Hà Giang

Hiệu quả từ Tổ hợp tác sản xuất trồng rau an toàn Nậm Lương

08:25, 28/09/2017

BHG- Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang nhận được sự quan tâm của mọi người trong xã hội. Việc trồng rau an toàn, rau sạch đang là hướng đi mới, tất yếu theo nhu cầu của thị trường. Mô hình trồng rau an toàn ở Nậm Lương, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đang bước đầu cho thấy hiệu quả, được người tiêu dùng đón nhận.

Mô hình trồng rau an toàn ở thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến (Quản Bạ).
Mô hình trồng rau an toàn ở thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến (Quản Bạ).

Vốn là vùng đất nổi tiếng về trồng rau, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho các loại rau xứ lạnh phát triển. Trong nhiều năm qua, người trồng rau ở Quyết Tiến đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh số lượng lớn rau xanh các loại. Tuy nhiên, vấn đề phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, canh tác theo khoa học kỹ thuật chưa được áp dụng triệt để. Phó Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Văn Tuân cho biết: “Để đổi mới tư duy, cách làm của người trồng  rau ở đây, xã đã vận động bà con tham gia mô hình trồng rau an toàn. Theo đó, xã hỗ trợ cấp phát lưới, ni lon, màng nhà kính chống côn trùng là 3.835 m2 để các hộ tham gia mô hình trồng rau an toàn”.

Dù khởi đầu mới có 4 hộ tham gia, song mô hình trồng rau trong nhà lưới này cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ông Ngũ Minh Hải, một hộ trồng rau nhiều năm, cho biết: “Được xã vận động trồng rau an toàn theo mô hình nhà lưới, nhà tôi đã bỏ tiền đầu tư dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động, đầu tư thâm canh trồng rau trên diện tích hơn 1.000 m2. Dù mới trồng rau sạch từ đầu tháng 4 tới nay, song nhà tôi đã bán được 1 vụ rau. Đều là các loại rau trái mùa như: bắp cải có giá bán là 15 nghìn đồng/kg, mùng tơi tím giá bán là 5 nghìn đồng/mớ; ngoài ra còn có cả rau củ cải, cải ngọt, cải mèo, rau thơm... Sau khi bán đi cũng có thu nhập khoảng 2 triệu đồng”.

Theo các hộ trồng rau, việc trồng rau trong nhà lưới có rất nhiều ưu điểm như tránh được các loại gia súc, côn trùng vào phá cây; giảm tác hại của trời mưa to, gió lớn; có thể bảo vệ cây rau khi thời tiết quá nóng bằng cách che chắn thêm màng lưới. Các hộ ở đây có thể tận dụng tre, nứa ở địa phương, nước suối nguồn để giảm chi phí đầu tư. Hộ ông Vàng Diến Lìu, trồng rau trên diện tích 800 m2, đã đầu tư gần 20 triệu đồng để dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động. Đang thu hoạch đợt rau cải mèo cuối cùng, ông Lìu cho biết: “Ở đây ngoài trồng rau thì chúng tôi không biết làm gì thêm. Vì vậy được xã vận động, nhà tôi đã bỏ tiền ra đầu tư để trồng rau lâu dài. Dù chi phí làm nhà lưới không quá đắt song cũng không hề rẻ đối với những nông dân ở đây. Tuy nhiên, sau khi đầu tư vào trồng rau tôi thấy có hiệu quả, nhà lưới bảo vệ được cây rau khỏi nhiều yếu tố thời tiết và côn trùng nên việc trồng rau cũng ít bị thiệt hại hơn. Mới đầu trồng rau an toàn phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, không được dùng thuốc trừ sâu mà phải tự bắt sâu, nhổ cỏ thì khá vất, sau cũng làm quen dần. Chúng tôi đầu tư vào trồng rau trái vụ để thu hút người mua, như: bắp cải, cải mèo, cà chua... Sau vụ rau vừa rồi nhà tôi được lãi khoảng 3 – 4 triệu đồng”.

Dù vậy, tham gia trồng rau an toàn, người trồng rau vẫn có băn khoăn là rau an toàn phải bỏ ra nhiều công lao động hơn song giá bán không cao hơn các loại rau khác là mấy. Nguyên nhân là do người tiêu dùng không thể phân biệt được rau sạch, an toàn với rau trồng không theo quy trình kỹ thuật. Giải quyết vấn đề trước mắt này, xã đã vận động các hộ trồng rau góp mỗi hộ 5 triệu đồng để làm bao bì cho sản phẩm rau an toàn lấy tên là “Tổ hợp tác sản xuất trồng rau an toàn Nậm Lương”. Dù vậy, để rau an toàn phổ biến, được người tiêu dùng tin cậy thì còn cần rất nhiều thời gian. Song mô hình trên bước đầu cho thấy trồng rau an toàn không khó và vẫn có hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Khơi" tiềm năng vùng chè Shan tuyết ở Tân Lập

BHG- Xã Tân Lập (Bắc Quang) là vùng có nhiều diện tích chè Shan tuyết – cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, trước đây lợi thế này chưa thực sự được "đánh thức" để góp phần làm thay đổi diện mạo xã đặc biệt khó khăn. Nhưng khi có sự đồng hành của các cấp, ngành, tiềm năng kinh tế vùng chè Shan tuyết Tân Lập thêm cơ hội bứt phá.

28/09/2017
Nông Quốc Thùy quyết tâm làm giàu với nghề chăn nuôi

BHG - Dám nghĩ, dám làm, chàng trai trẻ Nông Quốc Thùy (sinh 1993) ở thôn Chàng Sát, xã Yên Hà (Quang Bình) quyết tâm khởi nghiệp, vượt khó làm giàu với mô hình chăn nuôi cho thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Anh là một trong những đoàn viên, tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.

27/09/2017
Thành công Đề án trồng dứa ở Phong Quang

BHG - Đề án phát triển dứa tại xã Phong Quang (Vị Xuyên) được thực hiện theo Quyết định số 4116 của UBND huyện Vị Xuyên từ 10.11.2015. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Phòng Nông nghiệp – PTNT đã phối hợp với Công ty Cổ phần xuất khẩu thực phẩm (CPXKTP) Đồng Giao (Ninh Bình) và 143 hộ tại thôn Lùng Càng, Bản Mán, Lùng Châu, xã Phong Quang cùng triển khai thực hiện. 

27/09/2017
Sôi động thị trường bánh Trung thu

BHG - Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Trung thu. Đây cũng là thời điểm các cơ sở sản xuất bánh kẹo, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chế biến, cung ứng ra thị trường các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. 

27/09/2017