Hà Giang

Linh hoạt thu hút các dự án ODA và vốn vay ưu đãi

08:40, 06/12/2016

BHG - 21 dự án với số vốn cam kết đầu tư là 2.048,7 tỷ đồng là kết quả vận động các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA và vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh ta trong giai đoạn 2011-2015. “Ngoài các tỉnh, thành phố lớn hoặc trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh ta được đánh giá là một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án với số kinh phí lớn từ nguồn vốn ODA. Điều này đã khẳng định sự linh hoạt và những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua với các dự án từ nguồn vốn ODA”, đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban vận động thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của tỉnh (viết tắt là Ban vận động ODA tỉnh).

Trong những năm qua, nguồn vốn ODA đầu tư vào tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu được đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp, nông thôn và xóa đói, giảm nghèo. Đối với tỉnh ta, những dự án này đã góp phần đáng kể vào sự phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững của tỉnh thời gian qua. Trong các dự án đã và đang đầu tư vào tỉnh ta như: Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) do IFAD tài trợ với tổng mức đầu tư là 714 tỷ đồng; dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) tổng mức đầu tư là 541,7 tỷ đồng; vốn kết dư của dự án phát triển CSHT miền núi phía Bắc với tổng vốn là 125 tỷ đồng; Dự án quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2 với tổng mức đầu tư là 114 tỷ đồng; Hợp phần đường, dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (do WB tài trợ) với tổng vốn ODA là 265 tỷ đồng,... được cho là những dự án có sự ảnh hưởng lớn tới đời sống, KT-XH các địa phương vùng sâu, xa và đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Cho đến hết năm 2015, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011-2015 là 1.380,85 tỷ đồng, trong đó có cả các dự án do các Bộ, ngành Trung ương và do tỉnh làm chủ quản. Để có thể huy động được nguồn vốn cam kết hỗ trợ lớn như vậy, tỉnh ta đã thành lập thành lập một Ban vận động thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của tỉnh (viết tắt là Ban vận động ODA tỉnh); đồng thời do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố là thành viên. Qua đó, chủ động điều phối hoạt động thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài một cách chuyên nghiệp. Định kỳ, Ban vận động tổ chức các cuộc họp giao ban để đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra các tồn tại hạn chế và thảo luận để tìm ra các biện pháp giải quyết vướng mắc và xây dựng phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tiếp theo. Hơn nữa các ngành và UBND các huyện cũng thành lập tổ công tác ODA tại đơn vị mình để chủ động và thuận lợi trong triển khai các hoạt động vận động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các chương trình, dự án.Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế thế giới chưa có nhiều khởi sắc; nguồn vốn đầu tư, ngân sách Trung ương cấp cho các địa phương ngày càng khó khăn, chủ yếu tập trung cho chi trả nợ công. Hiện nay, nguồn vốn ODA thường giải ngân theo tiến độ, nếu không có những giải pháp kịp thời chắc chắn việc thu hút các nguồn ODA và vốn vay ưu đãi trong những năm tới sẽ gặp không ít khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến, Trưởng ban vận động ODA của tỉnh cho biết: Nhìn nhận và đánh giá được những khó khăn sẽ gặp phải trong thời gian tới trong thu hút các dự án sử dụng vốn ODA, tỉnh đã đưa ra một số giải pháp như: Chủ động đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án; Thực hiện thật tốt công tác quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển; tập trung quản lý, sử dụng vốn ODA theo cơ quan đầu mối thống nhất, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công tác điều phối. Bên cạnh đó, tăng cường tăng cường đào tạo đội ngũ nhân sự tham gia quản lý và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài như thông thạo ngoại ngữ, tin học, có đầy đủ năng lực để sẵn sàng hợp tác và làm việc với các đối tác trong và ngoài nước... Khi nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, đúng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chắc chắn sẽ thu hút được sự đầu tư từ các nguồn ODA.

Có thể thấy, dù trong những điều kiện khó khăn chung, nhưng với sự chủ động, đánh giá chính xác và linh hoạt trong đưa ra các giải pháp cụ thể của lãnh đạo tỉnh, Ban vận động ODA của tỉnh, công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế để thu hút các dự án đầu tư từ nguồn ODA chắc chắn sẽ có những tín hiệu khả quan trong thời gian tới.

DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ấn tượng cầu Cốc Pài

BHG- Chinh phục sự khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên, liên danh các nhà thầu đã khảo sát, thiết kế, xây dựng thành công công trình cầu Cốc Pài. Đây không chỉ là điểm nhấn ấn tượng về kiến trúc, góp phần tô đẹp cho thị trấn Cốc Pài mà còn tạo đà thúc đẩy KT-XH của huyện Xín Mần thêm phát triển.

30/11/2016
Phát huy sức dân ở xã vùng III Hương Sơn

BHG- "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", khắc ghi lời dặn của Bác Hồ; cấp ủy, chính quyền xã Hương Sơn (Quang Bình) đã nỗ lực đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân trong các phong trào thi đua phát triển KT – XH, xây dựng NTM tại địa phương. Nhờ đó, "bức tranh" nông thôn nghèo ở Hương Sơn ngày càng thêm những "nét vẽ" tươi mới của những con đường bê-tông nối liền các thôn, xóm cùng những ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp...  

30/11/2016
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại xã Vĩnh Phúc: Cần sớm nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và triển khai phù hợp

BHG- Lâu nay chúng ta vẫn thường nói tới việc "Chuyển đổi sản xuất hay tái sản xuất nông nghiệp" để nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi, hay tái sản xuất thế nào vẫn là bài toán chưa rõ lời giải. Nông dân ở xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) sẽ cho chúng ta câu trả lời đó từ chính cuộc sống và bằng cách làm của họ ngay trên mảnh đất họ đang có.

30/11/2016
Liên kết sản xuất – điều cần thiết trong Tái cơ cấu nông nghiệp ở Quang Bình

BHG- Một trong những mục tiêu quan trọng của Tái cơ cấu nông nghiệp là nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất, để đạt được điều đó; người nông dân phải đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sản xuất theo hướng hàng hóa. 

30/11/2016