Quang Bình đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ

09:37, 01/10/2015

BHG- Với thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, Quang Bình có điều kiện để quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung như vùng trồng rừng kinh tế, chè, lúa, ngô... phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến của huyện. Việc phát triển các cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ góp phần nâng cao chất lượng nông sản, thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp chế biến trên địa bàn.

Công nghiệp chế biến nông, lâm sản được xem là ngành động lực, tạo đà thúc đẩy công nghiệp Quang Bình phát triển ổn định và vững chắc. Xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Quang Bình đã tích cực “trải thảm đỏ” kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu. Chủ tịch UBND huyện, Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Huyện chủ trương thu hút đầu từ từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm nông sản cho nhân dân, thực hiện cơ chế đặc thù riêng của huyện và những cơ chế của tỉnh đang được áp dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp (tư vấn, cho phép doanh nghiệp lựa chọn vùng quy hoạch và có cơ chế chính sách thông thoáng, giải quyết nhanh gọn các thủ tục, hồ sơ đất đai). Các sản phẩm chế biến tập trung vào chè, lúa, ngô, gỗ ván bóc... là các sản phẩm thế mạnh của địa phương”.

Dây chuyền sản xuất, của Cơ sở chế biến chè chất lượng cao tại thôn Nà Tho, xã Tân Bắc.
Dây chuyền sản xuất, của Cơ sở chế biến chè chất lượng cao tại thôn Nà Tho, xã Tân Bắc.

Theo quy hoạch của huyện hiện nay, vùng trồng chè tập trung nhiều ở các xã Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Bắc; vùng trồng lúa, ngô hàng hóa phát triển mạnh ở các xã vùng thấp như Bằng Lang, Xuân Giang, Vĩ Thượng; vùng trồng rừng kinh tế rải khắp toàn huyện, nổi bật ở Tiên Yên, Yên Thành, Tân Nam... Hiện trên địa bàn huyện có 15 cơ sở ván bóc, sản lượng gần 12.000m3; 1 cơ sở chế biến, tiêu thụ gạo chất lượng cao; 1 cơ sở chế biến rượu ngô, tiêu thụ sản phẩm ngô hàng hóa của bà con địa phương; gần 500 máy sao chè mi ni theo quy mô gia đình, thêm khoảng chục cơ sở chế biến chè như: Nhà máy sản xuất chế biến của HTX Xuân Mai, xã Xuân Minh; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Quang Bình xây dựng HTX Cao nguyên, xã Tiên Nguyên và một số cơ sở chế biến chè ở các xã Hương Sơn, Yên Bình, Tân Bắc.

Trong 9 tháng đầu năm nay, huyện đã thu hút và triển khai được 3 dự án: Cơ sở chế biến chè chất lượng cao gắn với trung tâm giới thiệu các sản phẩm nông sản huyện Quang Bình (thôn Nà Tho, xã Tân Bắc), Trung tâm dịch vụ sinh thái hồ Nặm Rẽ (thị trấn Yên Bình) và Cơ sở sản xuất làng nghề và thương hiệu sản phẩm rượu ngô Quang Bình (thị trấn Yên Bình), các công trình này đều được đầu tư bằng 100% vốn của doanh nghiệp. Hiện huyện tiếp tục mời gọi được Công ty TNHH Vĩnh Hóa đầu tư xây dựng Nhà máy gạch tuynel tại xã Tân Bắc, dự kiếm khởi công trong tháng 11 năm nay; tập đoàn Viettel đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và trụ sở làm việc tại trung tâm huyện vào tháng 10 tới; Cơ sở chế biến gạo chất lượng cao Quang Bình cũng vừa bắt đầu khởi công. Các cơ sở này đều đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương khá hiệu quả, ổn định.

Chúng tôi ghé thăm xưởng chè hữu cơ Cao Nguyên (thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Phát triển chè Quang Bình) ở xã Tiên Nguyên, những ngày cuối tháng 9. Bắt đầu hoạt động từ năm 2006, đến nay xưởng chè đã và đang tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động lúc chính vụ, chủ yếu là người dân địa phương với mức thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Quản lý xưởng chè, anh Lý Văn Hải cho hay: “Với những ưu đãi của chính quyền địa phương, chúng tôi đã khoanh vùng sản xuất chè hữu cơ tại một số thôn như Tân Tiến, Hạ Sơn, Thượng Bình... Chúng tôi thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật hoặc hướng dẫn thực tế tại vườn cho bà con cách trồng và chăm sóc cây chè đúng quy chuẩn, đảm bảo sản phẩm chè hữu cơ Cao Nguyên không chỉ có hương vị thơm ngon đặc trưng mà còn là sản phẩm sạch, an toàn do vùng nguyên liệu tại địa phương được chăm bón bằng phân ủ, phân xanh hay các loại thuốc trừ sau sinh học”.

Có thể thấy, việc phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn huyện Quang Bình ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ nông sản cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực kinh tế địa phương, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần cắt băng khánh thành cầu treo Quảng Hạ

BHG - Sáng 25.9, Thưởng trực UBND huyện Xín Mần - Công ty Cổ phần Him Lam - Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Nguyên đã làm Lễ cắt băng khánh thành cầu treo thôn Quảng Hạ. 

27/09/2015
Họp Ban tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế (Việt - Trung) Hà Giang năm 2015

Ngày 25.9, UBND tỉnh tổ chức họp Ban tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế (Việt - Trung) Hà Giang năm 2015. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp còn có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, các thành viên Ban tổ chức hội chợ.

26/09/2015
Lễ công bố xã Trung Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015

BHG- Tối ngày 25.9, tại thôn Minh Thành, xã Trung Thành (Vị Xuyên), BCĐ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Vị Xuyên đã long trọng tổ chức Lễ công bố xã Trung Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. 

26/09/2015
Vững tin ở tương lai

BHG- Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 8,8% giai đoạn 2011-2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 17,6 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 18%... thực sự là những con số ấn tượng, thể hiện sinh động sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ Đại hội XV. 

26/09/2015