Hà Giang

Chuyển biến tích cực trong hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng

07:21, 24/11/2015

BHG- Trên 47 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) do các đơn vị sử dụng dịch vụ chuyển về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (Quỹ) từ đầu năm đến nay, để tri trả cho các chủ cung cấp dịch vụ, trong số đó có trên 36,8 tỷ đồng truy thu từ năm 2011-2014, đạt gần 65% kế hoạch và gần 10,6 tỷ đồng của nửa năm 2015, đạt trên 57% kế hoạch, thực sự là tín hiệu vui. Con số thu chưa thực sự cao, nhưng lại phản ánh sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động và thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh điện, nước đối với các chủ rừng cung cấp dịch vụ. Từ số tiền thu được, Quỹ đã làm tốt vai trò nhận sự ủy thác, chi trả gần 17 tỷ đồng, trong đó có 3,5 tỷ đồng cho công tác giao rừng, chi lập hồ sơ giao khoán cho các chủ rừng trên 980 triệu đồng, gần 11 tỷ đồng được điều phối cho các Ban quản lý (BQL) cấp huyện chi trả cho chủ rừng và hộ nhận khoán. Như vậy, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng đã có thêm nguồn thu nhập chính đáng từ rừng và họ càng yên tâm hơn, thể hiện rõ hơn trách nhiệm bảo vệ rừng.

Còn nhớ cách đây mấy năm, khi Quỹ mới được thành lập, đi vào hoạt động, kết quả rà soát, thống kê số tiền các công ty sản xuất điện, nhà máy cung cấp nước sạch phải đóng tiền DVMTR, nhiều đơn vị đã dãy như... đỉa phải vôi. Sự phản ứng này xuất phát từ tâm lý chưa quen, bởi trước đây họ vẫn nghĩ, nước là nguồn tài nguyên vô tận, có thể tái tạo, cứ sài không cần phải trả tiền. Cũng chính bởi suy nghĩ như vậy, nên hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện năng cố tình ỳ, nợ đọng tiền DVMTR lên tới cả chục tỷ đồng. Cán bộ Quỹ, lãnh đạo tỉnh nhiều lần yêu cầu, chỉ đạo thực hiện, nhưng doanh nghiệp vẫn viện dẫn đủ lý do, chậm chuyển tiền ủy thác qua Quỹ nên ít, nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống các chủ rừng cung cấp dịch vụ. Nay, nhận thức đó không còn phù hợp nữa, nếu không có rừng, không có người quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì nước - nguồn tài nguyên tưởng như vô tận này có thể cạn kiệt. Khi không còn nước thì các nhà máy sản xuất điện, nhà máy nước buộc phải đóng cửa bởi không có nguồn nguyên liệu đầu vào. Chính vì vậy, dù vẫn còn một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần năng lượng Bitexco Nho Quế, Công ty Cổ phần công nghiệp Việt Long, Công ty Cổ phần thủy điện Sông Chảy, Nhà máy thủy điện Nậm Mu... vẫn nợ đọng số tiền lớn, còn lại cơ bản các đơn vị khác đều chấp hành nghiêm.

Cùng với việc nhận ủy thác, Quỹ còn thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn sử dụng tiền DVMTR cho nhân dân của BQL một số huyện. Qua đó, kịp thời chỉnh đốn những bất cập như việc UBND xã Nam Sơn (Hoàng Su Phì), Phiêng Luông (Bắc Mê) tự ý trích lại tiền DVMTR của các thôn để xây dựng cơ sở hạ tầng khi chưa được sự đồng ý, thống nhất của người dân tham gia bảo vệ rừng và không biết sử dụng tiền chi trả DVMTR đối với những diện tích rừng cộng đồng bảo vệ. Bên cạnh đó, Quỹ đã kịp thời khắc phục tình trạng, một số diện tích rừng cung ứng dịch vụ bị cháy, khai thác gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ nhưng chưa được chính quyền địa phương, BQL báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý theo quy định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ cho biết, con số thu và giải ngân cho người trồng rừng năm nay rất khả quan. Bước đầu Quỹ đã triển khai được việc lồng ghép với Dự án Bảo vệ và phát triển rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, diện tích rừng có cung ứng dịch vụ ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, đạt gần 271 nghìn ha. Trong đó, diện tích của các chủ rừng thuộc tổ chức Nhà nước trên 35,6 nghìn ha, rừng giao khoán các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua BQL cấp huyện, thành phố trên 235 nghìn ha. Các diện tích rừng đa số được giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn cùng bảo vệ, nhiều thôn thành lập tổ, đội bảo vệ rừng chuyên trách, thường xuyên tuần tra, canh giữ nên đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phát nương làm rẫy, tình trạng phá rừng. Mặc dù còn nhiều diện tích rừng chưa được nhận tiền chi trả DVMTR theo kế hoạch, nhưng người dân đã ý thức được việc bảo vệ, phát triển rừng.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gian nan xóa đói, giảm nghèo ở Phiêng Luông

BHG- Phiêng Luông là xã vùng cao của huyện Bắc Mê; xã có 4 thôn, 100% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 244 hộ. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, trụ sở làm việc của xã đều được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn.

24/11/2015
Khai trương Đại lý ủy quyền Tôn BlueScope Zacs Đông Á

BHG- Ngày 21.11, Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đông Á tổ chức Lễ khai trương Đại lý ủy quyền Tôn BlueScope Zacs – Đông Á tại tổ 17, phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang. 

22/11/2015
Thí điểm xây dựng điểm bán hàng Việt với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam"

BHG - Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc đề xuất dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2015. Từ thực tế thị trường trong tỉnh, Sở Công thương tỉnh đã đề xuất xây dựng mô hình thí điểm Điểm bán hàng Việt với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

19/11/2015
Giá quặng Sắt giảm mạnh - nhà đầu tư xin trả mỏ

BHG - Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông vừa chính thức có văn bản gửi Bộ TN-MT và UBND tỉnh đề nghị trả lại 2 giấy phép khai thác khoáng sản được Bộ TN-MT cấp cho doanh nghiệp. Hai giấy phép được doanh nghiệp tự nguyện xin trả gồm: Giấy phép số 872/GP-BTNMT ngày 8.5.2009, khai thác quặng Sắt tại mỏ Tùng Bá (Vị Xuyên) và giấy phép số 1224/GP-BTNMT ngày 24.6.2011, khai thác quặng Sắt tại khu Cao Vinh, Khuôn Làng nằm trên địa bàn xã Tùng Bá, Thuận Hòa (Vị Xuyên) và Thái An (Quản Bạ).

18/11/2015