Phục hồi giá trị các khu rừng đặc dụng

09:47, 27/10/2016

BHG- Mặc dù có gần 60 nghìn ha rừng đặc dụng (RĐD) với 6 khu Bảo tồn thiên nhiên nhưng trong thời gian qua, tình trạng chặt phá rừng, săn bắt các loài động vật đang khiến cho chất lượng rừng bị thay đổi và suy thoái môi trường sống; gây suy giảm số lượng cá thể, đe dọa tuyệt chủng một số loài. Đứng trước thực trạng đó, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ toàn vẹn các hệ sinh thái rừng, các giá trị đa dạng sinh học, nguồn gen động thực vật quý hiếm, các giá trị về cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử, văn hóa tại các khu RĐD.

Tính đa dạng sinh học ở khu RĐD Phong Quang có nguy cơ bị suy giảm do tình trạng chặt phá rừng.
Tính đa dạng sinh học ở khu RĐD Phong Quang có nguy cơ bị suy giảm do tình trạng chặt phá rừng.

Nguy cơ mất đa dạng sinh học

Trong số diện tích RĐD trên địa bàn tỉnh có 6 khu Bảo tồn thiên nhiên gồm: Tây Côn Lĩnh, Phong Quang, Bát Đại Sơn, Bắc Mê, Chí Sán và Vườn quốc gia Du Già - Cao Nguyên đá Đồng Văn với sự đa dạng sinh học cao, gồm nhiều loài động thực vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Theo điều tra ban đầu, xác định được sự có mặt của các loài cây quý hiếm như: Pơ mu, Bách xanh, Bách vàng, Thông Pà Cò, Thông đỏ Bắc, Sến mật, Thông tre, Dổi xanh, Nghiến, Đinh, Trai. Ngoài ra, có một số cây thuốc tiêu biểu như: Ba kích, Củ bình vôi, Đẳng sâm và là nơi có loài linh trưởng Voọc mũi hếch cùng với một số loài khác như Vượn đen, Cu ly lớn, Mèo rừng, Gấu ngựa, Gấu chó, Báo hoa mai, rắn Hổ mang chúa, rắn Cạp nong, các loại gà Lôi trắng, gà Lôi tía, Hồng hoàng, Khướu cánh đỏ...

Đồng chí Bùi Văn Đông, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Các khu RĐD trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, sinh hoạt của người dân trong vùng. Đồng thời, là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, các BQL RĐD gặp nhiều khó khăn về kinh phí để triển khai các chương trình quy hoạch đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, do điều kiện KT – XH của người dân các xã vùng đệm còn khó khăn, đời sống phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng trong các khu RĐD. Trên thực tế, hiện nay, một số khu RĐD vẫn đang bị “chảy máu” mà vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Thậm chí, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thì nguy cơ trở thành “điểm nóng” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, các hoạt động phát nương, làm rẫy, trồng thảo quả dưới tán rừng nguyên sinh; khai thác gỗ, củi, lấy măng, cây thuốc, cây cảnh, mật ong, để sử dụng và bán làm ảnh hưởng lớn tới nguồn tài nguyên rừng, tác động xấu đến sự sinh tồn của nhiều loài động, thực vật. Đặc biệt, các hoạt động này đã dẫn đến chất lượng rừng bị thay đổi và suy thoái môi trường sống; tình trạng săn bắt các loài động vật, gây suy giảm số lượng cá thể, đe dọa tuyệt chủng một số loài là thách thức lớn nhất đối với tài nguyên đa dạng sinh học và công tác bảo tồn nguyên vẹn tại các khu RĐD...

Những giải pháp phục hồi

Đứng trước thực trạng đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xây dựng Dự án đầu tư, phát triển và nâng cao năng lực các khu RĐD trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020, nhằm góp phần từng bước tăng cường năng lực bảo tồn cho cán bộ và nhân viên tại các khu RĐD và người dân vùng đệm; bổ sung về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn; đặc biệt đối với công tác PCCCR; mở mang đường giao thông phục vụ tuần tra, bảo vệ; kết hợp phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa và phát triển du lịch sinh thái; đầu tư phục hồi các hệ sinh thái rừng, góp phần nâng cao chất lượng và ổn định đời sống người dân trong vùng, nhất là đối với cộng đồng người dân hiện đang sống trong vùng lõi các khu RĐD.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Tuệ, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Dự án đầu tư phù hợp với các Quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt; quy mô đầu tư tập trung vào các chương trình: Bảo vệ và bảo tồn; phục hồi sinh thái; nghiên cứu khoa học; PCCCR; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và cứu hộ động thực vật; phát triển du lịch sinh thái; xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị; phát triển KT – XH vùng đệm...”. Hướng tới mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và các giá trị về khoa học và môi trường cảnh quan thiên nhiên trong các khu RĐD trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là diện tích rừng nguyên sinh hiện có, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định trồng rừng, khoanh nuôi và phục hồi rừng ở những nơi chất lượng rừng suy giảm; tăng cường công tác bảo tồn chuyển vị thông qua củng cố hệ thống vườn thực vật.

Song song với đó, tiến hành các chương trình điều tra, nghiên cứu, theo dõi, đánh giá tài nguyên rừng trong các khu RĐD, làm cơ sở xây dựng chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển lâu dài; tăng cường năng lực bảo tồn về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên của các khu RĐD; tiến hành chương trình tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo tồn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trong các khu RĐD; đẩy mạnh việc phát triển du lịch sinh thái tạo điều kiện nâng cao thu nhập của người dân, kết hợp với công tác tuyên truyền giáo dục môi trường...

Có thể nói, với các giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài, cùng với việc hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để phát triển KT – XH cho dân cư sống trong vùng lõi, nhằm thu hút người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ và nâng cao độ che phủ rừng; từng bước nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá và nhận thức của cộng đồng người dân vùng đệm về công tác bảo tồn và bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển vùng đệm trở thành một vành đai bảo vệ vững chắc cho vùng lõi các khu RĐD... Hy vọng trong tương lai không xa, các khu RĐD sẽ phục hồi và phát huy giá trị vốn có.

KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Petrolimex Hà Giang triển khai nhiệm vụ cuối năm, tôn vinh đơn vị có thành tích kinh doanh Gas

BHG-  Công ty Petrolimex Hà Giang vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm, triển khai hoạt động 3 tháng cuối năm. Dự Hội nghị có Cửa hàng trưởng các cửa hàng trực thuộc; Trưởng, phó các phòng nghiệp vụ

26/10/2016
Lễ công bố xã Xuân Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016

BHG- Tối 25.10, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Quang Bình đã tổ chức Lễ công bố xã Xuân Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. 

26/10/2016
Thẩm định kết quả xây dựng Nông thôn mới ở Khuôn Lùng

BHG - Ngày 25.10, tại xã Khuôn Lùng (Xín Mần), Hội đồng thẩm định NTM tỉnh Hà Giang đã tiến hành thẩm định đánh giá kết quả xây dựng NTM. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp. Tham dự còn có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, cùng lãnh đạo huyện Xín Mần và xã Khuôn Lùng.

26/10/2016
"Mùa vàng" thắng lợi ở Vị Xuyên

BHG- Những ngày cuối Thu, khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện Vị Xuyên rộn ràng không khí thu hoạch lúa vụ Mùa. Tiếng máy gặt đập liên hợp, máy tuốt hòa cùng tiếng nói cười của bà con rộn rã khắp một vùng quê. Mồ hôi ướt đầm lưng áo nhưng trên khuôn mặt lam lũ của những người nông dân đều rạng rỡ nụ cười. Thành quả mà họ thu được sau bao tháng ngày miệt mài trên đồng ruộng là những hạt thóc căng mẩy, vàng óng với một vụ Mùa bội thu...

26/10/2016