Nông dân Hà Giang thời kỳ hội nhập ASEAN

07:33, 22/11/2016

BHG- Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hội nhập, tự do hóa thương mại đã, đang và sẽ tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chưa có giai đoạn nào, lĩnh vực “Tam nông” lại đứng trước những cơ hội lớn, đồng thời cũng phải đối diện với những thách thức cam go do tác động của hội nhập và tự do hóa thương mại như hiện nay. Vậy làm thế nào để người nông dân tự tin khi bước ra “biển lớn” và ngành Nông nghiệp của nước ta nói chung, tỉnh Hà Giang nói riêng đứng vững trong thời hội nhập?

Sản xuất rau VietGAP tại tổ 9, phường Ngọc Hà (TPHG).
Sản xuất rau VietGAP tại tổ 9, phường Ngọc Hà (TPHG).

Chuyển mình theo bước đi của đất nước:

Là một vùng đất thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, những năm qua, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang với những bước đi đúng hướng trong phát triển KT – XH đã tạo nên diện mạo mới với những thành tựu đáng tự hào ở các lĩnh vực, khẳng định vị thế và sức vươn trên con đường hội nhập, phát triển. Song song với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình nông dân tiên tiến, đổi thay trong cách nghĩ, cách làm, chịu khó học hỏi, xua đói nghèo, vươn lên khấm khá, góp phần tạo nên diện mạo mới cho quê hương.

Trao đổi với lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh được biết, hiện nay, Hội có trên 110.000 hội viên, 195 cơ sở Hội, 2.046 chi hội. Với vai trò là “bà đỡ” của người nông dân, những năm qua, các cấp Hội Nông dân luôn tìm mọi cách để hỗ trợ hội viên sản xuất, tạo điều kiện để người nông dân phát huy khả năng sáng tạo trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Từ đầu năm đến nay, đã phối hợp tổ chức tập huấn khuyến nông, chuyển giao KHKT cho hội viên được 123 lớp với 5.518 lượt người tham gia. Hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp tục thực hiện dự án trồng mía đường tại huyện Bắc Quang, trong đó hỗ trợ cho nông dân 100% về giống, 50% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện dự án nuôi trâu, bò sinh sản luân chuyển tại các huyện: Đồng Văn, Yên Minh, Hoàng Su Phì... Ngoài ra, còn phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tư vấn và dạy nghề được 71 lớp cho 2.532 người, chủ yếu tập trung trang bị cho nông dân kiến thức, KHKT về chăn nuôi, trồng trọt để phát triển ngành nghề tại địa phương. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững cũng được các cấp Hội và hội viên nông dân đẩy mạnh. Hiện toàn tỉnh có trên 20.000 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Thông qua phong trào đã vận động hội viên giúp nhau, tương trợ hội viên nghèo, qua đó đã giúp 2.911 hộ thoát nghèo...

Đầu tư công nghệ và thay đổi tư duy:

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Xin Thị Bích khẳng định: “Muốn hội nhập thành công, người nông dân phải có đủ năng lực. Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang tập trung xây dựng “hình mẫu người nông dân mới”, đó là: tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, quyết tâm mới và có đời sống văn hóa mới. Từ 5 cái mới này sẽ dẫn đến thu nhập mới. Tuy nhiên, để thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân không phải là điều dễ dàng, nhất là với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hà Giang...”. Có một thực tế cần được nhìn nhận đó là khi nhắc đến việc hội nhập kinh tế quốc tế thì đại bộ phận nông dân đều cho rằng đó là chuyện của Nhà nước và các doanh nghiệp. Khi được hỏi thì phần lớn đều trả lời: Thi thoảng có nghe trên đài, báo, ti vi nhưng chỉ nghe để biết thôi chứ không phải việc của mình!

Ngành Nông nghiệp của tỉnh ta hiện nay vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất chưa đồng bộ dẫn đến năng suất thấp, giá trị hàng hóa không cao. Hơn nữa, với kiểu “mạnh ai nấy làm”, không theo quy hoạch nên thường xuyên diễn ra tình trạng “được mùa – mất giá”. Thời gian gần đây, khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành mối lo chung của toàn xã hội thì việc sản xuất những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng đã được các cấp, ngành quan tâm. Và người nông dân cũng đã nắm bắt được nhu cầu của thị trường, từng bước hướng đến sản xuất nông sản an toàn, tiêu biểu như mô hình rau VietGAP tại phường Ngọc Hà (TPHG).

Hiện nay, phường Ngọc Hà có Tổ sản xuất rau VietGAP với tổng diện tích 6 ha và 67 hộ tham gia. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng tổ dân phố số 9 cho biết: “Tổ 9 có truyền thống trồng rau từ lâu, tuy nhiên đến năm 2013 chúng tôi mới sản xuất rau theo hướng VietGAP. Rau được tiêu thụ ở các cửa hàng bán rau VietGAP tại trung tâm thành phố và các thương lái đến thu mua. Điều quan trọng nhất của mô hình là tạo được sự chuyển biến cả về nhận thức, tư duy và hành động của người dân trong sản xuất rau an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay rau an toàn của phường nói riêng và của thành phố Hà Giang nói chung chưa xây dựng được thương hiệu, người tiêu dùng rất khó để phân biệt giữa rau VietGAP và rau thường. Hơn nữa, chưa liên kết để tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm rau VietGAP, bà con vẫn chủ yếu bán buôn cho thương lái đem đi tiêu thụ nên giá thành không cao...”.

Như vậy, có thể nói nông dân là những người trực tiếp tạo ra nông sản nhưng cũng là những người dễ bị tổn thương nhất trong quá trình hội nhập. Bởi họ không chủ động được đầu vào, đầu ra, dễ gặp rủi ro trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, họ còn hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin thị trường, tiếp cận doanh nghiệp và nhiều hạn chế khác nữa. Để khắc phục tình trạng này, một mặt, các cấp, các ngành cần hướng dẫn, vận động nông dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến phù hợp với yêu cầu của thị trường, mặt khác cần hỗ trợ nông dân khâu tiếp thị, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh liên kết “4 nhà”, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của người nông dân.

Cùng với đó, khi hội nhập thị trường quốc tế, sự cạnh tranh giữa các mặt hàng xuất khẩu, nhất là nông sản ngày càng trở nên khốc liệt. Do đó, nông dân buộc phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng ứng dụng KHKT, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đảm bảo an toàn theo hướng bền vững. Thời gian qua, việc áp dụng KHKT vào sản xuất được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh nhưng tỷ lệ còn ở mức thấp, chưa đồng bộ. Mặt khác, tập quán sản xuất truyền thống vẫn chưa thoát hẳn trong tư duy người nông dân. Vì vậy, nhiều mô hình dù mang lại hiệu quả kinh tế, được phổ biến rộng nhưng vẫn không nhiều nông dân áp dụng...

Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho nông nghiệp, nông dân Việt Nam nói chung, trong đó có nông nghiệp, nông dân Hà Giang. Để đứng vững được trong bối cảnh thương mại hóa nền kinh tế toàn cầu, đòi hỏi nông dân phải nâng cao nhận thức, thay đổi lối tư duy sản xuất tiểu nông, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tình hình phát triển và hiệu quả hoạt động của các làng nghề, làng nghề truyền thống sau khi được công nhận

BHG- Trước năm 2011 trên địa bàn tỉnh Hà Giang mới chỉ có 1 làng nghề và 3 làng nghề truyền thống phát triển, được công nhận; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn manh mún nhỏ lẻ, số lượng sản phẩm sản xuất ra còn hạn chế

22/11/2016
Chương trình CPRP đồng hành cùng Bắc Quang giảm nghèo

BHG- Được thực hiện dựa trên việc định hướng thị trường, xây dựng kế hoạch hành động chuỗi giá trị hàng hóa có tiềm năng thế mạnh của tỉnh, tập trung vào hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho người dân, bước sang năm thứ hai thực hiện, Chương trình (CT) giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy lao động sản xuất của bà con 4 xã đặc biệt khó khăn vùng Dự án ở Bắc Quang, tạo động lực để huyện phát triển KT-XH. 

22/11/2016
Tái cơ cấu nông nghiệp ở Cao Bồ

BHG- Cao Bồ là xã vùng III của huyện Vị Xuyên, có 753 hộ dân với 3.983 khẩu sinh sống ở 11 thôn bản. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm tới 70,6%.

22/11/2016
Mật ong bạc hà Mèo Vạc: Cần giữ chất lượng theo thương hiệu đăng ký

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện trạng nuôi ong theo chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc của các hộ thuộc 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ và Yên Minh của tỉnh Hà Giang chủ yếu nuôi giống ong nội của địa phương (Apis cerana cerana) với quy mô nhỏ từ 5 – 100 đàn.

17/11/2016