Hà Giang

Quản lý Nhà nước về đất đai nhìn từ xưởng chè Nà Chì

06:53, 29/06/2016

BHG- Một doanh nghiệp nắm giữ hàng nghìn m2 đất thuê của Nhà nước với thời hạn 50 năm nhưng sử dụng không hiệu quả, sai mục đích đến 16 năm mới bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Một HTX thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, thủ tục theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tha thiết mong sớm được bàn giao đất, tài sản trên đất để bắt tay vào hoạt động nhưng mãi vẫn chưa được... Những lát cắt nhỏ phần nào cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về đất đai đang bộc lộ nhiều lỗ hổng!

Xưởng chè Nà Chì dùng để... chứa củi.
Xưởng chè Nà Chì dùng để... chứa củi.

“HTX đã thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước, nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng bàn giao tài sản, đất xưởng chè Nà Chì, thế nhưng đã lỗi hẹn những mùa chè, chúng tôi vẫn chưa có thực quyền đầu tư, mở rộng sản xuất, thu mua sản phẩm cho bà con nông dân” - ông Phan Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Băng (Nà Chì - Xín Mần) tỏ ra sốt ruột khi đưa chúng tôi đi mục sở thị khu đất “bỏ hoang” của xưởng chè Nà Chì. Giám đốc HTX Tuấn Băng cho biết, từ năm 1984 đã trở thành công nhân Công ty Dịch vụ đầu tư phát triển chè Hà Giang (Công ty chè Hà Giang), được điều động làm việc tại xưởng chè Nà Chì. Đến tháng 3.1999, Công ty chè Hà Giang giải thể, tập thể cán bộ, người lao động đề nghị được thuê, mua lại nhà xưởng nhằm tiếp tục hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè cho bà con nông dân các xã phía Nam huyện Xín Mần, nhưng nguyện vọng chính đáng không được đáp ứng. Một thời gian sau, toàn bộ diện tích đất, nhà xưởng, máy móc được Nhà nước giao cho Công ty TNHH Duyên Hải.

Mười bảy năm qua, những công nhân xưởng chè Nà Chì, với kiến thức, kinh nghiệm tích lũy, nhanh chóng bắt nhịp cơ chế thị trường, đầu tư máy móc, tiếp tục bám nghề sản xuất chè. Khi xưởng chè giải thể, ông Phan Thanh Tuấn ở lại Nà Chì, âm thầm đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Trong khi đó, đối diện cơ ngơi hoạt động quy mô, chuyên nghiệp của HTX Tuấn Băng, xưởng chè Nà Chì do Công ty TNHH Duyên Hải quản lý không khác gì khu nhà hoang. Không đưa xưởng chè vào hoạt động theo đúng quyết định giao đất của UBND tỉnh, Công ty TNHH Duyên Hải còn sử dụng sai mục đích, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Tìm hiểu quá trình quản lý, sử dụng xưởng chè Nà Chì cho thấy, năm 1999, Công ty TNHH Duyên Hải được UBND tỉnh cho thuê 3.556 m2 đất làm xưởng chè với thời hạn 50 năm. Quyết định giao đất của UBND tỉnh nêu rõ, Công ty TNHH Duyên Hải có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đúng ranh giới được thuê; thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Đất đai... Sau khi nhận bàn giao xưởng chè, Công ty TNHH Duyên Hải chỉ sản xuất một năm, sau đó toàn bộ diện tích đất, nhà xưởng doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân thuê lại. Cụ thể, năm 2000 Công ty TNHH Duyên Hải cho ông Nguyễn Hữu Phúc thuê nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến chè với số tiền 15 triệu đồng/năm. Từ năm 2001-2006 xưởng chè Nà Chì không hoạt động, từ năm 2007-2014, Công ty TNHH Duyên Hải không trực tiếp sản xuất, chế biến chè, cho các tổ chức, cá nhân thuê địa điểm với mục đích khác.

Ngoài việc quản lý, sử dụng đất không hiệu quả, những tài sản gắn liền trên đất gồm nhà xưởng sản xuất, văn phòng, nhà kho, các loại máy chế biến chè đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một số máy móc không còn. Giá trị tài sản của Nhà nước khi bàn giao cho Công ty TNHH Duyên Hải trên 370 triệu đồng, doanh nghiệp mới nộp được trên 74 triệu đồng, số tiền còn nợ trên 296 triệu đồng phải trả trong 5 năm tiếp theo. Thế nhưng, từ năm 2007 đến nay, Sở Tài chính 3 lần có văn bản đôn đốc thực hiện nghĩa vụ, Công ty TNHH Duyên Hải vẫn không nộp số tiền còn lại vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh. Như vậy, doanh nghiệp này cố tình không nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, tự ý bán máy móc trái pháp luật.

Việc quản lý, sử dụng không hiệu quả đất, tài sản gắn liền trên đất của Công ty TNHH Duyên Hải kéo dài nhiều năm, nhưng không được ngành chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm. Chỉ đến khi người dân phản ánh, một trong những công nhân cũ của xưởng chè Nà Chì xót của, có đơn đề nghị được thuê lại, cơ cấu sản xuất để “đất đẻ ra vàng” thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Từ kết quả kiểm tra của ngành chuyên môn, tháng 8.2015 UBND tỉnh quyết định thu hồi diện tích đất xưởng chè Nà Chì đã giao Công ty TNHH Duyên Hải với lý do doanh nghiệp vi phạm Luật Đất đai năm 2013.

Nhận thấy việc sử dụng đất không hiệu quả của Công ty TNHH Duyên Hải, từ năm 2014 HTX Tuấn Băng đã có các văn bản báo cáo cơ quan chức năng, đề đạt nguyện vọng được mua, thuê lại xưởng chè Nà Chì để phát triển sản xuất. Ông Tuấn cho biết: Sau nhiều năm gây dựng, HTX Tuấn Băng đã thực hiện tốt vai trò bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng, kích cầu sản xuất, người dân có thu nhập ổn định và yên tâm gắn bó với cây chè. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển, diện tích đất, nhà xưởng HTX Tuấn Băng hiện có không đáp ứng được việc mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá thành thu mua chè búp tươi. Trong khi đó, diện tích xưởng chè Nà Chì phía đối diện bị bỏ hoang nhiều năm, sử dụng không đúng mục đích, thật lãng phí.Sau khi thu hồi quyết định cho thuê đất đối với Công ty TNHH Duyên Hải, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý cho HTX Tuấn Băng được thuê đất, triển khai dự án phát triển sản xuất, chế biến chè xuất khẩu tại xưởng chè Nà Chì. HTX Tuấn Băng đã hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý gửi cơ quan chức năng thẩm định, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thực hiện Dự án Đầu tư mở rộng xưởng sản xuất, chế biến chè xanh, chè đen xuất khẩu. Ngày 6.11.2015, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi, giao đất cho HTX Tuấn Băng, ngày 13.11.2015 HTX đã nộp đầy đủ số tiền trên 238 triệu nộp vào ngân sách Nhà nước... Mọi thủ tục đã hoàn tất, HTX mong ngóng được bàn giao tài sản và giao đất xưởng chè Nà Chì để đầu tư, đi vào hoạt động ngay vụ chè Xuân 2016. Thế nhưng đến nay, không hiểu vì lý do gì, các nghĩa vụ đã thực hiện xong, nhưng nguyện vọng chính đáng của HTX lại chưa được đáp ứng.Qua sự việc trên cho thấy, các cơ quan chức năng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, có sự phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ vướng mắc, sớm bàn giao đất, tài sản của xưởng chè Nà Chì cho HTX Tuấn Băng bắt tay vào đầu tư, tổ chức sản xuất.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội chợ Trung Quốc - Nam Á lần thứ 4: Sản phẩm của Hà Giang được giới thiệu đến bạn bè quốc tế

BHG- Tham gia quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của tỉnh với thị trường trong tỉnh, trong nước và thế giới là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tỉnh ta trong những năm qua. 

28/06/2016
Những khó khăn trong việc triển khai thực hiện Luật HTX 2012

BHG - Mô hình tổ chức hợp tác xã  ( HTX) kiểu mới được xây dựng trong Luật năm 2012 là tổ chức do các thành viên tự nguyện hợp tác với nhau nhằm tương trợ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ cho chính mình.

28/06/2016
Làm giàu từ nguồn vốn vay Agribank

BHG - Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng cam, trải qua biết bao thăng trầm trong thời kỳ cam rớt giá, bà con bỏ hoang, phá bỏ cây cam, thiếu đồng vốn, thua lỗ nặng.... Song gia đình ông Trần Văn Phong ở thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) vẫn vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. "Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, chính là nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Bắc Quang đấy". Đó là bộc bạch của ông Phong khi chúng tôi tới thăm đồi cam rộng bát ngát và trang trại chăn nuôi quy mô của ông.

25/06/2016
Gỗ vườn, mùn cưa thành hàng xuất khẩu

BHG - Tận dụng cành, thân cây nhãn, vải khi phải tỉa hoặc chặt bỏ vì già cỗi hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến mùn cưa, phụ phẩm tại các xưởng mộc, ván bóc, băm răm, ... đều có thể trở thành nguyên liệu để tạo nên sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế lớn hơn. Đó chính là than trắng (Binchotan), than mùn cưa phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Hướng phát triển kinh tế này đã và đang hình thành tại xã Kim Ngọc (Bắc Quang).

25/06/2016