"Tổ chức lại sản xuất ở Xín Mần" cần những giải pháp quyết liệt hơn

07:20, 04/08/2015

BHG- Thành lập các Tổ hợp tác (THT), Nhóm sở thích (NST) và chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi; trồng rừng kinh tế,... đang trở thành bài toán kinh tế mới tại Xín Mần. Hiệu quả bước đầu và những vướng mắc, cần những giải pháp quyết liệt hơn...

Một góc chợ gia súc của huyện Xín Mần.
Một góc chợ gia súc của huyện Xín Mần.

Từ năm 2013, huyện Xín Mần đã thành lập 19 Tổ sản xuất thôn, bản làm mô hình (MH) “điểm” tại 3 xã: Nà Chì, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên. Đến năm 2014, UBND huyện Xín Mần nâng cấp và mở rộng lên thành các THT tại 181 thôn, bản. Đến nay, Xín Mần đang có 181 THT hoạt động theo MH Tổ chức sản xuất tại thôn, bản. Các THT được nhân dân giao cho 8 nhiệm vụ cơ bản là: Xây dựng kế hoạch sản xuất hàng năm tại thôn, bản mình; có sự tham gia trực tiếp của người dân. Mọi việc trồng cấy, chăn nuôi được thống nhất đến từng nhà. Lần đầu tiên sau nhiều năm tổ chức sản xuất, Xín Mần đã hình thành 404 hộ thực hiện “5 cùng” trên cánh đồng thâm canh là: Cùng làm đất, cùng gieo mạ, cùng cấy 1 loại giống, cùng phun thuốc trừ sâu vào một ngày và cùng thu hoạch. Thực tiễn cho thấy, năng suất lúa Xuân thực hiện theo “5 cùng” đạt bình quân trên 62 tạ/ha. Hiện, toàn huyện còn có 213 hộ cùng nhau tổ chức thành các NST phát triển chăn nuôi đại gia súc; quy mô các nhóm chăn nuôi từ 5 con trâu, bò trở lên. Các hộ này đã chuyển đổi đất dốc, đất trồng cây lương thực kém hiệu quả 260/412 ha sang trồng cỏ chăn nuôi. Theo kế hoạch, huyện Xín Mần sẽ hỗ trợ chuyển đổi 870 hộ phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Hiện tại, đã có 450 hộ được giải ngân mua trâu, bò. Hỗ trợ chương trình này, Công ty Viettel Quân đội đã hỗ trợ trực tiếp 240 con bò cho nhân dân trong huyện ngay trong đầu quý II. Phấn đấu hết năm 2015, Xín Mần sẽ có thêm 1.428 con trâu, bò được mua mới đầu tư cho nhân dân chăn nuôi. Mọi công việc liên quan đến sản xuất, chăn nuôi đều được các THT lo cung ứng vật tư, cung cấp dịch vụ thú y và chuyển giao KHKT. Đồng thời, các THT có vai trò quản lý, duy tu và vận hành các công trình cung cấp nước phục vụ trồng cấy, sinh hoạt. Ngay trong đầu vụ sản xuất, các THT đã tu sửa, nạo vét trên 8.200m kênh mương và toàn bộ các đập đầu mối, bảo đảm cấp đủ nước. Các THT còn đứng ra làm đầu mối chuyển giao các tiến bộ KHKT mới cập nhật và có trách nhiệm xây dựng MH, tổ chức nhân dân làm theo MH mới.

Trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, các THT đã giao chỉ tiêu cho 3.531 hộ đăng ký trồng 1.490,7ha rừng trong năm 2015. Đến nay, toàn bộ các vườn ươm cây giống đã chuẩn bị ươm đủ trên 3,15 triệu cây con các loại, đảm bảo cung cấp cho nhân dân trong vụ trồng rừng tới đây. Tại các xã có rừng già như: Nấm Dẩn, Nà Chì, Quảng Nguyên; nhân dân còn tổ chức thành 155 NST bảo vệ rừng để trồng cây Thảo quả (kế hoạch sẽ trồng 200 ha Thảo quả trong năm 2015 dưới tán rừng). Tại 3 xã phía Nam là: Nà Chì, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên, nhân dân đã chủ động giống, làm đất, chuẩn bị trồng thêm 66 ha chè tập trung theo nhóm hộ. Hết năm 2015, Xín Mần quyết tâm đưa sản phẩm chè Làng nghề ở thôn Bản Vẽ (Nà Chì), chè đặc sản Chế Là trở thành sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường tiêu dùng.

Đánh giá tổng quát công tác tổ chức lại sản xuất vụ Xuân ở Xín Mần, Phó Chủ tịch UBND huyện, Bùi Minh Hiệu cho rằng: Kết quả bước đầu, đang tạo ra hướng đi mới trong sản xuất tại ngay thôn, bản. Tại đó, các THT đã dần trở thành “Người tổ chức sản xuất”. Có nghĩa, mọi việc liên quan đến sản xuất đều do các THT chăm lo, điều hành. Phần lớn các sản phẩm làm ra được các THT liên kết làm cầu nối với 19 HTX dịch vụ và 3 doanh nghiệp trong huyện thu mua, tiêu thụ. Còn người nông dân địa phương chỉ nắm giữ vai trò là “Người trực tiếp lao động” làm ra các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Anh Hiệu khẳng định: UBND huyện sẽ sớm đúc rút kinh nghiệm để xây dựng các THT trở thành “bà đỡ” cho sản xuất nông, lâm nghiệp trọng tâm. Lấy THT làm nền tảng trong quá trình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân ngay từ các thôn,  bản. Trong tái sản xuất vừa qua, các THT tại 19 xã đã xây dựng Quỹ thu hồi để tái sản xuất được gần 11 tỷ đồng. Các nguồn quỹ này, được xem xét để hỗ trợ lại theo đề nghị của từng gia đình có nhu cầu vay vốn đầu tư cho từng mùa vụ. Tuy nhiên, nguồn Quỹ còn quá nhỏ lẻ so nhu cầu thực tế cần vay của nhân dân. Tới đây, UBND huyện, xã sẽ tạo thêm nguồn thu vào Quỹ để hỗ trợ thỏa đáng cho nhu cầu vay vốn tái sản xuất cho nhân dân ngay ở thôn bản. Đồng thời, đề nghị, UBND tỉnh, ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần có thêm cơ chế hỗ trợ các Quỹ thu hồi tái đầu tư, nhằm đáp ứng kịp thời, thỏa đáng, hỗ trợ nhân dân mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, để tổ chức lại sản xuất ngày một hiệu quả hơn; đòi hỏi chính quyền các cấp thời gian tới phải vào cuộc quyết liệt hơn. Trong đó, cần mở rộng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, làm theo. Cần tạo ra các “đầu tàu” ngay tại thôn, bản để cùng các THT lôi kéo, hỗ trợ nhân dân mở rộng quy mô sản xuất tập trung. Để từ đó, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đủ sức thu hút các thương nhân, doanh nghiệp liên kết với THT hỗ trợ nhân dân tiêu thụ sản phẩm. Từng bước đầu tư thỏa đáng cho chăn nuôi, lấy đó làm hướng sản xuất nông nghiệp “chất lượng cao”. Cần hỗ trợ thêm cho các làng nghề sản xuất như: Chè đặc sản (Nà Chì, Chế Là); gạo Dui (Thèn Phàng); rèn đúc nông cụ (Bản Díu); trạm bạc (Ngán Chiên),... để nhân dân mở rộng sản xuất và tạo thêm công ăn, việc làm tại chỗ cho người lao động.

Tái sản xuất phải kết hợp với mở rộng làng nghề, để tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Qua đó, vừa là để tạo việc làm tại chỗ, vừa là để thu hút các thương nhân, doanh nghiệp bắt tay với THT, người dân để mở rộng sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Phải làm như vậy, mới tránh được rủi ro cho người nông dân luôn loay hoay suy nghĩ: Trồng cây gì, nuôi con gì và tránh điệp khúc “được mùa mất giá” đang diễn ra tràn lan hiện nay.

Nguyễn Mạnh Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

19 con trâu chết hàng loạt tại thôn Khuổi Dò, Bạch Ngọc là do sét đánh

BHG - Ngay sau khi nhận được tin báo của UBND xã Bạch Ngọc phát hiện đàn trâu 19 con của 8 gia đình tại thôn Khuổi Dò chết chưa rõ nguyên nhân tại bãi chăn thả gia súc tập trung của thôn. Chiều 31/7, đồng chí Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra, chỉ đạo ngành chức năng trên địa bàn tìm rõ nguyên nhân và tiến hành xử lý. 

31/07/2015
19 con trâu chết cùng thời điểm ở thôn Khuổi Dò, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên)

BHG - Chiều 30. 7, sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo xã Bạch Ngọc đã cử cán bộ đến thôn Khuổi Dò kiểm tra việc 19 con trâu chết chưa rõ nguyên nhân. 

31/07/2015
Cánh đồng ngô "5 cùng" thay đổi cách sản xuất truyền thống ở Quản Bạ

BHG- Bước vào vụ ngô năm nay, nông dân Quản Bạ rất phấn khởi khi những cánh đồng ngô trải dài khắp thung lũng đều được mùa. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện, diện tích ngô vụ này trồng được 5.045ha, đạt 84% kế hoạch. Trong đó, ngô lai có diện tích là 2.733ha gồm các giống NK4300, NK 54, NK 66, CP989, CP 999...

30/07/2015
Bắc Quang "rốn mưa"... gặp hạn

BHG- Bắc Quang là một trong những vùng có số ngày mưa lớn nhất cả nước, lên đến 200 ngày/năm (lượng mưa trung bình khoảng 4.665-5.000 mm/năm, bắt đầu từ tháng 5-11 tổng lượng mưa/năm chiếm 90%). Thế nhưng, vụ Mùa này, nhiều xã trên địa bàn huyện phải "gồng mình" chống hạn.

29/07/2015