ nuôi ong thống nhất áp dụng biện pháp quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà Mèo Vạc, năm 2016, huyện Mèo Vạc đã thành lập Chi hội nuôi ong với 10 thành viên tham gia. Thông qua các hoạt động cam kết, kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các hội viên cũng như tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên đã giúp các hộ gia đình, đơn vị nuôi ong trên địa bàn thống nhất quy trình nuôi và khai thác mật. Do đó, chất lượng mật ong Bạc hà ngày càng được nâng cao; giá bán mật ong ổn định và cao hơn năm trước; người nuôi ong có lãi và có xu hướng mở rộng quy mô sản xuất.

Hộ nuôi ong ở Mèo Vạc kiểm tra đàn ong chuẩn bị lấy mật từ mùa hoa Bạc hà.
Hộ nuôi ong ở Mèo Vạc kiểm tra đàn ong chuẩn bị lấy mật từ mùa hoa Bạc hà.

Đồng chí Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: “Để có được kết quả như niên vụ 2016 – 2017, ngoài điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi còn cho thấy hiệu quả các chính sách của Nhà nước; nhất là Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đã giúp một số gia đình mạnh dạn vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi ong. Đặc biệt, việc áp dụng quản lý phát triển đàn ong của địa phương thông qua chứng nhận chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà Mèo Vạc đã tạo động lực khuyến khích phát triển nghề nuôi ong trên địa bàn”. Để thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, bảo tồn giống ong nội và ổn định, phát triển diện tích cây hoa Bạc hà phù hợp với quy mô nuôi ong, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch; xác định rõ mục tiêu, giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn. Đặc biệt, tích cực rà soát các hộ nuôi ong trên địa bàn và tiến hành thành lập tổ, nhóm sở thích ở 13/18 xã, thị trấn; các tổ, nhóm thống nhất phương pháp hoạt động để duy trì và phát triển nghề nuôi ong.

Qua trao đổi với anh Ngô Mạnh Cường, Chủ tịch Hội sản xuất, kinh doanh mật ong Cao nguyên đá, được biết: Nhằm tránh những tác động tiêu cực từ việc người nuôi đưa giống ong ngoại vào địa bàn hoặc gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại các địa điểm đặt ong, mỗi người nuôi ong ở Mèo Vạc thống nhất đóng góp 30 nghìn đồng/tổ ong để đưa vào quỹ phát triển thôn và vận động nhân dân chăm sóc, bảo vệ hoa Bạc hà. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền; ký cam kết giữa hộ dân với chính quyền địa phương chỉ phát triển giống ong nội; nâng cao vai trò tự giác của người dân trong việc tố giác những trường hợp mang ong từ nơi khác vào khu vực bảo tồn giống ong địa phương; khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng hoa Bạc hà thông qua cơ chế hỗ trợ công thu mua giống ở các hộ dân, sau đó cấp lại cho người dân trồng vào vụ sau; nếu các hộ tự thu mua sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Để tạo nguồn nguyên liệu tập trung, huyện khuyến khích người dân gieo trồng ở những xã trọng điểm về nuôi ong; tăng cường quản lý thị trường; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng quảng bá hàng nhái, hàng kém chất lượng làm giảm uy tín, gây ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc...

Nhằm tạo mối liên kết trong sản xuất, giúp người nuôi ong yên tâm trong khâu tiêu thụ sản phẩm, Công ty TNHH MTV Tuấn Dũng – đơn vị đầu mối chủ lực trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mật ong được đăng ký chất lượng, bảo hộ tem, nhãn sản phẩm đã đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm mật ong đảm bảo chất lượng; sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, mới đây Công ty đã đầu tư lắp đặt dây chuyền hạ thủy phần trong mật ong; hiện thành phần nước trong mật chỉ còn 18% (theo TCVN, mật ong có thành phần nước chiếm dưới 21% đạt tiêu chuẩn và dưới 18% đạt tiêu chuẩn xuất Mỹ). Do chất lượng mật ong được nâng cao nên giá bán cũng được nâng lên; nếu như trước đây giá bán mật ong đạt bình quân 400 nghìn đồng/lít thì nay nâng lên 550 – 600 nghìn đồng/lít; ngoài ra, Công ty chú trọng đa dạng hóa sản phẩm từ mật ong và mới đưa ra thị trường sản phẩm mật ong ngâm tinh bột nghệ...

Mùa nuôi ong đã trở lại trên vùng Cao nguyên đá và có thể tin tưởng với những giải pháp như hiện nay, Mèo Vạc sẽ không chỉ giữ vững sinh kế cho người dân mà còn đảm bảo cho nghề nuôi ong được phát triển bền vững; tạo động lực thúc đẩy KT – XH ở vùng đá biên cương.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quyết tâm xóa đói giảm nghèo của chàng trai vùng cao

BHG - Trong những chuyến công tác đến với vùng đất "cổng trời" Quản Bạ - Hà Giang luôn đọng lại trong tôi những câu chuyện về các tấm gương sử dụng vốn vay hiệu quả, các gia đình biết phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách để vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt là câu chuyện của chàng trai thôn Cốc Mạ, xã Đông Hà, anh là Giàng Chẩn Ngán sinh năm 1983, là tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân và Hội Phụ Nữ xã Đông Hà quản lý.

20/10/2017
Đảng bộ xã Na Khê quan tâm nâng cao năng lực cán bộ

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Na Khê (Yên Minh), nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra 19 mục tiêu cụ thể và 3 chương trình trọng tâm lớn là: Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, năng lực điều hành của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; phát triển cây ăn quả và cây vụ Đông, chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ... Trong đó, lấy trọng tâm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn là nhiệm vụ hàng đầu, quyết định kết quả thực hiện các mục tiêu nghị quyết đề ra. 

19/10/2017
Đảng bộ xã Thuận Hòa phát huy vai trò lãnh đạo trong phát triển kinh tế

BHG - Là xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Vị Xuyên, gần trung tâm thành phố Hà Giang, có đường giao thông vào xã khá thuận lợi, có tiềm năng về phát triển nông nghiệp, thủy sản, du lịch... Đây là những điều kiện tốt để xã Thuận Hòa bứt phá trong phát triển kinh tế. Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra trong phát triển kinh tế, Đảng bộ xã tập trung chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị nói chung, sản xuất nông, lâm nghiệp và các ngành kinh tế nói riêng để đạt được kết quả cao nhất.

 

19/10/2017
Yên Minh phát huy giá trị cây hồng không hạt

BHG -  Hiện nay, huyện Yên Minh có trên 200 ha hồng không hạt, chủ yếu được trồng bằng giống bản địa, có nguồn gốc từ xã Na Khê, trong đó 50 ha đã cho thu hoạch. Chất lượng quả hồng không hạt của Yên Minh được thực khách đánh giá cao nên lượng cung luôn không đáp ứng được nhu cầu. Nhiều năm nay, cây hồng không hạt đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, đang mở ra hướng xóa nghèo cho người dân nơi đây.

18/10/2017