"Chuyện hạt cát" và bài học quý về quản lý

08:57, 24/01/2017

Xuân 2017 - Nhìn lại công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trong năm qua, “nóng” nhất vẫn là chuyện hạt cát. Cát được xếp vào nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, có ở hầu hết các sông, suối trên địa bàn tỉnh. Nhưng cát đẹp nhất, chất lượng nhất tập trung chủ yếu trên sông Lô chạy qua địa bàn tỉnh, điểm đầu từ Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ (Vị Xuyên), điểm cuối tại thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang). Do cầu lớn hơn cung nên thời gian qua đã bùng phát hàng chục điểm khai thác cát trái phép, nó cứ mọc lên như nấm sau mưa và chuyện quản lý hạt cát chưa bao giờ “nóng” đến thế.

Hoạt động khai thác cát trên sông Lô đoạn chảy qua thành phố Hà Giang.
Hoạt động khai thác cát trên sông Lô đoạn chảy qua thành phố Hà Giang.

Theo ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở TN-MT, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thời gian dài, có nguyên nhân chính từ sự quản lý của các cấp chính quyền cơ sở. Nhằm tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện xây dựng Nông thôn mới, ngành chức năng đã có hướng dẫn đăng ký khối lượng khai thác, nhưng chính quyền không làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nên họ thường khai thác vượt khối lượng, bán ra thị trường. Mặt khác, quy trình, thủ tục xin cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường quá rườm rà, mất nhiều thời gian nên nhiều doanh nghiệp không muốn làm.Nguồn lợi từ cát mang lại rất lớn khiến nhiều doanh nghiệp, tư thương nhảy vào lĩnh vực này khai thác trái phép, một thời gian dài “cát tặc” hoành hành ngang dọc; ngày đêm cày sới lòng sông dẫn đến nguy cơ gây biến đổi dòng chảy, sạt lở đôi bờ, tài nguyên Nhà nước mất đi, ngân sách không thu được đồng thuế nào. Mặc dù cơ quan chức năng huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, thành phố Hà Giang đã nhiều lần tổ chức lực lượng, ra quân quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép. Nhưng hậu các đợt kiểm tra, sự việc đâu vẫn vào đó, không những không chặt được những chiếc vòi bạch tuộc mà nó còn nối dài thêm, hành vi cũng tinh vi hơn nhằm đối phó cơ quan chức năng.

HTX Định Lượng đầu tư tàu công suất lớn khai thác cát trên sông Lô đoạn chảy qua thành phố Hà Giang.
HTX Định Lượng đầu tư tàu công suất lớn khai thác cát trên sông Lô đoạn chảy qua thành phố Hà Giang.

Nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng khai thác cát trái phép, thực hiện hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản; Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, ra quân xử lý. Đồng thời, ngành cũng đề nghị UBND tỉnh cho phép rút ngắn 2/3 thời gian làm thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân hoàn thiện thủ tục, khai thác hợp pháp, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước, có phương án bảo vệ môi trường... Với một loạt các biện pháp được triển khai đến nay, tình trạng cát tặc cơ bản được giải quyết; nhiều doanh nghiệp được cấp phép đã đầu tư trang thiết bị, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản, phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Cầu lớn hơn cung nên cát hút đến đâu, được các xe chở đi tiêu thụ đến đấy.
Cầu lớn hơn cung nên cát hút đến đâu, được các xe chở đi tiêu thụ đến đấy.

Nếu như trước năm 2016, chỉ duy nhất Công ty TNHH 282 được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Lô, nhưng sau khi thực hiện quy trình rút gọn và đơn giản hoá thủ tục, đã có thêm nhiều điểm nằm trong quy hoạch được cấp phép như: Công ty Cổ phần khoáng sản Ngọc Linh được UBND tỉnh cấp phép khai thác bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thôn Ngọc Hà, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) với diện tích trên 5,8 ha, công suất 10 nghìn m3/năm, thời hạn 21 năm; Công ty TNHH MTV Mai Nhung được cấp phép khai thác với diện tích gần 0,3 ha, tại điểm mỏ VII, lòng sông Lô thuộc tổ 3, phường Quang Trung. Mới đây, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Long Anh cũng được UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò khoáng sản tại mỏ cát, sỏi lòng sông Lô, thôn Lung Cu và bãi Thác Hoả xã Quang Minh (Bắc Quang) với diện tích trên 10 ha...

Theo ông Nguyễn Hoàng Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản Ngọc Linh, khi được cấp phép, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt thiết bị và bước đầu hoạt động ổn định. Nếu như trước đây, xung quanh vị trí doanh nghiệp thăm dò, đánh giá trữ lượng, có nhiều điểm khai thác trái phép, ngày đêm cày sới lòng sông. Nhưng từ khi được cấp phép, doanh nghiệp tổ chức khai thác với quy mô lớn, các điểm nhỏ, lẻ không cạnh tranh được nên tự rút lui.

Sau cấp phép, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm nhiều tàu hút cát, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.
Sau cấp phép, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm nhiều tàu hút cát, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở TN-MT Hoàng Văn Nhu khẳng định, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản thời gian gần đây đã đi vào nề nếp. Những giải pháp thực hiện thời gian qua như công khai điểm quy hoạch, công khai khu vực thuộc diện đấu giá cấp quyền khai thác, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép khai thác,... đã góp phần quan trọng đẩy lùi tình trạng “cát tặc” và đây thực sự là bài học kinh nghiệm quý.

 TIẾN CHIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Thảm" Xuân "hút" doanh nghiệp xuất, nhập khẩu

Xuân 2017 - Cục Hải quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn 2 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang với các lĩnh vực: Kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK)

24/01/2017
Phát triển chăn nuôi gia súc, cách làm hiệu quả trong tái cơ cấu nông nghiệp

Xuân 2017 - Sau hơn 1 năm tái cơ cấu nông nghiệp, lấy chăn nuôi gia súc làm hướng đi chính, đã cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Xín Mần hơi thở mới.

23/01/2017
"Đòn bẩy" phát triển từ những công trình trọng điểm

Xuân 2017 - Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo, đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm nhằm mục tiêu từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, tạo sự đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, AN-QP, giao thương hàng hóa xuất – nhập khẩu, quy tụ dân cư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và đẩy mạnh thu hút đầu tư.

23/01/2017
Nền kinh tế Hoàng Su Phì: Khởi sắc từ quyết sách khai thác lợi thế

BHG- Năm 2016, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư trên các lĩnh vực cũng như chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ... nhưng nhờ biết tận dụng những thế mạnh và có các chính sách, định hướng đúng đắn nên kinh tế của huyện Hoàng Su Phì đã có sự chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước. 

22/01/2017