Quản Bạ, mùa quả ngọt!

09:22, 22/10/2015

BHG-  “Đến hẹn lại lên” - cứ đến trung tuần tháng 8 - 9 (âm lịch) hàng năm là vào mùa thu hoạch hồng không hạt ở huyện Quản Bạ. Năm nay, với diện tích được nhân rộng và được mùa nên khắp những cửa hàng hoa quả trên địa bàn thành phố Hà Giang gần như đều có sản phẩm hồng không hạt của Quản Bạ. Dù giá có cao (trên 30.000 đồng/kg) thì vẫn đắt hàng bởi theo đánh giá của người tiêu dùng sành ăn thì: “Cũng là quả hồng không hạt nhưng quả hồng ở Quản Bạ và nhất là xuất xứ từ xã Nghĩa Thuận thì ăn khác hẳn. Giòn, ngọt, nhiều bột cát, ngâm không bị rụng cuống nên ăn một lần thì không muốn ăn loại hồng khác. Vì vậy, hồng ở Quản Bạ giá luôn cao hơn hồng không hạt ở những địa phương khác...”.

Từ những lời ngợi ca của người tiêu dùng sành sỏi, chúng tôi tìm về nơi làm nên thương hiệu hồng không hạt Quản Bạ - xã Nghĩa Thuận, một xã vùng biên còn đầy khó khăn của Cao nguyên đá Đồng Văn. Mà theo như lời Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Phan Thông Quyết trên đường đưa chúng tôi về thôn Phín Ủng, nơi được mệnh danh có hồng không hạt ngon nhất huyện, cho biết: “Xã mình còn nhiều khó khăn lắm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng cũng may cùng với những sản phẩm khác thì hồng không hạt của xã cũng đã và đang trở thành một trong những cây trồng chính mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân...”.

Hồng không hạt Quản Bạ - một trong những cây chủ lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bằng chính nguồn lực sẵn có của địa phương.
Hồng không hạt Quản Bạ - một trong những cây chủ lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bằng chính nguồn lực sẵn có của địa phương.

Chạy xe máy theo những con đường lưng chừng sườn đồi mới được mở rộng chờ được bê tông hóa theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đến mức mồ hôi ướt áo cho dù trời đã se lạnh. Con đường “sức dân” đã được mở rộng nhưng đầy sình lầy sau mưa cũng không ngăn được bước chân của những người nông dân vận chuyển các bao tải hồng không hạt ra thị trường. Đứng trên đỉnh dốc đầu thôn Phín Ủng có thể bao quát được gần như toàn bộ quang cảnh của thôn. Những thửa ruộng trơ gốc rạ im lìm chờ vụ Đông; những nếp nhà trình tường đơn sơ mờ ảo trong làn khói, ẩn mình dưới những sắc vàng, đỏ của những quả hồng không hạt trĩu cành. Một bức tranh đồng quê đầy sắc mầu của sự no ấm. Sau cái bắt tay thật chặt đầy tình cảm của đồng chí Vương Trung Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Phín Ủng, anh đưa chúng tôi đi tham quan thôn. Cả thôn Phín Ủng vẻn vẹn có hơn 100 hộ sinh sống chia đều trên các sườn đồi với trên 460 khẩu nhưng đến nay chỉ còn chưa đến 30% hộ nghèo và theo như Chủ tịch xã Nghĩa Thuận khẳng định: “Cứ theo đà này, khi đường giao thông được bê-tông hóa và diện tích cây hồng không hạt tăng lên thì tỷ lệ hộ nghèo của thôn này sẽ không còn mà không chừng chỉ còn toàn hộ khá, giàu. Như anh Hùng đây, một đảng viên biết làm kinh tế thì với hơn 300 gốc hồng không hạt, sau vụ thu hoạch này, gia đình thu về cũng trên 200 triệu đồng. Đây sẽ là hộ giàu đầu tiên của thôn”... Quả không sai vì qua tìm hiểu được biết, như nhà Bí thư Chi bộ thôn Vương Trung Hùng với hơn 1ha diện tích trồng hồng không hạt đã, đang cho thu hoạch cùng với chăn nuôi, trồng lúa, ngô thì sẽ thoát khỏi diện hộ nghèo trong nay mai. Cũng qua thực tế được biết, hiện toàn thôn Phín Ủng có tới 70% số  gia đình trồng hồng không hạt. Theo như anh Quyết nhẩm tính nhanh thì hộ trồng ít trong vụ hồng này cũng thu trên, dưới 100 triệu đồng. Đây quả là số tiền không nhỏ đối với người nông dân nơi đây. Dừng chân bên đồi hồng nhiều thứ nhì của thôn, gia đình anh Vàng Dũng Pháng cũng có ngót nghét 200 gốc hồng không hạt. Được ăn những quả hồng tại nơi được mệnh danh “hồng ngon nhất Quản Bạ” mới thấy tiếng đồn không sai: Ngọt, thơm, giòn đến lạ. Và dù là những quả chín cây mọng, mềm thì chỉ cần đưa lên mồm thôi cũng đã thấy mùi thơm ngọt quyến rũ làm cho người ăn phải thưởng thức bằng tất cả cảm xúc về vị giác với độ ngon, giòn, ngậy của quả hồng nơi đây...

Với những lợi thế sẵn có đã tạo nên thế mạnh, thương hiệu của vùng. Khi được hỏi có mong muốn gì cho sản phẩm của địa phương, anh Vương Trung Hùng cho biết: “Mong muốn thì nhiều, nhưng mong muốn nhất thì không chỉ của riêng cá nhân mình mà còn là của cả người dân thôn Phín Ủng và thôn Khủng Cáng liền kề đó là thời gian tới sớm được Nhà nước đầu tư kinh phí theo Chương trình NTM để bà con chung sức làm đường bê-tông. Có được đường rồi thì bà con có động lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhân rộng diện tích hồng không hạt theo đúng kế hoạch của xã đề ra. Bởi người dân nơi đây đã biết xác định cây hồng chính là cây chủ lực cho xóa đói, giảm nghèo bền vững...”

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường cũng như thế mạnh của sản vật địa phương nên nhiệm kỳ này, BCH Đảng bộ huyện đã xác định cây hồng không hạt là cây có giá trị kinh tế cao. Huyện đã, đang tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích theo hướng thâm canh tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, diện tích hồng không hạt trên địa bàn là 50 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch ổn định được 40 ha, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, sản lượng trên 200 tấn. Giá trị sản xuất đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, huyện đã xây dựng dự án phát triển nâng cao giá trị cây hồng không hạt giai đoạn 2015 - 2020. Cùng với đó, huyện còn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ, đồng thời làm tốt việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hồng không hạt đến các thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như tiếp tục có cơ chế hỗ trợ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ việc chuyển đổi đất trồng lúa, ngô sang trồng cây hồng không hạt bằng hình thức hỗ trợ một phần kinh phí mua giống, phân bón hóa học để chuyển đổi; hỗ trợ kinh phí xây dựng vườn nhân giống tại chỗ để đảm bảo giống cho mở rộng diện tích hồng; hỗ trợ chi phí quảng bá sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiện cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ.

Tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự chung sức đồng lòng của người dân thì những mùa quả ngọt đầy no ấm ở Quản Bạ sẽ mãi bền vững.

PHI ANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngày mùa trên vùng gạo Già Dui

BHG- Một ngày trên cánh đồng lúa Già Dui nhộn nhịp hơn, người gặt, phơi lúa, người thì mang, vác những bó rơm còn tươi màu lá... Tiếng nói, tiếng cười rộn rã hòa trong tiếng đập lúa trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại, vàng óng của lúa chín. Ngày mùa đã về trên thôn Lùng Tráng, xã Thèn Phàng (Xín Mần).

22/10/2015
Hiệu quả từ mô hình "Trên lúa, dưới cá" ở xã Hồ Thầu

BHG- Dễ nuôi, vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt có thể tận dụng được diện tích mặt nước trên những thửa ruộng lúa bậc thang..., mô hình nuôi cá Chép xen lúa ở xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) đã mang lại hiệu quả thiết thực; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con nơi đây.

22/10/2015
Bắc Quang nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn

BHG- Thực tế chứng minh, trồng rau trong nhà lưới không chỉ nâng cao hệ số sử dụng đất nông nghiệp, giúp nhà vườn tăng thu nhập mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng, khi họ được sử dụng sản phẩm rau đảm bảo vệ sinh an toàn. Do vậy, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bắc Quang đã đưa rau vào trồng trong nhà lưới để thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn (SXRAT) theo tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

22/10/2015
Phụ nữ Yên Minh giúp nhau phát triển kinh tế

BHG- Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN). Xác định rõ điều đó, thời gian qua Hội LHPN huyện Yên Minh đã chỉ đạo các cơ sở Hội triển khai rộng rãi tới các Hội viên (HV); phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tê" gắn với "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

22/10/2015