Hà Giang

Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ở Xín Mần

08:31, 01/09/2017

BHG- Mạnh dạn áp dụng Quyết định 352/QĐ – UBND tỉnh và Nghị quyết 209/2015 của HĐND tỉnh đang là hướng đi để huyện Xín Mần chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản hàng hóa. Sau một thời gian kiên trì thực hiện, đến nay ngành chăn nuôi đã và đang vượt lên chiếm ưu thế trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao tại Xín Mần. Chợ gia súc vào mỗi dịp cuối tuần hiện nay được coi là “sản phẩm” từ chuyển đổi sản xuất ở chính nơi đây.

Chợ trâu ở xã Nàn Ma sáng sớm thứ 6 hàng tuần.
Chợ trâu ở xã Nàn Ma sáng sớm thứ 6 hàng tuần.

Cuối tháng 8.2017, chúng tôi trở lại Xín Mần để tìm hiểu về việc phát triển nông nghiệp hàng hóa thông qua thực tế một số chợ gia súc trong mỗi dịp cuối tuần. Thứ 6, khi màn sương mù còn chưa tan hết đồng bào xã Nàn Ma và các xã lân cận đã hối hả kéo về chợ Nàn Ma. Tại đây, trâu, bò, dê, lợn cùng nhiều hàng hoá nông sản trong dân làm ra đều được tụ hội về đây. Nhiều nhất, có giá trị trao đổi cao nhất phải kể đến là khu tập kết các loại gia súc lớn. Các lái buôn trâu, bò hết kẻ dắt đi, người dắt lại xem từng bước đi, từng khoang, khoáy...

Được biết, từ tháng 4.2017, chợ gia súc của xã Nàn Ma được tụ họp thành thông lệ cứ 1 tuần/phiên vào thứ 6. Tại đây, người chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn từ khắp các nơi trong huyện Xín Mần, các huyện lân cận như Hoàng Su Phì; Bắc Hà (Lào Cai) đổ về. Kẻ mua đi, người bán lại cho nhau nhộn nhịp từ sớm đến chiều mới kết thúc phiên chợ. Theo những người đi chợ cho biết, khách mua trâu, bò nhiều nhất vẫn là lái buôn người Trung Quốc và lái buôn từ Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai) tìm về. Mỗi phiên chợ, ước có từ vài chục đến cả trăm con trâu, bò được bán, đổi cho nhau. Bí thư Đảng uỷ xã Nàn Ma, Phạm Anh Thái cho biết: Chợ gia súc Nàn Ma đã tạo ra một “lực hấp dẫn” có tác dụng thúc đẩy mạnh phong trào chăn nuôi tại địa phương. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, thúc đẩy thương mại, dịch vụ và thu hút khách dụ lịch về Nàn Ma. Cơ hội này được Đảng bộ, chính quyền địa phương đang nắm lấy để vận động đồng bào chuyển đổi sản xuất. Trong đó, chăn nuôi tập trung có quy mô hộ, nhóm hộ và Tổ hợp tác sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển. Vốn đầu tư sẽ ưu tiên từ nguồn Quỹ phát triển thôn và vay ưu đãi Ngân hàng theo Nghị quyết 209/2015/HĐND tỉnh.

Chợ trâu, bò, dê, lợn, gia cầm đông đúc nhất phải kể đến là chợ phiên Cốc Pài (Xín Mần) tụ họp từ chiều thứ 7 đến hết ngày Chủ nhật hàng tuần. Theo chân những người đi buôn trâu, bò vào chợ gia súc Cốc Pài mới thấy hết sự phong phú của đàn gia súc được đồng bào địa phương nơi này nuôi dưỡng. Hình như, những con trâu, bò to khoẻ nhất của Xín Mần đều được đưa về chợ trong dịp cuối tuần? Và hầu hết các đàn dê, lợn, gia cầm, thuỷ sản đặc sắc nhất của đồng bào 19 xã, thị trấn đều tụ hội về chợ phiên làm thoả lòng người buôn bán, tiêu dùng. Mỗi con trâu, bò được mua đi, bán lại có giá trị hàng chục triệu đồng; mỗi đàn dê, đàn lợn, lồng gà, vịt được bán đi, mua về đều có những nụ cười rất tươi của người dân trong đó.

Ông Sần Kháy Chà, xã Nấm Dẩn cho biết: Mỗi năm, gia đình ông dắt trâu ra chợ Cốc Pài vài ba lần. Mỗi lần vài ba con tới cả chục con trâu để bán. Lần này, ông dắt ra chợ 3 con trâu vỗ béo bán cho lái buôn người Trung Quốc thu về kha khá. Số tiền bán trâu hôm nay ông dành phần lớn tái sản xuất và chút ít mua sắm tiêu dùng. Còn ông Vàng Văn Cương, xã Bản Ngò lại đem về chợ Cốc Pài vài con bò vàng mượt. Bán bò to béo, mua bò non tơ về nuôi là cách mà ông Cương thường làm trong mấy năm chăn nuôi gần đây. Ông Cương cho biết, lúc cao điểm trong chuồng nhà ông có tới vài chục con bò. Làm chuồng theo tiêu chuẩn, giảm diện tích trồng cây lương thực để chuyển đất sang trồng cỏ chăn nuôi. Và nhờ chăn nuôi, gia đình ông đã thu nhiều lợi ích kinh tế. Xã Bản Ngò đã có rất nhiều gia đình chuyển đổi sản xuất theo cách ông Cương đang làm đều mang lại kết quả tốt .

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Xín Mần, Ngô Văn Tăng cho biết: Chương trình chuyển đổi sản xuất tại Xín Mần được thực hiện bắt đầu từ khi có Quyết định 352 của UBND tỉnh năm 2014. Trải qua quá trình dài vận động, Quyết định 352 mới đi vào cuộc sống. Khi Nghị quyết 209/2015 – HĐND tỉnh ra đời nó được ví như một “đòn bẩy” thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Tính đến cuối năm 2014, Xín Mần có đàn trâu 16.548 con, bò 8.320 con, lợn 63.753 con, dê 17.609 con và gia cầm trên 435.000 con. Đến hết năm 2016, đàn trâu của huyện đã có 20.244 con, tăng trên 3.400 con; đàn bò 9.792 con, tăng trên 1.000 con, đàn lợn 75.445 con và đàn dê gần 22.000 con, đàn gia cầm có 535.000 con... Mức tăng trưởng tổng đàn gia súc, gia cầm của Xín Mần tăng liên tục qua các năm và đạt bình quân mức tăng đàn là 106%/năm. Sản lượng đàn trâu xuất chuồng và giết mổ năm 2015, đạt 143,73 tấn; năm 2016 đạt trên 150 tấn; ước năm 2017 đạt gần 200 tấn. Đàn bò xuất chuồng và giết mổ năm 2015 đạt 104,8 tấn; ước năm 2017 đạt trên 160 tấn...

Một góc chợ trâu, bò tại thị trấn Cốc Pài chiều ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.
Một góc chợ trâu, bò tại thị trấn Cốc Pài chiều ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Thực tiễn trên đã chứng minh và khẳng định: Phát triển chăn nuôi tại Xín Mần là hướng đầu tư hiệu quả được vận dụng sáng tạo trong thực tiễn sản xuất. Sáng tạo ở chỗ đã đưa bà con nông dân chuyển một phần đất trồng ngô, lúa kém hiệu quả bởi khô hạn, mất mùa sang trồng cỏ, giữ đất, nuôi trâu, bò, dê mang lại lợi ích kinh tế cao. Toàn bộ số gia súc lớn được mua, bán, xuất chuồng và giết mổ tại Xín Mần đều được kiểm dịch chặt chẽ theo quy định của Luật Thú y. Nhờ đó, ngành chăn nuôi trong huyện đã phát triển bền vững, không gặp rủi ro. Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Bùi Minh Hiệu cho rằng: Xín Mần đã thành lập trang trại chăn nuôi chuyên cung cấp trâu, bò giống đạt chuẩn và thành lập Ngân hàng tinh để phối giống nhân tạo cải tạo chất lượng đàn gia súc. Quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm từ 35 – 38% giá trị trong sản xuất nông nghiệp của Xín Mần.

Chiều cuối tuần ở Xín Mần giường như chùng lại. Người dắt trâu về, kẻ dắt bò đi như một phần dòng chảy của cuộc sống hiện hữu ở khắp các nẻo đường xa, gần trên mảnh đất miền Tây. Thả lòng, ước có ai đó cùng về Xín Mần với tôi trong mỗi dịp cuối tuần đi chợ, mua trâu, bán bò xây dựng cuộc sống ấm no.

Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Gửi mẫu giám định bệnh hại trên cây cam Sành tại xã Hương Sơn

BHG  -Trong thời gian vừa qua, trên 15 ha cây cam Sành tại xã Hương Sơn (Quang Bình) xuất hiện bệnh gây hại; hiện chưa rõ nguyên nhân.

31/08/2017
Hợp tác xã trồng rau quả sạch - mô hình cần được nhân rộng

BHG- Sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, HTX  Học Lập tại thôn Làng Vàng, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên) nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lại có sự chủ động nắm bắt xu hướng tiêu thụ hàng hóa nông sản của người tiêu dùng trong địa bàn đã nhanh chóng khẳng định uy tín của mình trước cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên và đông dảo người tiêu dùng thường xuyên tiêu thụ những sản phẩm nông sản chất lượng  của HTX.

31/08/2017
Bắc Mê đẩy mạnh phát triển trâu, bò hàng hóa tập trung theo vùng

BHG - Những năm qua, huyện Bắc Mê đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung; khuyến khích bà con phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nay người dân đã biết đầu tư chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, có đầu tư lớn và ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu, rút ngắn chu kỳ sản xuất. 

31/08/2017
Xã Xuân Minh giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chương trình CPRP

BHG - Thời gian qua, Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn xã Xuân Minh (Quang Bình). Sau gần 3 năm thực hiện, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về áp dụng khoa học, kỹ thuật; phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân; đồng thời, thúc đẩy KT – XH, AN – QP địa phương phát triển ổn định, bền vững.

31/08/2017