Để cây đậu tương phát triển theo hướng hàng hóa ở Hoàng Su Phì

08:37, 06/09/2017

BHG- Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, Hoàng Su Phì xác định phát triển cây đậu là một trong những cây trồng mang tính đột phá nhằm nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị đất canh tác; tạo thêm việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) cho người dân. Tuy nhiên, để phát triển cây đậu tương theo hướng hàng hóa một cách bền vững thì huyện vẫn còn nhiều việc phải làm.

Người dân thôn Võ Thấu Chải, xã Chiến Phố chăm sóc cây đậu tương.
Người dân thôn Võ Thấu Chải, xã Chiến Phố chăm sóc cây đậu tương.

Có thể nói, cây đậu tương có nhiều điểm thuận lợi để phát triển ở Hoàng Su Phì. Đây là cây trồng có tác dụng cải tạo đất rất tốt, phù hợp với nhiều loại đất, lại không phụ thuộc nhiều vào nguồn nước; việc đầu tư, chăm sóc phù hợp với trình độ, điều kiện của người dân; sản phẩm làm ra có nhiều công dụng như cung cấp thực phẩm cho con người, làm nguyên liệu chế biến cho công nghiệp; làm thức ăn cho gia súc, sản phẩm dễ tiêu thụ, thị trường tiêu thụ lớn và ổn định... Những năm qua, huyện đã có những chính sách phát triển cây đậu tương như: Hỗ trợ giống, phân bón và xây dựng quy trình kỹ thuật, tổ chức chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân; quy hoạch vùng sản xuất giống đậu tương DT84 tại chỗ để hỗ trợ những hộ, vùng chưa chủ động giống, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Qua thực tế cho thấy, từ thu nhập của cây đậu tương đã giúp cho đời sống của một số hộ đã được cải thiện. Tuy nhiên, việc phát triển cây đậu tương vẫn còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng so với tiềm năng của huyện; diện tích trồng đậu tương có xu thế giảm dần. Do đó, chưa phát huy được hết tiềm năng cũng như năng suất của cây đậu tương. Chỉ tính riêng vụ Xuân năm nay, toàn huyện chỉ gieo trồng được trên 2,4 nghìn ha, đạt 92,2% so KH; giảm so với cùng kỳ năm 2016 là 207 ha. Nguyên nhân giảm là do công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn chưa thật sự quyết liệt; công tác hướng dẫn chuyển giao tiến bộ KHKT cho nhân dân chưa được thường xuyên, liên tục; một số hộ dân chưa hiểu sâu về tác dụng khi việc trồng đậu tương ngoài hiệu quả kinh tế còn có tác dụng cải tạo đất; các hộ sống rải rác, giao thông đi lại không thuận tiện, dẫn đến các hộ trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình...

Đồng chí Nguyễn Quang Duẩn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT của huyện cho biết: Diện tích đậu tương của huyện hiện có trên 5.400 ha, trong đó, vụ Xuân khoảng 2.600 ha; vụ Hè - thu khoảng 2.800 ha. Cơ cấu giống chủ yếu là giống DT 84, giống địa phương chiếm khoảng 15% và chủ yếu là giống đậu tương hạt vàng, xanh; năng suất đậu tương bình quân đạt 15,2 tạ/ha, sản lượng hàng năm đạt trên 8.000 tấn, thu nhập từ cây đậu tương chiếm từ 16 - 18% tổng giá trị thu nhập hàng năm của hộ nông dân trong huyện. Song việc phát triển cây đậu tương trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Việc đầu tư thâm canh, áp dụng KHKT chưa hợp lý, công tác giống chưa được chú trọng, số hộ sử dụng giống địa phương đã bị thoái hoá còn chiếm tỷ lệ lớn, việc quản lý và cung cấp giống còn nhiều bất cập dẫn đến chất lượng giống bị pha tạp; vì vậy, chất lượng thương phẩm kém, năng suất bình quân thấp. Mặc dù là huyện có diện tích, năng suất, sản lượng đậu tương lớn nhất toàn tỉnh và cây đậu tương đã được huyện xác định là cây trồng mang tính đột phá nhưng trong thời gian qua vẫn chưa thực sự trở thành cây trồng chủ lực giúp nông dân phát triển kinh tế, XĐGN và làm giàu.

Rõ ràng, để phát triển cây đậu tương trở thành cây hàng hóa mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện; trong thời gian tới, mỗi xã, thị trấn và người dân trong huyện cần thay đổi tư duy, mạnh dạn quy hoạch vùng sản xuất đậu tương có diện tích lớn, để tạo thành vùng hàng hóa. Cùng với đó, các phòng chức năng của huyện cần đầu tư nghiên cứu, cung ứng giống mới, kỹ thuật thâm canh để tăng năng suất cho cây trồng; xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp trong việc đầu tư kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, để cây đậu tương thực sự trở thành cây thế mạnh ở Hoàng Su Phì.

TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn viên Lý Thị Minh khởi nghiệp từ mô hình phát triển kinh tế gia đình

BHG - Đầu tháng 8 này, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình đoàn viên Lý Thị Minh, sinh năm 1982, tại thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Đây là một trong những mô hình thanh niên "khởi nghiệp" đầy triển vọng trên địa bàn huyện Quang Bình. 

31/08/2017
Lễ mở thầu gói thầu số 3 "Cung cấp dịch vụ phân tích kim loại nặng, vi sinh và dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cho mẫu đất, mẫu sản phẩm chè búp tươi và Đánh giá, chứng nhận VietGap…"

BHG- Ngày 30.8, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản tỉnh tổ chức Lễ mở thầu gói thầu số 3 "Cung cấp dịch vụ phân tích kim loại nặng, vi sinh và dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cho mẫu đất, mẫu sản phẩm chè búp tươi và Đánh giá, chứng nhận VietGap cơ sở trồng chè búp tươi tại Hà Giang". Dự lễ mở thầu có đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT và 3 nhà thầu tham gia dự thầu cùng có mặt.

31/08/2017
Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đang phát huy hiệu quả ở Bắc Quang

BHG - Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ tín dụng vốn vay Nghị quyết 209/2015/NQ – HĐND tỉnh tại Ngân hàng NN&PTNT huyện Bắc Quang là 44.619 triệu đồng cho 491 món vay phát triển kinh tế. Các lĩnh vực như chế biến, thâm canh, chăn nuôi... đã và đang phát huy hiệu quả trong sử dụng vốn.

31/08/2017
Xã Xuân Minh giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chương trình CPRP

BHG - Thời gian qua, Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn xã Xuân Minh (Quang Bình). Sau gần 3 năm thực hiện, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về áp dụng khoa học, kỹ thuật; phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân; đồng thời, thúc đẩy KT – XH, AN – QP địa phương phát triển ổn định, bền vững.

31/08/2017