Những kỳ vọng từ... "làn sóng" đầu tư mới

08:39, 03/05/2017

BHG - Theo số liệu của cơ quan chức năng, tính đến cuối năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 1.107 DN dân doanh hoạt động ổn định, có kê khai, quyết toán thuế. Trong đó có 782 Công ty TNHH, 290 Công ty Cổ phần, 35 DN tư nhân, hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Các DN dân doanh có vai trò hết sức quan trọng, tạo động lực phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trực tiếp sản xuất ra của cải, vật chất cho xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Mặc dù nền kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư phát triển hạn chế khiến nhiều DN rơi vào cảnh thiếu việc làm, hoạt động không ổn định, nhưng năm qua vẫn đóng góp tới 60% tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay có tới 60% DN hoạt động ở lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB), trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công vừa eo hẹp, vừa bị thắt chặt nên nhiều đơn vị gặp vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, các DN sản xuất, kinh doanh thương mại thì sản phẩm chưa đa dạng, chưa tạo được thương hiệu trên thương trường, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hàm lượng chất xám ít nên tính cạnh tranh chưa cao. Thực trạng này kéo dài nhiều năm khiến cộng đồng DN của tỉnh vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “đông nhưng không mạnh”.

Nếu như, trước thời điểm năm 2010, các DN hoạt động trong lĩnh vực XDCB, khai thác khoáng sản luôn có đóng góp lớn cho ngân sách, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động, thì nay vai trò dẫn đầu không còn nữa. Mấy năm trước, chúng ta đã từng rất vui mừng khi Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc đầu tư, xây dựng cụm đồng bộ, liên hoàn các nhà máy... tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng từng được trao rất nhiều kỳ vọng. Bởi lẽ, theo dự tính, khi đi vào hoạt động sẽ đưa tỉnh ta trở thành một trong mười địa phương có nền công nghiệp luyện kim, chế biến sâu khoáng sản đứng hàng đầu Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho 2 nghìn lao động, hàng năm đóng góp trên 300 tỷ đồng vào ngân sách địa phương. Thế nhưng, nhà máy đồ sộ này đã “ngủ đông” nhiều năm nay, các thiết bị, máy móc đang bị thời gian bào mòn và không biết đến bao giờ con chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghiệp nặng của tỉnh mới cất cánh.Ở lĩnh vực XDCB, một số doanh nghiệp đình đám một thời không còn giữ được vị thế độc tôn, không những vậy còn lâm vào cảnh nợ nần, thiếu việc làm, hoạt động cầm chừng hoặc phải đóng cửa. Nhận diện rõ khó khăn sẽ ập đến với các DN sống nhờ “bầu sữa” ngân sách, tỉnh ta đã sớm có chủ trương, khuyến khích chuyển hướng hoạt động sang các lĩnh vực thế mạnh như chế biến nông - lâm nghiệp, dược liệu, thủy điện, du lịch, dịch vụ. Từ định hướng này, ngoài DN nội tỉnh, nhiều nhà đầu tư bên ngoài đã nhận thấy cơ hội, nhanh chóng triển khai dự án, bước đầu ghi nhận thành công.

Cùng với cả nước, hiện phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình đầu tư mới được hình thành, nhiều DN mới được thành lập, với sự trợ giúp về chính sách, vốn vay của Nhà nước, những “cánh chim non” đang thỏa sức tung cánh trên “bầu trời rộng lớn”. Nhiều nhà đầu tư ngoài tỉnh đã mạnh dạn tìm hiểu môi trường, triển khai các dự án quan trọng trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, dược liệu, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, khám chữa bệnh...

Sau khi nghiên cứu các chính sách khuyến khích đầu tư, chủ trương phát triển dược liệu của tỉnh, Viện Y học bản địa (YHBĐ) Việt Nam quyết định đầu tư khoảng 100 tỷ đồng thực hiện Dự án Phát triển nông thôn bền vững vùng Phìn Hồ từ cây dược liệu và cây chè bản địa. Sau hơn một năm đã hình thành hệ thống nhà lưới phục vụ việc, sưu tầm, ươm cây giống với hàng trăm loài dược liệu bản địa; nhà máy sản xuất tinh bột chè xanh đã đi vào hoạt động. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện, ươm nuôi thành công nhiều loài dược liệu quý, đặc hữu như Sâm ngọc linh, Lan kim tuyến, Sâm trúc diệp, Sâm vũ hoàng, Tam thất hoang có giá trị hơn 3 lần Tam thất thường, Thạch tùng răng - vị thuốc không thể thiếu trong sản phẩm

Cùng với Viện YHBĐ, Công ty Cổ phần XNK Dược Bảo Châu cũng vừa khai trương Nhà máy sản xuất nước ép hoa quả, sơ chế dược liệu tại Vị Xuyên. Nhà máy có tổng vốn đầu tư trên 28 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 1,5 ha, toàn bộ dây chuyền, trang thiết bị nhập khẩu từ các nước G7. Các sản phẩm chính của nhà máy gồm nước cam ép TRUE ORANGE, trà túi lọc Giảo cổ lam, nước sâm tăng lực NABEST, trà túi lọc sâm Ngọc Linh NANOSI... Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng sản phẩm của nhà máy đã được xuất khẩu sang một số nước trong khu vực ASEAN, doanh thu bán hàng, thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Gần đây, Công ty Cổ phần Phát triển Nông - lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam cũng khai trương chi nhánh tại huyện Vị Xuyên, sản xuất thành công nhiều sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, có ý nghĩa phục vụ đời sống như nấm Đông trùng - Hạ thảo; các giống dược liệu có giá trị kinh tế cao gồm Đinh lăng, Gừng gió, Lan kim tuyến, Lan thạch hộc, Hà thủ ô đỏ, Sa nhân tím, Thất diệp nhất chi hoa; sản phẩm lâm nghiệp gồm Keo lai mô, Bạch đàn mô, Keo tai tượng, Xoan ta, Lát hoa, Lim xanh, Tre mai, Mây nếp... đang được thị trường ưa chuộng, hứa hẹn mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều người.Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 4, một con số thu hút nhiều sự quan tâm, trăn trở - số thu thuế những tháng đầu năm đạt rất thấp. Nguyên nhân, do hoạt động của các DN thủy điện, khoáng sản, XDCB gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng đến số thu chung của tỉnh. Trong bối cảnh đó, sự nổi lên của các DN mới, trực tiếp sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng lớn từ sản phẩm nông nghiệp... đang được kỳ vọng thay thế những DN đi trước, đảm nhiệm vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế. 

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Đảng viên gương mẫu đi đầu – nhân dân làm theo" ở Yên Minh

BHG - Đây là phương châm triển khai thực hiện phong trào thi đua chào mừng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020 cũng như các ngày lễ lớn trong năm 2016. 

29/04/2017
Khai trương Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản Hà Giang

BHG - Chiều ngày 27.4, Văn phòng điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) phối hợp với Ban điều phối chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tổ chức Khai trương Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản Hà Giang. Tham dự có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng điều phối chương trình XDNTM, Ban điều phối chương trình CPRP; cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.

28/04/2017
BIDV Hà Giang tổ chức hội nghị tri ân khách hàng

BHG - Chiều 26.4, tại trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Hà Giang, BIDV Hà Giang tổ chức Hội nghị Tri ân khách hàng nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành (26.4.1957 – 26.4.2017). Dự hội nghị có đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh và đông đảo khách hàng của BIDV trên địa bàn tỉnh…

27/04/2017
Nâng cao ý thức hội nhập qua giá trị nông sản

BHG- Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập từ cuối năm 2015, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực. Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa các cơ hội, từng doanh nghiệp, nông dân cần chủ động, linh hoạt nâng cao năng lực cạnh tranh nhiều mặt.

27/04/2017