Các địa phương tập trung chăm sóc cây trồng vụ Xuân

08:52, 05/04/2016

BHG- Tranh thủ thời tiết thuận lợi, thời điểm này, bà con nông dân huyện Bắc Quang đang tích cực chăm sóc các loại cây trồng vụ Xuân. Để đảm bảo vụ Xuân 2016 đạt kế hoạch đề ra, ngay sau khi hoàn thành diện tích gieo cấy ngành Nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc và thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại, chủ động các biện pháp ứng phó hạn hán.

Chị Hoàng Thị Lan, thôn Minh Tâm, xã Quang Minh đang chăm sóc ruộng lúa của gia đình, cho biết: “Năm nay trời rét, lại ít mưa, song gia đình tôi vẫn gieo cấy lúa đúng khung thời vụ. Trong và sau Tết Nguyên đán tôi đã kiểm tra diện tích gieo mạ, chủ động đưa nước vào đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh. Cho nên, dù qua đợt rét hại và hạn nhưng ruộng lúa nhà tôi vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Hiện tại nhà tôi cấy gần 8 sào lúa Nhị ưu 838 và Bắc thơm”.

âba
Người dân thôn An Xuân, xã Đồng Yên (Bắc Quang) chăm sóc lạc. Ảnh: MỸ HẰNG

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết diễn biến thất thường, mùa mưa kết thúc sớm hơn...; nguy cơ thiếu nước và khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng. Kết thúc đợt gieo cấy vụ Xuân 2016, huyện Bắc Quang gieo trồng trên 2.882 ha lúa, đạt 99,4% kế hoạch, giảm 71 ha so cùng kỳ, do nhân dân chuyển đổi diện tích không chủ động nước sang trồng màu. Cơ cấu giống chủ yếu là: Nhị ưu 838, Việt lai 20, Bắc thơm, PC6... Đối với lúa trà chính vụ, trung bình đã được 4-6 nhánh/khóm, sinh trưởng tốt, sâu bệnh hại xuất hiện rải rác, nhân dân đã kịp phun thuốc phòng trừ. Cây ngô gieo trồng 1.480 ha; trên 103 ha đậu tương, tất cả đều giảm trên 40 ha so cùng kỳ; cơ cấu chủ lực: Ngô lai NK66, NK67, NK4300... Duy chỉ có cây lạc gieo trồng được trên 2.260 ha, đạt 109,8% kế hoạch, tăng 268,78 ha so cùng kỳ, với giống chủ lực L14.

UBND huyện đã tăng cường cán bộ phối hợp cùng các địa phương thường xuyên thăm đồng, bám ruộng; hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; thực hiện tiết kiệm nước... với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ). Vụ này, người dân tranh thủ gieo mạ sớm hơn lịch thời vụ 4-5 ngày, tuy nhiên do ảnh hưởng của không khí lạnh nên hầu hết cây trồng phát triển chậm. Các hộ có diện tích mạ chết rét đã khẩn trương gieo cấy lại đảm bảo khung thời vụ. Đối với cây lạc và ngô, công tác chuẩn bị và gieo trồng sớm hơn mọi năm, từ đầu tháng 1. Đặc biệt các xã: Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Đồng Tâm, Đông Thành kết thúc trồng lạc sớm hơn từ 2-3 ngày so với lịch thời vụ.

Ngừng tay làm cỏ trên cánh đồng lạc hàng hóa thôn An Xuân, xã Đồng Yên, chị Nguyễn Thị Thúy nói: “Năm nay, thời tiết rét hại lâu ngày và hạn hán; nhà tôi chuyển một phần đất trồng lúa thiếu nước sang trồng ngô và lạc. Hiện, đã trồng hơn 2 ha giống lạc L14. Tôi cũng thường xuyên thăm đồng, chủ động ứng phó khô hạn và phát hiện sâu bệnh”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Tình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Vụ Xuân năm nay thời tiết liên tục rét đậm, rét hại cùng hạn hán. Để hoàn thành kế hoạch, ngành Nông nghiệp huyện đã tăng cường tuyên truyền vận động bà con đẩy mạnh sản xuất; chỉ đạo cán bộ xã đến từng thôn, bản hướng dẫn nhân dân gieo trồng đúng khung thời vụ, chủ động ứng phó với thời tiết, tránh để đất hoang, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những diện tích không thuận lợi, tiến hành làm cỏ, bón phân, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Phương châm chỉ đạo của huyện cùng quyết tâm của nông dân là đảm bảo diện tích cây trồng, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất, kịp thời phòng trừ sâu bệnh và chủ động ứng phó thời tiết”.

* Đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã cấy xong toàn bộ diện tích lúa Xuân đúng khung thời vụ tốt nhất. Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại trên diện rộng và hạn hán, ngành Nông nghiệp huyện chỉ đạo ưu tiên các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, chất lượng tốt như: PC 16, Khang dân 18, Nhị ưu 838, Việt lai 20... Vụ Đông – xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy trên 1.800 ha lúa, cơ cấu giống lúa lai chiếm trên 60%. Với lúa Xuân trà chính vụ giai đoạn đẻ nhánh, bà con đang khẩn trương làm cỏ và tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Nông dân xã Trung Thành (Vị Xuyên) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa Xuân.					Ảnh: Nguyễn Phương
Nông dân xã Trung Thành (Vị Xuyên) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa Xuân. Ảnh: Nguyễn Phương

Ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp huyện đã đã cử cán bộ thường xuyên sâu sát cơ sở; trực tiếp chỉ đạo bà con làm đất, gieo mạ, đảm bảo cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất. Đồng thời, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất và phòng trừ sâu bệnh...

Chị Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, cho biết: “Lúa vụ Xuân thường có một số sâu, bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh rầy nâu... Vì vậy, Phòng đã chỉ đạo cán bộ hướng dẫn bà con thực hiện phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách để hạn chế thấp nhất sâu, bệnh hại lúa. Do bà con ở một số địa phương vẫn quen tập quán canh tác cũ là bón phân đơn riêng rẽ, không cân đối được dinh dưỡng, dẫn đến mức độ lúa nhiễm bệnh cao, tỷ lệ hạt lép nhiều, trọng lượng hạt thấp; nên Phòng đã hướng dẫn bón phân đa yếu tố NPK đã được cân đối dinh dưỡng phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn bà con không bón thúc khi nhiệt độ dưới 18 độ C...”.

Chủ động ứng phó hạn hán, các địa phương cũng tập trung gia cố, nạo vét mương phai, hướng dẫn bà con sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện, hiện cây lúa phát triển tốt, chưa xuất hiện sâu bệnh gây hại diện rộng. Dự báo cuối tháng 4, đầu tháng 5 trên diện tích lúa Xuân sẽ xuất hiện thêm đợt sâu bệnh hại; ngành sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống Khuyến nông ở địa phương để nông dân biết và áp dụng.

Với bà con nông dân, cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây lúa để phát hiện sớm sâu bệnh hại, chủ động có biện pháp phòng trừ. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm khuyến cáo của cán bộ chuyên môn.

MỸ HẰNG - NG.PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Kim Ngọc phát triển thôn trung tâm theo hướng đô thị

BHG- Là xã "cửa ngõ" Khu di tích cách mạng Tiểu khu Trọng con và có lịch sử hình thành, phát triển từ lâu đời; xã Kim Ngọc (Bắc Quang) có điều kiện khá thuận lợi cho việc phát triển KT – XH. Gần đây, với sự tự thân nỗ lực và hỗ trợ từ tỉnh, huyện; diện mạo địa phương đang ngày càng đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện; xã đang hướng dần đến việc phát triển các thôn trung tâm (TTT) theo hướng đô thị (ĐT) gắn xây dựng Nông thôn mới (NTM).

31/03/2016
Thiệt hại gần 6.000 ha Thảo quả... người dân điêu đứng!

BHG- Mất hơn nửa số diện tích Thảo quả, người dân ở các huyện Yên Minh, Quản Bạ, thành phố Hà Giang, Hoàng Su Phì, Xín Mần đang điêu đứng khi nguồn kinh tế chính của gia đình không cho thu hoạch. Đa số các hộ trồng Thảo quả đều là hộ dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc mất mùa và phải vài năm sau mới phục hồi lại rừng Thảo quả có thể làm một số gia đình tái nghèo.

31/03/2016
Trồng rừng mà... chưa thành rừng!

BHG- Theo thống kê của Ban quản lý rừng phòng hộ Vị Xuyên, là đơn vị chủ đầu tư hợp đồng giao khoán cho các tập thể, cá nhân có đủ năng lực thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trên địa bàn toàn huyện có 584,0 ha rừng trồng bị thiệt hại. Trong đó, có 503,7 ha rừng trồng phòng hộ và 80,3 ha rừng trồng sản xuất (rừng lâm nghiệp xã hội). Diện tích bị thiệt hại chủ yếu tại các khu vực vùng cao của các xã: Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy, Thượng Sơn, Kim Linh...

31/03/2016
Sản xuất lâm nghiệp cơ hội và "rào cản"

BHG- Kỳ I: Cơ hội phát huy tiềm năng, thế mạnh

Trong những năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2010 – 2015, lĩnh vực lâm nghiệp nhận được sự quan tâm lớn từ người dân đến các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Sản phẩm từ rừng, nhất là gỗ rừng lâm nghiệp xã hội (rừng sản xuất) ngày càng đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân và sự phát triển của ngành Nông – lâm nghiệp tỉnh nhà. 

31/03/2016