Gian nan chuyển đổi, giải thể Hợp tác xã ở thành phố Hà Giang

06:44, 26/09/2017

BHG- Thấm nhuần chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là Hợp tác xã (HTX) trong phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Hà Giang (TPHG) đặc biệt coi trọng công tác này bằng nhiều hoạt động cụ thể. Tuy nhiên, trước yêu cầu tất yếu phải giải thể HTX không hoạt động; chuyển đổi HTX kiểu cũ (hoạt động theo Luật HTX 2003) sang kiểu mới (Luật HTX 2012) tại địa phương gặp không ít gian nan.

Hoạt động theo Luật HTX 2012 giúp nhiều HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong ảnh:  Sản phẩm thủ công truyền thống của HTX Đồng Quê (xã Phương Độ) là món quà lưu niệm được nhiều du khách lựa chọn.
Hoạt động theo Luật HTX 2012 giúp nhiều HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong ảnh: Sản phẩm thủ công truyền thống của HTX Đồng Quê (xã Phương Độ) là món quà lưu niệm được nhiều du khách lựa chọn.

Hiện nay, trên địa bàn TPHG có 131 HTX. Nhưng có đến 36 HTX ngừng hoạt động, 9 HTX tạm dừng hoạt động, 21 HTX tồn tại trên... giấy, mới giải thể 3 HTX và chỉ có 62 HTX hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Tuy nhiên, trong số 62 HTX này vẫn còn 11 HTX kiểu cũ. Theo phản ánh từ cơ quan chuyên môn, công tác quản lý thuế đối với HTX gặp không ít khó khăn. Bởi, một số HTX khai thác cát, đá, sỏi hoạt động không hiệu quả, do chưa được cơ quan hữu quan cấp phép khai thác nên ngừng hoạt động kinh doanh kéo dài. Một số HTX SXKD rượu, vận tải, xây dựng, khai thác khoáng sản vì thiếu vốn, thiếu năng lực sản xuất, cạn nguồn nguyên liệu... dẫn đến hệ lụy SXKD thiếu hiệu quả. Cùng với đó, khoảng 10% HTX (trong tổng số HTX do Chi cục Thuế TPHG quản lý) kinh doanh thua lỗ. Nhiều HTX nông, lâm, ngư nghiệp, quỹ tín dụng thuộc đối tượng không phải nộp thuế giá trị gia tăng nên số thu nộp ngân sách Nhà nước đối với lĩnh vực này đạt thấp. Hơn nữa, trong tổng số 62 HTX đang hoạt động, chỉ có 48 HTX đăng ký kê khai mã số thuế, thực hiện các quy định về kê khai thuế và nộp ngân sách Nhà nước hàng năm theo quy định...

Từ những nguyên nhân trên dẫn đến tỷ trọng tiền thuế so với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt thấp. Minh chứng cho thấy, năm 2014, tỷ trọng tiền thuế đạt 7,3%, đến năm 2016 chỉ đạt 5,3% và 6 tháng đầu năm 2017, số tiền nộp ngân sách Nhà nước mới đạt 1,36% (tương đương 1,367/100 tỷ đồng). Trong khi đó, tiền thuế nợ đọng của các HTX tương đối lớn. Nếu như năm 2016, tổng số tiền nợ đọng thuế của các HTX chiếm 3,904 tỷ đồng thì đến thời điểm đầu tháng 8.2017, số tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp của các HTX lên đến 9,144 tỷ đồng.

Cùng với khó khăn trong công tác quản lý thuế, theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nhiều HTX hoạt động SXKD với quy mô nhỏ, bản chất thành lập HTX chủ yếu là gia đình, anh em dòng tộc là thành viên HTX. Do vậy, khi thực hiện chủ trương của Nhà nước về phát triển KTTT, chuyển đổi hoạt động của HTX kiểu cũ theo Luật hiện hành, nhiều HTX thiếu chủ động, thiếu quan tâm đến việc chuyển đổi mô hình, xây dựng điều lệ, phương án SXKD để mở rộng hình thức kinh doanh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, không ít HTX hoạt động thiếu hiệu quả, ngừng hoạt động hoặc tồn tại trên danh nghĩa. Theo kết quả báo cáo tài chính cho thấy, riêng 6 tháng đầu năm 2017, chỉ có 32 HTX đạt tổng doanh thu trên 100 triệu đồng; số còn lại không phát sinh doanh thu, thậm chí hoạt động mang tính hình thức.

Thực tiễn cho thấy, tiến độ chuyển đổi từ HTX kiểu cũ sang kiểu mới trên địa bàn TPHG tương đối chậm. Điều này xuất phát từ việc nhiều HTX chưa hiểu rõ tính ưu việt giữa hình thức hoạt động của HTX kiểu mới so với kiểu cũ. Hơn nữa, khi Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về công tác chuyển đổi HTX, nhiều HTX không bố trí cử cán bộ tham gia tập huấn, dẫn đến các thành viên Ban quản trị, thành viên HTX chưa hiểu rõ Luật HTX 2012 và cách thức chuyển đổi để tổ chức lại sản xuất cho HTX. Mặt khác, trong quá trình chuyển đổi, các HTX phải xây dựng điều lệ hoạt động, phương án SXKD khả thi và các biểu mẫu theo quy định. Song, nhiều HTX thực hiện chưa đầy đủ, dẫn đến việc cơ quan chuyên môn trả lại hồ sơ để HTX chỉnh sửa, bổ sung và hướng dẫn HTX thực hiện đúng theo mẫu quy định, dẫn đến chậm thời gian chuyển đổi... Cùng với khó khăn trên, toàn địa bàn thành phố có đến 21 HTX không tìm thấy địa chỉ. Điều này khiến cơ quan chuyên môn khó có thể liên lạc để vận động HTX giải thể tự nguyện theo quy định của Luật. Riêng 36 HTX ngừng hoạt động cũng khó giải thể vì liên quan đến công nợ, tài sản hoặc mất con dấu...

Có thể khẳng định, việc chuyển đổi, giải thể HTX trên địa bàn TPHG hiện vẫn rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành liên quan. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc hướng dẫn, đưa giải pháp thực hiện giải thể bắt buộc đối với các HTX ngừng hoạt động nhưng không giải thể được (do mất con dấu, nợ thuế, nợ ngân hàng hay liên quan đến tài sản)... Song song với đó là sự “khơi nguồn”, tạo thêm “cú huých” để KTTT có bước phát triển vượt bậc, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương thêm phát triển.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Điện lực Hà Giang khắc phục 1.048 sự cố đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa mưa bão

BHG- Trong 9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tình ta xảy ra nhiều đợt mưa to, sấm sét do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, do các cơn bão gây ra làm hư hỏng thiết bị điện, đường dây truyền tải điện, trên hệ thống thiết bị, lưới điện do Công ty Điện lực Hà Giang quản lý đã xảy ra 1.048 sự cố, tăng 151 vụ so với cùng kỳ năm 2016. 

25/09/2017
Công ty Điện lực Hà Giang sơ kết 9 tháng đầu năm

BHG- Ngày 22.9, Công ty Điện lực Hà Giang tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 9 tháng, triển khai phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2017.

24/09/2017
Liên kết giữa doanh nghiệp và người dân tại Bắc Mê

BHG- Bằng việc người dân bỏ đất, bỏ công; doanh nghiệp bỏ vốn, giống, kĩ thuật chăm sóc... là trong những cách thức của việc liên kết giữa "2 nha" doanh nghiệp và người dân. Những rừng chuối xanh bạt ngàn, những chuồng bò được dựng lên với quy mô lớn... Đây là một cách đi mới đang dần làm thay đổi tư duy trong việc phát triển kinh tế của người dân và tạo một màu sắc mới cho kinh tế huyện Bắc Mê những năm gần đây.

23/09/2017
Mèo Vạc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất vụ Mùa

BHG - Nằm trong vùng lõi Cao nguyên đá, Mèo Vạc là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ thiếu đất, thiếu nước sản xuất vào mùa khô mà còn chịu nhiều thiên tai trong mùa mưa. Đứng trước những diễn biến bất thường về thời tiết, thời gian qua, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng trong vụ Mùa.

22/09/2017