Nâng cao thu nhập cho nhân dân

08:27, 24/12/2015

BHG- Nâng cao thu nhập là một tiêu chí khó, không dễ hoàn thành của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM). Nhưng vấn đề này lại chính là một trong những yêu cầu cốt lõi để xây dựng NTM. Bởi, thật khó để bằng lòng khi kết cấu hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm,... được đầu tư, xây dựng khang trang mà cuộc sống của người dân vẫn đong đầy gian khó. Để hài hòa yếu tố trên, suốt 5 năm xây dựng NTM (2011-2015), xã Quang Minh (Bắc Quang) đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tạo nên những kết quả đầy ấn tượng.

Để nâng cao thu nhập cho nhân dân, xã Quang Minh từng bước đưa cây trồng vụ Đông trở thành vụ chính trong năm.
Để nâng cao thu nhập cho nhân dân, xã Quang Minh từng bước đưa cây trồng vụ Đông trở thành vụ chính trong năm.

Tại thời điểm năm 2010, khi chương trình xây dựng NTM mới manh nha bén rễ vào cuộc sống thì bức tranh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập tại xã Quang Minh còn thiếu nhiều gam màu sáng. Thực tế cho thấy, đa phần các hộ dân mới dừng ở việc phát triển kinh tế hộ theo hình thức nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Thậm chí, người dân bỏ lỡ “tấc vàng” khi để nhiều diện tích đất sản xuất vụ 3 rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Mặt khác, vì thiếu sự liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp cùng nhiều bất thuận khác đã tạo rào cản khiến KT-XH địa phương chậm phát triển... Trước thực tiễn ấy, Bí thư Đảng ủy xã Quang Minh, Nguyễn Thị Nga cho biết: “Muốn nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn phải thông qua việc tổ chức lại sản xuất”. Do vậy, xuyên suốt 5 năm xây dựng NTM, mỗi cán bộ, đảng viên từ xã đến thôn không chỉ sâu sát cơ sở mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm “nói đi đôi với làm”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng hệ số sử dụng đất, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và hình thành tổ sản xuất tại các thôn.

Thực tế chứng minh, giờ đây, trên những cánh đồng sau thu hoạch lúa Mùa của xã Quang Minh đã phủ xanh màu cây trồng vụ Đông như ngô nếp, các loại rau, đậu,... Điều này không chỉ nâng cao hệ số sử dụng đất nông nghiệp mà còn góp phần tăng thu nhập cho nông hộ. Chị Nguyễn Thị Xuyên, cán bộ khuyến nông thôn Khiềm chia sẻ: 17 ha đất sản xuất lúa của toàn thôn không còn bỏ hoang như trước, khi cây trồng vụ Đông mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Trung bình 1 m2 đất cho thu hoạch từ 4-6 bắp ngô Đông, có giá bán từ 2-3.000 đồng/bắp. Còn rau vụ Đông giúp các hộ có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ/vụ... Không những vậy, để nâng cao thu nhập cho nhân dân, năm 2012, xã Quang Minh chủ động liên kết với Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang). Điều đó đã tạo nên “chìa khóa” giải quyết nhu cầu sản phẩm đầu vào (mía giống, phân bón chất lượng,...) và đầu ra ổn định cho sản phẩm mía đường của người dân, khi Công ty cam kết giá thu mua tại vườn đạt 900 đồng/kg. Có đơn vị bao tiêu sản phẩm, từ 8 ha mía đường ban đầu; đến nay, xã Quang Minh đã nâng tổng diện tích mía đạt con số 62,3 ha. Trong đó, diện tích mía tập trung chủ yếu ở các thôn: Nái, Hoàng Văn Thụ, Minh Lập hay thôn Chúa, ... Riêng vụ thu hoạch cuối năm 2014 đến quý I năm 2015, doanh thu từ mía đường đã giúp người dân thu về trên 1,2 tỷ đồng – Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh, Nguyễn Tiến Chước cho biết.

Chủ động liên kết với doanh nghiệp, xã Quang Minh đã tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm mía đường, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Chủ động liên kết với doanh nghiệp, xã Quang Minh đã tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm mía đường, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Song hành cùng những việc làm trên, từ năm 2014 đến nay, xã Quang Minh còn thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng để tổ chức lại sản xuất cho nông dân. Đồng thời, đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, thôn dành nhiều thời gian đi cơ sở, thực hiện cách làm “cầm tay chỉ việc” cho người dân trong việc nâng hệ số sử dụng đất, thâm canh tăng vụ, sản xuất theo hướng “5 cùng” để dần thay đổi tập quán canh tác của nhân dân và giúp họ nhạy bén hơn với kinh tế thị trường. Do vậy, 98,8% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã thực hiện thâm canh lúa, ngô theo quy trình kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Và mặc dù chưa chuyên nghiệp, còn nhỏ lẻ nhưng thời gian gần đây, nhiều nông hộ đã biết bày, bán sản phẩm nông nghiệp tại các điểm dân cư tập trung hoặc dọc theo tuyến đường Quốc lộ 279 hay ngã ba thôn Pắc Há (Quang Minh) đi vào phố Sảo (xã Kim Ngọc)... Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa 1 vụ sang trồng rau hay đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa, mở dịch vụ kinh doanh tổng hợp, mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Đặc biệt, trong 5 năm xây dựng NTM, xã Quang Minh xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, gây ấn tượng sâu sắc với người chứng kiến. Điển hình như gia đình chị Dương Thị Thức (thôn Khiềm), anh Phan Văn Đạo (thôn Hoàng Văn Thụ). Bằng ý chí quyết tâm không cam chịu đói nghèo cùng sự cần cù, sáng tạo trong lao động họ đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ giàu của xã nhờ mô hình VAC, mở cửa hàng tạp hóa và làm dịch vụ vận tải,... Còn gia đình chị Lộc Thị Vạn, anh Nguyễn Văn Ngôn (thôn Chúa), Nguyễn Văn Ngọt (thôn Minh Thượng) và nhiều hộ nghèo khác đã vươn lên thoát nghèo bền vững chỉ trong thời gian xây dựng NTM.

Nếu như năm 2010, số hộ nghèo của xã Quang Minh chiếm 9,63%/tổng số 2.087 hộ dân thì đến nay, con số này giảm xuống còn 4,1%/tổng số 2.197 hộ. Không những vậy, số hộ khá giàu từ 11,2% (năm 2010) đã tăng lên 30,2% vào thời điểm hiện tại. Và thu nhập bình quân đầu người đã đạt con số trên 22 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên với nguồn thu nhập ổn định đạt 91%. Những kết quả ấn tượng trên sẽ là tiền đề để xã Quang Minh vững bước trên lộ trình phát triển toàn diện và bền vững.

  Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khơi thông nguồn vốn phát triển nông nghiệp - nông thôn

BHG- Phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) nhằm nâng cao đời sống của nông dân là nhiệm vụ có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước. Ngày 9.6.2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng (CSTD) phục vụ phát triển NNNT. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25.7.2015 (thay thế Nghị định số 41 trước đó) nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng trong thời gian tới, giúp người dân có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.

24/12/2015
Bắc Quang, tổng diện tích chè đạt gần 2.800ha

BHG- Tính đến nay, tổng diện tích cây chè toàn huyện Bắc Quang dạt 2.795ha. Trong đó, diện tích cho thu hoạch đạt 2.271ha, diện tích chăm sóc là 524ha. Sản lượng chè búp tươi ước đạt 10.220 tấn, tổng giá trị ước đạt trên 61 tỷ đồng. 

23/12/2015
Xây dựng Nông thôn mới góp phần CNH – HĐH đất nước

BHG- Một nước công nghiệp không thể để nông nghiệp, nông thôn lạc hậu, nông dân nghèo khó. Do đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) là sự nghiệp cách mạng, cuộc vận động lớn của cả hệ thống chính trị. Đối với tỉnh ta, sau 5 năm (2011 – 2015) triển khai thực hiện đã và đang tạo được những chuyển biến rõ nét, bộ mặt nông thôn được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, thu nhập và đời sống nhân dân ngày càng nâng lên.

23/12/2015
Sản xuất chè VietGAP ở Vị Xuyên còn nhiều "nút thắt"

BHG- Từ bao đời nay, cây chè luôn gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè đồng thời thúc đẩy ngành chè, phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh ta có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và quảng bá thương hiệu sản phẩm chè. 

23/12/2015