Nâng cao ý thức hội nhập qua giá trị nông sản

07:16, 27/04/2017

BHG- Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập từ cuối năm 2015, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực. Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa các cơ hội, từng doanh nghiệp, nông dân cần chủ động, linh hoạt nâng cao năng lực cạnh tranh nhiều mặt.

Diện tích cam Sành VietGAP ở xã Việt Lâm (Vị Xuyên) còn ít người biết đến.
Diện tích cam Sành VietGAP ở xã Việt Lâm (Vị Xuyên) còn ít người biết đến.

Nông sản đặc sản phong phú

Mức cam kết tự do hóa thương mại trong AEC là cao nhất (không thuế quan) trong các FTA Việt Nam ký kết, đây là một lợi thế rất lớn về lưu chuyển hàng hóa... trong nội khối ASEAN. Thực tế thì ASEAN hiện vẫn đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và EU. Trước năm 2010, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang ASEAN 2 nhóm mặt hàng chính là dầu thô và gạo (chiếm trên 50% tổng kim ngạch). Hiện nay, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN đã đa dạng hơn nhiều, với các mặt hàng như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; máy móc, nông sản... 

Với đặc điểm của tỉnh có 3 vùng sản xuất nông nghiệp gắn với tiểu vùng khí hậu, môi trường sản xuất nông nghiệp ít bị ô nhiễm do sản xuất công nghiệp chưa phát triển; Hà Giang có điều kiện thuận lợi để áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất các nông sản thực phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nông nghiệp của tỉnh có thế mạnh trong phát triển sản xuất một số loại nông sản đặc sản, đặc hữu như: Cam Sành, chè Shan tuyết; chăn nuôi đại gia súc, nuôi ong mật...

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tổng diện tích cam Sành, là sản phẩm chủ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh trên địa bàn 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên là 8.114,24 ha, diện tích đang cho thu hoạch là 3.658,48 ha. Trong đó, diện tích cam đã được cấp chứng nhận VietGAP là 1.540,7 ha, chiếm 42,1% diện tích cho thu hoạch. Diện tích chè được cấp chứng nhận theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là 3.404,2 ha. Trong đó, diện tích được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 1.581,2 ha; diện tích chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ (OGRANIC) là 1.823 ha. Số cơ sở chế biến được cấp chứng nhận hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn HACCP là 04 cơ sở gồm: Công ty Cổ phần chè Hùng Cường, Công ty Cổ phần chè Hùng An, Công ty TNHH chè Hoàng Long, Công ty Cổ phần chè Quang Bình... Với số lượng nông sản đặc sản tương đối lớn như vậy nhưng hầu như các sản phẩm của tỉnh chưa phát huy được hết giá trị.

Nâng cao giá trị nông sản

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Hà Giang trên thị trường; trong những năm gần đây, tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng đầu tư phát triển sản xuất nông sản theo hướng áp dụng thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất để nâng cao chất lượng ATTP. Đặc biệt, đối với các sản phẩm chủ lực được lựa chọn thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp như: Cam, chè, mật ong... tỉnh còn đồng thời đầu tư xây dựng Chỉ dẫn địa lý cam Sành, mật ong Bạc hà; hiện đang chỉ đạo tiếp tục xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chè, bò Vàng vùng cao. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất nêu trên, đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp nông sản của tỉnh từng bước phát triển theo hướng bền vững, khẳng định uy tín trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh: “Nguyên nhân dẫn đến một số mặt hàng nông sản của tỉnh chưa phát huy được giá trị, như mật ong Bạc hà đang được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá bán cao nhất trong các loại mật ong sản xuất trong nước, nhưng sản lượng chưa nhiều nên không thể khai thác, phát triển xuất khẩu. Đối với cam Sành, cũng là một đặc sản đạt danh hiệu vàng “Món ngon – Tinh hoa ẩm thực Việt 2014”, đạt “TOP 10 sản phẩm dịch vụ người tiêu dùng tin cậy”;  Tuy nhiên, cam Sành nói chung và cam Sành VietGAP nói riêng đến nay vẫn chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Nguyên do là việc triển khai sản xuất cam VietGAP tuy được thực hiện thí điểm từ niên vụ 2013 – 2014, nhưng với quy mô nhỏ 125,9 ha. Đến niên vụ 2016 – 2017 mới triển khai mở rộng quy mô thêm trên 1.400 ha; Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm cũng mới được công nhận trong quý IV - năm 2016. Việc phát huy giá trị của bảo hộ Chỉ dẫn địa lý và xây dựng uy tín thương hiệu “Cam sành VietGAP” đòi hỏi phải có thời gian nhất định”.

Đối với cây chè, quy trình VietGAP là quy trình sản xuất an toàn của Việt Nam, tại thời điểm trước năm 2016 thì quy trình này chưa được nâng cấp lên thành Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được quốc tế chấp nhận. Bên cạnh đó, thiết bị máy móc của hầu hết các cơ sở chế biến chè của tỉnh đã lạc hậu, chỉ sản xuất được các sản phẩm sơ chế cung cấp cho các nơi khác tinh chế sản phẩm xuất khẩu, hoặc chế biến các sản phẩm chè thông thường phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước; số doanh nghiệp của tỉnh có thị trường và khả năng chế biến sâu các sản phẩm để xuất khẩu trực tiếp là không nhiều.

Để nông sản đủ điều kiện xuất khẩu

Để nông sản có thể nhập khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ khác thì nông sản đó phải đảm bảo đạt yêu cầu về chất lượng ATTP theo quy định của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ riêng. Nguyễn Văn Thành cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều bộ Tiêu chuẩn đang được lưu hành, áp dụng cho nông sản xuất khẩu vào các nước. Ví dụ: Tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ (OGRANIC) ở mỗi quốc gia lại có một bộ tiêu chuẩn áp dụng riêng như OGRANIC USA (Mỹ), JAPAN (Nhật), EU...

Vì vậy, để nông sản của tỉnh đủ điều kiện xuất khẩu, trước hết phải xác định được mục tiêu thị trường xuất khẩu nông sản cho khu vực nào, nhập khẩu vào quốc gia nào; trên cơ sở đó lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp áp dụng cho sản xuất. Trước mắt, trong thời gian tới sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh chủ yếu vẫn là chè. Do đó, để đạt điều kiện xuất khẩu theo mặt bằng chung về chất lượng ATTP nên triển khai đồng bộ các tiêu chuẩn như: Lựa chọn những vùng trồng chè có đủ điều kiện áp dụng được tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam và nâng cấp các cơ sở chế biến để đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý theo HACCP hoặc tiêu chuẩn ISO. Tóm lại, trong xu hướng hội nhập hiện nay, người nông dân và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp phải có sự tính toán chuyên nghiệp hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường các nước.

Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản Bạ tổ chức Hội chợ việc làm

BHG - Ngày 26.4, huyện Quản Bạ tổ chức hội chợ việc làm năm 2017. Tham dự có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Quản Bạ. 

26/04/2017
Agribank Quang Bình, nguồn lực thúc đẩy các hộ sản xuất, kinh doanh phát triển hiệu quả

BHG - Thời gian qua, Agribank Quang Bình đã giúp nhiều hộ dân nơi đây phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô, lĩnh vực sản xuất; tiếp tục là "điểm tựa" tin cậy cho người dân vươn lên, làm giàu chính đáng.

26/04/2017
Agribank Thanh Thủy tạo mọi điều kiện tiếp cận vốn tín dụng

BHG- Chi nhánh Agribank Thanh Thủy hoạt động chính trên địa bàn 5 xã của huyện Vị Xuyên, gồm: Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải và Phương Tiến. Đây là khu vực có mặt bằng dân trí không đồng đều, KT – XH  chênh lệch lớn; nhu cầu vay vốn của người dân các xã lớn, nhưng số hộ có điều kiện, nhu cầu vay vốn lớn để mở rộng quy mô phát triển kinh tế không nhiều... đã gây khá nhiều khó khăn trong hoạt động của ngân hàng.

26/04/2017
Tích cực đưa các chính sách tín dụng đến với người dân

BHG- Đưa các chính sách tín dụng đến với người dân nhằm thực hiện tốt các chính sách phát triển KT – XH của tỉnh là một trong những chủ trương quyết liệt của tỉnh, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người dân.

26/04/2017