Triển vọng từ cây trồng mới tại xã Vô Điếm

07:49, 25/08/2015

BHG- Tay không ngừng rút từng chiếc vỏ trai (vỏ con trai) hứng nhựa vét sơn vào chiếc chậu hay thùng nhỏ, bác Mai Thanh Trọng ở thôn Me Thượng, xã Vô Điếm (Bắc Quang) tâm sự: “Gia đình chỉ có mấy sào ruộng và rừng tạp, đời sống khó khăn, lại sống trong địa bàn xã vùng sâu, giao thông cách trở. Nhân có lần đi thăm con gái lấy chồng ở Phú Thọ, nhận thấy cây sơn có thể trồng ở quê mình, nên tôi đã mua giống về trồng thử. Đến nay sau 2 năm trồng đã thấy được hiệu quả, nhựa sơn bán cũng cho thu nhập khá”.

Hiệu quả bước đầu:

Xã Vô Điếm có tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Toàn xã có trên 4.700 ha đất lâm nghiệp, chủ yếu trồng các loại cây lấy gỗ như keo, bồ đề, mỡ... Thực tế cho thấy, bà con nông dân trồng rừng lấy gỗ đầu ra cũng ổn định, khả quan. Nhưng để rừng cho thu hoạch, nhanh cũng phải từ 5 - 7 năm trồng, chăm sóc, lâu hơn thì từ 10 – 12 năm mới được lấy gỗ. Năm 2013, gia đình bác Mai Thanh Trọng, thôn Me Thượng là hộ đầu tiên mạnh dạn mua cây sơn ở Phú Thọ về trồng với diện tích 0,8 ha (trồng được 600 cây). Trao đổi với phóng viên, bác Trọng cho biết: “Trồng cây sơn không khó, hầu như đất đồi không ngập nước là trồng được, thời vụ tốt nhất là từ tháng 2 đến tháng 10. Phân bón chủ yếu là phân hữu cơ, nếu bón đạm quá mức có thể cây lên xanh tốt nhưng chích không có mủ. Gia đình tôi trồng được hơn 2 năm thì bắt đầu thu hoạch nhựa, vừa qua gia đình tôi lấy được 80 kg nhựa, bán được gần 15 triệu đồng”.

Bác Mai Thanh Trọng (thôn Me Thượng) - hộ đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng cây sơn.
Bác Mai Thanh Trọng (thôn Me Thượng) - hộ đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng cây sơn.

 Qua 2 năm, từ một hộ trồng đến nay đã nhân rộng ra 8 hộ khác cùng thu mua giống về trồng, chuyển đổi 2- 3 ha diện tích rừng tạp sang trồng sơn, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định và mở ra một hướng đi mới, triển vọng cho bà con xã Vô Điếm. Được biết, nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, cây sơn có thể cho thu hoạch cả năm, nhưng tập trung vào mùa Thu. Năm đầu khi cây chưa khép tán, có thể trồng xen cây sắn, đỗ... rồi làm cỏ, bón phân sau 2-3 năm có thể khai thác. Thời gian chích nhựa tốt nhất từ 3 giờ sáng đến 8 giờ sáng. Do có độ gắn kết cao, nhựa sơn trở thành chất keo chủ đạo trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, pha chế sơn công nghiệp. Tùy theo loại đất, mà khoảng cách trồng cây cũng khác nhau, dao động 1-2 mét.

Trăn trở đầu ra cho sản phẩm:

Ông Mai Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Điếm cho biết: “Trồng cây sơn ở Me Thượng tuy mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu khá ổn định cho người dân, giúp bà con có thêm thu nhập. Nhưng mô hình trồng cây sơn ở đây vẫn mang tính tự phát, chưa có chủ trương của Nhà nước. Sản lượng nhựa sơn thu hoạch của bà con khá cao, nhưng đầu ra cho sản phẩm nhựa sơn ở đây chưa có. Người dân phải mất thêm phí đi lại mang về tận Phú Thọ bán, huyện chưa có cơ chế thu mua. Thời gian tới, xã sẽ có những đề xuất lên cấp trên, cơ chế giúp bà con tiếp tục nhân rộng diện tích trồng sơn, tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Nhựa sơn có thể bán với giá giao động từ 200 – 250 nghìn đồng/kg. Thu hoạch xong có thể bán ngay, nhưng với bà con nơi đây vẫn phải bảo quản kín rồi mới vận chuyến xuống các tỉnh miền xuôi để bán, nên công sức đi lại rất mất thời gian, phí vận chuyển cao. Nếu có một cơ chế hỗ trợ của chính quyền, thì cây sơn với thời gian trồng và cho thu hoạch ngắn, dễ trở thành cây trồng cho thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho bà con trong xã.

Có thể thấy, từ hiệu quả ban đầu, cây sơn đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nhân dân thôn Me Thượng, xã Vô Điếm. Tuy nhiên, để hướng đi mới ấy đạt hiệu quả cao nhất, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của các cấp chính quyền nơi đây để nhân rộng diện tích trồng sơn và điều quan trọng là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Bài, ảnh: MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tạo đột phá từ nguồn vốn vay

BHG- Từ một hộ nghèo, vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế vườn, trở thành cách làm hiệu quả được chính quyền sở tại ghi nhận và có chủ trương nhân rộng. Đó là câu chuyện của nông dân Đỗ Văn Hiển, điển hình làm kinh tế giỏi của thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).

25/08/2015
Quỹ Đầu tư, phát triển đất và bảo lãnh tín dụng – "Bà đỡ" cho các doanh nghiệp

BHG- Quỹ Đầu tư, phát triển đất và Bảo lãnh tín dụng (ĐTPTĐ&BLTD) được thành lập năm 2008, là tổ chức tài chính của tỉnh, hoạt động theo mô hình Ngân hàng chính sách, có cơ chế quản lý tài chính như đối với công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tự chủ về tài chính, bảo toàn và phát triển vốn; tự bù đắp chi phí và tự chịu rủi ro. 

25/08/2015
Sông Miện đã... "lặng sóng"!

BHG- Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Miện 5 - chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Sông Miện 5 xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) vừa chính thức có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng xin trả lại phần đất hành lang lòng hồ Thủy điện Sông Miện 5 từ cốt nước dềnh 161 đến cốt 163 tại khu vực giáp ranh Nhà máy Thủy điện Thuận Hòa. 

20/08/2015
Vườn ươm sa mộc thôn Vai Lũng "ươm" những ước mơ thoát nghèo

BHG- Theo chân đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Tả Nhìu (Xín Mần), chúng tôi đến thăm mô hình "Vườn ươm cây sa mộc" ở thôn Vai Lũng. Sau một hồi cuốc bộ, leo đồi; trải dài trước mắt chúng tôi là một màu xanh mướt mắt với những cây giống thẳng tắp. Thật ngạc nhiên và đáng khâm phục biết bao ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của những người nông dân "một nắng hai sương" nơi mảnh đất miền Tây này.

20/08/2015