Hà Giang

Người dân Ma Lé tích cực phát triển chăn nuôi

08:01, 23/08/2017

BHG- Ma Lé là xã biên giới của huyện Đồng Văn, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí không đồng đều, chưa mạnh dạn phát triển kinh tế...  Bằng nhiều phương pháp vận động, bà con đã dần hình thành những mô hình chăn nuôi cho thu nhập khá.

Nữ cán bộ Đoàn tâm huyết, tận tụy với công việc
Lãnh đạo xã Ma Lé (Đồng Văn) thăm mô hình nuôi dê của hộ anh Hoàng Văn Hưởng.

Là một xã nghèo thuộc huyện 30a, thu nhập của người dân ở đây chưa tới 10 triệu đồng/người/năm. Bí thư Đảng ủy xã Ma Lé, Phạm Hồng Việt, cho biết: Nhân dân ở xã chủ yếu là dân tộc Mông, có 15% là dân tộc Giáy. Ở nơi núi đá này rất khó phát triển kinh tế, dân mình nghèo, một số nơi còn tồn tại hủ tục lạc hậu, như: Tảo hôn, tiệc ma chay kéo dài từ 5 – 7 ngày, làm cho các hộ đã nghèo lại càng nghèo. Vì vậy, đối với Đảng ủy xã làm sao để giúp người dân phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng hàng đầu. Thực hiện việc nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng theo Đề án 04 của Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực phát triển kinh tế của cấp ủy Đảng cấp cơ sở”. Hàng tháng, Ban Thường vụ xã đều duy trì các cuộc họp để bàn về việc vận động nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới và đặt ra những chủ trương phù hợp với lòng dân.

Trong phát triển kinh tế, xã phân công cho từng đồng chí phụ trách ở các chi bộ thôn; phân công cho MTTQ và các đoàn thể gắn với một vài mô hình phát triển kinh tế trong Chương trình 135, 30a. Song song với việc “làm theo” tư tưởng, tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh, đưa vào vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, quán triệt hết các chủ trương, nghị quyết xuống các chi bộ; thậm chí còn biên tập lại những văn bản như Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thành những phụ lục ngắn gọn, gắn với thực tiễn của địa phương để cán bộ, đảng viên, Bí thư chi bộ, nhân dân có thể hiểu được. Thực hiện trách nhiệm nêu gương trước bà con nhân dân nên hầu hết mô hình phát triển kinh tế đều là của đảng viên. Thông qua đó, bà con thấy chủ trương đó hợp lòng dân thì làm theo.

Là một đảng viên trẻ ở thôn Ma Lé, anh Hoàng Văn Hưởng, dân tộc Giáy (sinh 1987), hiện đang sở hữu đàn dê lên đến gần trăm con. Năm 2016, xã tìm được nguồn hỗ trợ là vốn đầu có thu hồi của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong thời gian 12 tháng. Anh Hưởng được vận động tham gia làm mô hình, nhận tiền vốn là 100 triệu đồng, sau 1 năm đã hoàn trả được 50 triệu đồng. Anh Hưởng vui mừng cho biết: “Mới đầu mình còn chưa biết nuôi dê với quy mô lớn thì phải làm gì, cũng băn khoăn suy nghĩ nhiều về việc vay vốn, sợ nhỡ không làm được thì lấy đâu ra tiền trả nợ. Rất may là có các anh cán bộ xã vận động, hướng dẫn từ cách xây dựng chuồng trại đến kỹ thuật. Mình cũng yên tâm bắt đầu nuôi 40 con dê, sau một năm thì nhân đàn lên thành 70 con. Bây giờ cứ 7 tháng là có 1 lứa dê xuất chuồng, giá bán 70 nghìn đồng/kg, ở đây nếu không chăn nuôi mà chỉ dựa vào làm nương rẫy thì rất khó kiếm thêm thu nhập”.

Phó Chủ tịch UBND xã Ma Lé, Phúc Trọng Bình, chia sẻ: “Do bà con chưa quen với việc buôn bán, nên để hỗ trợ các hộ dân chăn nuôi, xã đã xây dựng kế hoạch giúp cho các hộ hoạch định việc sản xuất, kinh doanh như: Liên hệ với các nhà hàng ở huyện để tìm đầu ra; tính toán thời gian bao lâu thì bán quay vòng vốn một lần. Không để người dân chăn nuôi quá lâu, không có hiệu quả kinh tế”. Xác định chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế, xã đã đến vận động từng hộ dân mạnh dạn vay vốn phát triển chăn nuôi, giúp tiếp cận với các nguồn vốn. Đến nay, tổng đàn gia súc hiện có ở xã là 4.223 con. Có 6 hộ đã đăng ký xây dựng gia trại, gồm: 1 gia trại bò, 1 gia trại trâu, 1 gia trại lợn, 1 gia trại dê, 2 gia trại gà.

Triển khai Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, đến thời điểm này có 108 hộ/09 thôn đăng ký vay vốn mua trâu, bò, xây dựng chuồng trại gắn với xử lý chất thải và nuôi ong; với tổng số vốn là 6.754,2 triệu đồng. Đã giải ngân cho 12 hộ với tổng kinh phí 980 triệu đồng. Xã quyết tâm sẽ tiếp tục vận động người dân phát triển chăn nuôi nhiều hơn nữa trong thời gian tới để nâng cao thu nhập. Từ đó ổn định đời sống nhân dân, có nguồn lực xây dựng Nông thôn mới.

Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển các mô hình kinh tế - giải pháp bền vững ở Tân Quang

BHG- Những ngày này, nhân dân xã Tân Quang (Bắc Quang) đang nô nức thi đua; góp công, góp sức, tiền của, vật chất để thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM). Từ công sức nhân dân đóng góp, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước,... bộ mặt nông thôn của xã Tân Quang đang từng bước "thay da, đổi thịt". Ngoài thực hiện tốt các tiêu chí trong Bộ chuẩn NTM, Tân Quang rất coi trọng phát triển các mô hình kinh tế và coi đây là giải pháp quan trọng để NTM thực sự bền vững.

23/08/2017
Phú Lũng - xã biên giới đầu tiên cán đích Nông thôn mới

BHG- Tính đến 15.8, căn cứ theo Bộ tiêu chí mới (Quyết định 1980 của Chính phủ); xã Phú Lũng (Yên Minh) đã tự đánh giá 19 tiêu chí Nông thôn mới (NTM) của xã đã đạt chuẩn và hoàn thiện hồ sơ đề xuất huyện, tỉnh thẩm tra thẩm định, đánh giá, phấn đấu công nhận xã đạt chuẩn NTM trong tháng 9 tới.

23/08/2017
Vì sao trồng rừng theo Dự án 661 ở Bắc Mê không thành rừng?

BHG- Dự án 661 được triển khai nhằm giúp người dân tạo thêm nhiều việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống; đất trống, đồi trọc từng bước được phủ xanh, rừng tự nhiên được phục hồi, phát triển tốt và môi trường sinh thái được cải thiện... Tuy nhiên, tại huyện Bắc Mê trong suốt gần 10 năm qua, diện tích trồng rừng theo dự án này đã "mất trắng", dẫn đến lãng phí trong sử dụng đất lâm nghiệp. 

23/08/2017
Thảo quả Hoàng Su Phì rộn ràng mùa thu hoạch

BHG- Tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch, nhưng giá thu mua Thảo quả trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì năm nay tăng cao so với mọi năm. Cụ thể, giá Thảo quả tươi được các cơ sở thu mua từ 60 – 65 nghìn đồng/kg, Thảo quả khô trên 400 nghìn đồng/kg. Đây không chỉ là niềm vui, mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng Thảo quả.

22/08/2017