Phát triển kinh tế ở Yên Minh cần có định hướng và cách làm mới

08:52, 17/12/2016

BHG - Đó là gợi ý của đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong một buổi làm việc với lãnh đạo huyện Yên Minh trong năm 2016. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến cho rằng: Hiện nay Yên Minh chưa tạo được điểm nhấn trong phát triển KT-XH và một số lĩnh vực đang cho thấy “chậm chân” hơn so với các huyện vùng cao núi đá. Nếu muốn đưa sự phát triển KT-XH của huyện bứt phá đi lên, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Minh cần sớm có những định hướng và cách làm mới.

Thiếu những sản phẩm đặc thù

 Giống như các huyện vùng cao núi đá của tỉnh, Yên Minh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không thuận lợi, thiếu đất, thiếu nước; trình độ dân trí còn hạn chế, một bộ phận người dân còn trông chờ ỷ lại nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước, khiến việc phát triển KT-XH gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, huyện Yên Minh đã xác định và tập trung đẩy mạnh phát triển một số loại cây con chủ lực như: Đậu tương, hồng không hạt, trâu, bò, ong. Qua đó, KT-XH đã có sự phát triển đáng kể. Nhưng, nhìn vào sự phát triển các loại cây, con chủ lực trên của huyện Yên Minh, vẫn chưa có sản phẩm nào nổi trội so với các huyện bạn. Bởi, với cây Hồng không hạt và thương hiệu mật ong Bạc hà đã lần lượt được các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý, thậm chí huyện Mèo Vạc đã có một HTX chuyên sản xuất, chế biến và quảng bá sản phẩm mật ong Bạc hà này nhiều năm nay.

Nghị quyết 209 sẽ là “chìa khóa vàng” giúp Yên Minh phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi nếu huyện biết tận dụng chính sách này. Trong ảnh: Gia đình ông Ly Chá Páo, xã Hữu Vinh mua thêm trâu, bò phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 209.
Nghị quyết 209 sẽ là “chìa khóa vàng” giúp Yên Minh phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi nếu huyện biết tận dụng chính sách này. Trong ảnh: Gia đình ông Ly Chá Páo, xã Hữu Vinh mua thêm trâu, bò phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 209.

Việc phát triển đàn trâu, bò ở Yên Minh cũng được ngành chuyên môn đánh giá là có lợi thế hơn nhưng còn chậm và chưa bằng các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc. Riêng cây đậu tương, những năm qua Yên Minh được đánh giá cao về chuyển đổi bộ giống, diện tích và năng suất tăng qua từng vụ, với diện tích đậu tương năm 2015 đạt trên 4.000ha, năng suất đạt bình quân khoảng 14 tạ/ha. Tuy nhiên, đây là loại cây công nghiệp ngắn ngày, không thể trở thành cây chủ lực chính trong phát triển kinh tế và tạo điểm nhấn đặc thù của Yên Minh.

Trong những năm gần đây, hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Tuy vậy, dù là huyện trung tâm của 4 huyện vùng Cao nguyên đá, nhưng sản phẩm du lịch của Yên Minh gần như... là con số không! Yên Minh không có các di tích nổi tiếng như Đồng Văn, các điểm thăm quan cũng ít và hầu như dịch vụ phục vụ du lịch chủ yếu chỉ đáp ứng các đoàn khách nghỉ chân tạm thời như ăn, ngủ mà thôi. Do đó, doanh thu từ du lịch là tương đối thấp.

Cần có cách làm và định hướng phát triển mới

Với những khó khăn đang hiện hữu và thực tế trong phát triển KT-XH, trong một buổi làm việc với lãnh đạo huyện Yên Minh vào tháng 9.2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã phát biểu và cho rằng: Cấp ủy, chính quyền huyện Yên Minh cần xác định và đưa ra những định hướng, cách làm mới cho những sản phẩm đã được huyện xác định tập trung phát triển trong thời gian qua thì KT-XH mới có thể bứt phá đi lên và có những điều mới mẻ, mang bản sắc riêng.

Cùng với đó, theo đóng góp của các ngành chức năng: Trong chăn nuôi, hiện nay tỉnh ta đang triển khai quyết liệt Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Đây được coi là “chìa khóa vàng” cho các địa phương mở ra cơ hội phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi hàng hóa và Yên Minh cần tận dụng tốt cơ hội này để phát triển đàn đại gia súc. Riêng sản phẩm Hồng không hạt và mật ong Bạc hà, do “đi sau” các huyện khác trong việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, cho nên Yên Minh cần phối hợp với các địa phương đã đăng ký thành công thương hiệu để liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Qua đó, các sản phẩm mới có sức cạnh tranh và chỗ đứng cũng như giá thành ổn định, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Ngoài ra, đối với Yên Minh, đây là địa phương nhiều năm nổi tiếng với cây xoài. Quả xoài Yên Minh được nhiều thực khách đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, do không được chăm sóc, cải tạo, diện tích vườn xoài ở Yên Minh đã giảm đáng kể và thương hiệu dần bị phai mờ. Nếu có thể phát triển diện tích xoài và cải tạo vườn xoài cũ, chắc chắn sản phẩm xoài sẽ trở thành thương hiệu riêng của Yên Minh trong những năm tới.

Bên cạnh đó, là huyện nằm trong vùng Công viên địa chất, tiềm năng để phát triển các loại hình sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Yên Minh còn rất lớn, có thể thu hút du khách thăm quan, mua sắm đồ lưu niệm và thưởng thức văn hóa, ẩm thực dân gian. Đối với một địa phương không có những điểm nhấn về địa danh du lịch thì hướng phát triển này có thể trở thành chủ lực trong thu hút du khách ở Yên Minh nếu biết tận dụng và có hướng đi rõ ràng...

Có thể những đánh giá, phân tích về thực tế tình hình phát triển kinh tế ở Yên Minh nêu trên chưa đủ sâu. Tuy nhiên, những cây, con, lĩnh vực tiềm năng thế mạnh ở Yên Minh đều được nêu lên và chỉ ra những nguyên nhân, tồn tại thực tế để cấp ủy, chính quyền huyện Yên Minh có những đánh giá và đưa ra những chỉ đạo chính xác nhất. Qua đó giúp cho sự phát triển KT-XH của huyện bứt phá đi lên.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Mê triển khai có hiệu quả Chương trình 135

BHG - Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án nên hoạt động phát triển KT-XH trên địa bàn huyện Bắc Mê ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó phải kể đến việc triển khai có hiệu quả Chương trình 135 (CT 135), người dân được hưởng lợi ích thiết thực từ chương trình, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm qua từng năm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi.

17/12/2016
Hiệu quả mô hình trồng cam VietGap ở Quang Bình

BHG- Nhằm không ngừng nâng cao năng suất, giá trị của thứ quả "đặc sản" - Cam sành, huyện Quang Bình đã triển khai thực hiện sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2013. Sau 3 năm thực hiện, mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, góp phần xóa đói giản nghèo cho người dân địa phương. 

15/12/2016
Bảo Việt Hà Giang - 25 năm uy tín nơi mảnh đất Cực Bắc

BHG - Sau khi tỉnh Hà Giang được tái lập từ tỉnh Hà Tuyên, ngày 20.11.1991, Bộ trưởng Bộ Tài chính có Quyết định số 500-TCQĐ/BH, về việc thành lập Công ty Bảo hiểm tỉnh Hà Giang. Đây là dấu mốc cho sự phát triển của Công ty Bảo hiểm Hà Giang, nay là Bảo Việt Hà Giang, trực thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt. 

15/12/2016
Hội thi Sản phẩm cam Sành Hà Giang niên vụ 2016 – 2017

BHG- Ngày 14.12, tại trung tâm huyện Bắc Quang, UBND tỉnh tổ chức Hội thi Sản phẩm cam sành Hà Giang và Khai mở mùa cam niên vụ 2016 – 2017. 

15/12/2016