Đất dốc vùng biên ải

06:58, 01/06/2016

BHG- “Chỗ xám xám kia là điểm cao 2000, thuộc địa bàn thôn Tả Ván 2, giáp với xã Phương Tiến; vừa rồi, chúng tôi đã huy động lực lượng cơ động lên tận nơi phối hợp với lực lượng của Phương Tiến để dập lửa do thời tiết khô hanh gây ra...”. Lời kể của đồng chí Mai Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Xín Chải (Vị Xuyên) trong một lần cùng đi kiểm tra tại thôn Nhìu Sang. Theo hướng tay chỉ, từ Nhìu Sang nhìn sang Tả Ván là cả một không gian bao la đầy mây trời và sóng núi. Ruộng bậc thang xếp lớp từ con suối ven đường lên đến lưng núi. Thấp thoáng trong những khe núi, sườn đồi là những mái nhà lợp phi - brô trắng lóa, tương phản với màu xanh thẫm của rừng già trên dải biên giới Vị Xuyên.

Nông dân Xín Chải chăm sóc ngô.
Nông dân Xín Chải chăm sóc ngô.

Xín Chải là một trong những xã vùng III, biên giới của huyện Vị Xuyên, là nơi sinh sống, lao động sản xuất của 184 hộ dân; trong đó, có 97,4% là dân tộc Dao. Nơi đây, người dân của 3 thôn: Tả Ván, Nhìu Sang, Nậm Lầu luôn cùng chung sức với cấp ủy, chính quyền nỗ lực vượt qua những khó khăn về địa hình, thời tiết bất lợi để từng bước vươn lên trong cuộc sống; cùng với các lực lượng vũ trang giữ vững 7,8 km đường biên; ổn định an ninh, trật tự xã hội khu vực biên giới cũng như nội địa.

Do đặc điểm của địa hình, thời tiết; cây ngô, cây lúa ở Xín Chải chỉ trồng được 1 vụ, nhưng bù vào đó, khí hậu lại phù hợp với sự phát triển của cây chè và cây Thảo quả, là 2 loại cây công nghiệp, dược liệu có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân. Tại thời điểm này, bà con nông dân Xín Chải đang tập trung thu hái 113,5 ha chè. Chè Xín Chải chủ yếu là những cây lưu niên, mang đặc trưng của cây chè vùng núi cao, thời tiết lạnh, chiếm được sự tin tưởng, ưa thích của người tiêu dùng.

Tại trung tâm xã hiện nay có 5 xưởng chế biến chè khá quy mô, xản xuất thường xuyên. Đây là những cơ sở chính thu mua chè búp tươi cho người dân trên địa bàn. Ngoài ra, tại thôn Nhìu Sang, hầu hết hộ nào cũng đầu tư một máy xao chè mi ni để tự chế biến sản phẩm chè của gia đình mình. Theo thống kê, trong tháng 4 vừa qua, bà con đã thu hái được trên 15 tấn chè búp tươi, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Ngoài chè, thảo quả cũng là loại cây thế mạnh của xã. Tuy nhiên, trong thời gian đầu năm, do rét đậm, rét hại đã làm ảnh hưởng hầu hết diện tích 312 ha, khả năng phục hồi rất thấp. Trước tình hình đó, UBND xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân khắc phục hậu quả, liên hệ tìm mua và nhân giống để từng bước trồng lại những diện tích đã mất.

Trong sản xuất nông nghiệp, toàn xã có 96 ha lúa (chủ yếu là ruộng bậc thang), 7 ha đậu tương, 20 ha rau đậu các loại. Đặc biệt, diện tích cây ngô năm nay tăng đột biến từ 15 ha hàng năm lên 35 ha. Toàn bộ diện tích và các loại cây trồng trong sản xuất nông nghiệp đều được xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đến tận thôn hướng dẫn bà con nông dân triển khai thực hiện đúng theo mùa vụ và quy trình chăm sóc, thu hoạch.

Họp thôn Tả Ván.
Họp thôn Tả Ván.

Con đường liên thôn dốc ngược, chỉ vừa một làn xe máy đưa chúng lên thôn Nhìu Sang, là thôn được xã chọn xây dựng điểm Làng mới gắn với xây dựng Nông thôn mới. Nằm trên độ cao khoảng 1.500 m trên mực nước biển, xế hướng Bắc là điểm cao 1509, chếch phía Đông là đỉnh cao 2000. Tại thôn có 35 hộ, hầu hết đều sơ tán trước cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trước đây; đến 1995 mới trở lại chinh phục miền đất dốc.

Do thiếu mặt bằng mà những ngôi nhà sàn ở đây nằm san sát nhau, mái nhà này chạm mái nhà kia, thậm chí có thể đi từ sàn phơi nhà này sang nhà khác, con đường làng đi dưới cầu thang... Đến Nhìu Sang, cảm nhận đầu tiên ở đây là một cộng đồng đầy yêu thương, đùm bọc và chia sẻ trong một không gian thoáng đãng, khí hậu trong lành. Trưởng thôn Bồn Văn Hồng tự hào rằng: Đường thì dốc và khó đi như thế nhưng các hộ trong thôn đã quyết tâm vận chuyển vật liệu từ xã lên để xây nhà vệ sinh tiêu chuẩn, nhà nào cũng có máy xao chè mi ni. Bà con đã chung sức với chính quyền hạ độ cao, rải bê tông một số đoạn đường từ xã lên thôn. Bây giờ mang chè, con gà, con lợn đi chợ bán, đi mua xi măng, mua phân bón... cũng đỡ khổ hơn nhiều. Cùng với chè, Thảo quả thì chăn nuôi ở đây cũng khá phát triển, 35 hộ có 119 con trâu, người dân canh tác trên 18 ha đất nông nghiệp. Nếu nhận được sự đầu tư, hướng dẫn của Nhà nước, chắc chắn rằng mục tiêu đạt Làng mới của thôn trong năm 2016 sẽ thực hiện được.

Cũng con đường dốc, chúng tôi ngược lên dự họp thôn Tả Ván 1, nằm lưng chừng đỉnh 2000, khác với Nhìu Sang, 87 hộ dân Tả Ván ở rải rác lưng núi, lẫn vào ruộng bậc thang, nơi quanh năm gió lộng lùa qua gầm sàn. Tại nhà Trưởng thôn Đặng Văn Củi, bà con đã có mặt đông đủ. Đây là buổi họp chủ yếu là các thông tin chính về tình hình thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Trong cuộc họp được truyền đạt bằng tiếng Dao, mặc dù không biết tiếng nhưng chúng tôi được phiên dịch lại một phần nội dung là: Thôn bàn việc tổ chức các hoạt động để chào mừng Ngày bầu cử như cử người làm cổng chào vào thôn; góp công để duy tu, sửa chữa, mở mới đường giao thông nông thôn; lựa chọn người có năng khiếu văn nghệ tham gia biểu diễn tại xã... Các hộ phải chỉnh trang, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên gia đình... Bên cạnh đó cũng thông báo về một số chính sách mới và tình hình sản xuất của thôn, trao đổi, hướng dẫn nhau thu hoạch chè, sử dụng máy cày mi ni...

Đất dốc, con đường dốc, nhưng tấm lòng bộc trực của người Dao Xín Chải là những dải lụa kết nên mùa vàng ruộng bậc thang, tươi thêm những cánh chè vào vụ, giúp thảo quả vượt khó trước thiên tai.

An Dương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giao ban tiến độ thực hiện một số chương trình nông nghiệp

BHG- Chiều 31.5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố, giao ban tiến độ thực hiện một số chương trình nông nghiệp. 

31/05/2016
Xã Hữu Vinh phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp

BHG- Đó là mục đích Phương án số 02 của UBND huyện Yên Minh ban hành ngày 13.1.2016, nhằm xây dựng xã Hữu Vinh trở thành xã điển hình của huyện về phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, gắn với xây dựng NTM đến năm 2020. Đây được cho là cơ hội và động lực để xã thuộc diện đặc biệt khó khăn này nâng cao đời sống người dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.

31/05/2016
Nâng cao giá trị kinh tế của cây chè ở Vị Xuyên

BHG- Là một trong những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh, hiện nay huyện Vị Xuyên đang tập trung cải tạo, trồng mới, thâm canh cây chè, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng chè.

31/05/2016
Bắc Quang triển khai mô hình trồng dứa

BHG- Nhằm chuyển đổi diện tích đất đồi, vườn tạp sang sản xuất hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu cây trồng tạo sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân; từ tháng 3.2016, huyện Bắc Quang đã đưa Đề án trồng cây dứa vào thực hiện tại 4 xã: Quang Minh, Đồng Yên, Việt Vinh, Liên Hiệp với diện tích trên 158 ha với 327 hộ dân thực hiện.

31/05/2016