Đầu tư hệ thống giao thông theo hướng ưu tiên phù hợp điều kiện thực tế nguồn ngân sách

07:33, 04/08/2015

BHG- Quy hoạch mạng lưới giao thông của tỉnh xác định, giai đoạn 2016-2020 cần trên 11 nghìn tỷ đồng, con số này tăng lên gần 32 nghìn tỷ vào giai đoạn 2021-2030... nhằm xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, phục vụ tốt chiến lược phát triển KT-XH. Nhưng trước mắt, trong điều kiện ngân sách eo hẹp, tỉnh ta vừa có công văn đề nghị Bộ KH-ĐT ưu tiên, bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ trung hạn cho 4 công trình quan trọng với tổng nhu cầu vốn gần 4 nghìn tỷ đồng.

Từ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, tuyến tỉnh lộ 183 từ thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đi Quang Bình đang được nâng cấp, mở mới.
Từ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, tuyến tỉnh lộ 183 từ thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đi Quang Bình đang được nâng cấp, mở mới.

Những dự án quan trọng, có tác động liên vùng được tỉnh rà soát, lựa chọn, đề nghị Bộ KH-ĐT bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ trung hạn giai đoạn 2017-2020 gồm: Dự án Đường giao thông liên kết các vùng phát triển KT-XH phía Đông của tỉnh, tổng nhu cầu vốn trên 1,3 nghìn tỷ đồng; Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang - Xín Mần, nhu cầu vốn gần 1,5 nghìn tỷ đồng; Dự án Đường ra biên giới Bạch Đích (Yên Minh), nhu cầu vốn trên 220 tỷ đồng và Dự án Đường hầm xuyên núi Mỏ Neo (thành phố Hà Giang), tổng nhu cầu vốn trên 713 tỷ đồng.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, những dự án này có tác động, ảnh hướng lớn đến tiến trình phát triển của địa phương, góp phần phá thế độc đạo về giao thông, đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Dự án Đường giao thông liên kết các vùng phát triển KT-XH phía Đông của tỉnh nằm trong Quy hoạch Phát triển giao thông đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013. Tuyến đường có chiều dài 60km, khởi đầu từ ngã 3 Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đi qua các xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang), Tùng Bá, Thuận Hòa (Vị Xuyên), Thái An, Lùng Tám, Đông Hà, Cán Tỷ ,Tráng Kìm (Quản Bạ), Đường Thượng (Yên Minh), kết nối Tỉnh lộ 184 qua Phú Linh, KCN Bình Vàng, Trung Thành (Vị Xuyên), Đồng Tiến, Đồng Tâm, Kim Ngọc (Bắc Quang).

Tuyến giao thông này có nhiệm vụ kết nối giữa các vùng, tạo động lực phát triển KT-XH các xã nghèo phía Đông của tỉnh, đẩy mạnh hoạt động thương mại, sản xuất hàng hóa, mở rộng các khu dân cư dọc tuyến đường. Đồng thời, kết nối với các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, đẩy mạnh phát triển du lịch Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, phá vỡ thế độc đạo từ thành phố Hà Giang đi các huyện phía Bắc, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông do đất đá sạt lở trong mùa mưa lũ...

Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang - Xín Mần rất cần được ưu tiên, bố trí vốn, bởi đây là tuyến huyết mạch kết nối Đông - Tây của tỉnh với các tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La... góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương tại Cửa khẩu Mốc 5 Xín Mần, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế trong khu vực. Dự án trải dài trên 2 huyện Bắc Quang và Xín Mần với đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, sự cách biệt về địa lý, khó khăn về hạ tầng giao thông khiến một bộ phận cộng đồng dân cư khó hòa nhập với các khu vực xung quanh. Việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường sẽ tạo điều kiện tiếp cận các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, góp phần triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững của Chính phủ, tạo sự chuyển biến nhanh về đời sống cho các hộ dân vùng dự án.

Ngoài tiềm năng thương mại, Hoàng Su Phì, Xín Mần còn là những địa danh có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như ruộng bậc thang, bãi đá cổ... khi dự án được đầu tư sẽ kết nối mạng lưới du lịch giữa Lào Cai với các huyện vùng cao của Hà Giang, Cao Bằng, tạo nên động lực phát triển các hoạt động du lịch cũng như về mặt quốc phòng, an ninh... Tuy nhiên, hiện trạng tuyến đường chưa tương xứng với vai trò, xứ mạng của nó, toàn tuyến quanh co, bán kính đường cong nhỏ, dốc dọc lớn, tầm nhìn hạn chế, chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn cấp 6 với nhiều tiêu chí châm chước. Hiện nay, mặt đường bị hư hỏng nhiều, thường xuyên bị tắc trong mùa mưa, yêu cầu cải tạo, nâng cấp rất cấp bách.

Nhìn tổng thể quy hoạch mạng lưới giao thông cho thấy, với điều kiện đặc thù của tỉnh và vị thế địa chính trị, chiến lược quan trọng trong đảm bảo an ninh Quốc gia, thì việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông hết sức cần thiết, cần được đẩy nhanh. Trước yêu cầu thực tế, giai đoạn vừa qua, tỉnh ta tập trung chủ yếu bảo trì các tuyến giao thông trọng yếu, hoàn thiện đường ra biên giới... Giai đoạn 2016-2020, ưu tiên đầu tư, cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai dài 120km, Quốc lộ 2, 4C, 279; xây dựng các tuyến đường tránh thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), Tam Sơn (Quản Bạ), Yên Minh (Yên Minh), Vị Xuyên (Vị Xuyên); nâng cấp một số tuyến đường quan trọng. Trong đó, đường Quốc lộ tối thiểu đạt cấp IV, 100% thảm bê - tông nhựa hoặc láng nhựa, thay thế toàn bộ cầu yếu; đường tỉnh tối thiểu đạt cấp V. Đến năm 2030, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thiện, hiện đại, đồng thời tiếp tục xây dựng các cầu vượt sông Lô; xây dựng một số đường hầm qua núi, đường trên cao kết nối với các điểm du lịch...

Còn nhớ, tại buổi duyệt văn kiện Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh vừa qua, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh: Trung ương, Đảng, Nhà nước rất quan tâm và cần phải quan tâm hơn nữa, cần kịp thời giải quyết trục đường từ Phú Thọ lên Hà Giang và tuyến 4D, đường 279 cho thật tốt... nếu không giải quyết được thì không thể phát triển, có nỗ lực mấy Hà Giang cũng khó ra khỏi tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn. Thực vậy, từ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, trên địa bàn tỉnh đã hình thành mạng lưới giao thông có tính liên kết cao, gồm 8.624km đường bộ, trong đó gần 583km đường quốc lộ, 264km đường tỉnh, 187 tuyến đường huyện với chiều dài trên 2.139km và 5.457km đường xã, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, khả năng tiếp cận, đi lại của người dân được cải thiện và góp phần XĐGN. Nhưng, hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại và xu thế phát triển trong tương lai gần, rất cần có sự đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp các tuyến trọng yếu...

Hy vọng rằng, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, để người dân sớm được hưởng những thành quả phát triển KT-XH của đất nước.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

19 con trâu chết cùng thời điểm ở thôn Khuổi Dò, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên)

BHG - Chiều 30. 7, sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo xã Bạch Ngọc đã cử cán bộ đến thôn Khuổi Dò kiểm tra việc 19 con trâu chết chưa rõ nguyên nhân. 

31/07/2015
19 con trâu chết hàng loạt tại thôn Khuổi Dò, Bạch Ngọc là do sét đánh

BHG - Ngay sau khi nhận được tin báo của UBND xã Bạch Ngọc phát hiện đàn trâu 19 con của 8 gia đình tại thôn Khuổi Dò chết chưa rõ nguyên nhân tại bãi chăn thả gia súc tập trung của thôn. Chiều 31/7, đồng chí Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra, chỉ đạo ngành chức năng trên địa bàn tìm rõ nguyên nhân và tiến hành xử lý. 

31/07/2015
Cánh đồng ngô "5 cùng" thay đổi cách sản xuất truyền thống ở Quản Bạ

BHG- Bước vào vụ ngô năm nay, nông dân Quản Bạ rất phấn khởi khi những cánh đồng ngô trải dài khắp thung lũng đều được mùa. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện, diện tích ngô vụ này trồng được 5.045ha, đạt 84% kế hoạch. Trong đó, ngô lai có diện tích là 2.733ha gồm các giống NK4300, NK 54, NK 66, CP989, CP 999...

30/07/2015
Bắc Quang "rốn mưa"... gặp hạn

BHG- Bắc Quang là một trong những vùng có số ngày mưa lớn nhất cả nước, lên đến 200 ngày/năm (lượng mưa trung bình khoảng 4.665-5.000 mm/năm, bắt đầu từ tháng 5-11 tổng lượng mưa/năm chiếm 90%). Thế nhưng, vụ Mùa này, nhiều xã trên địa bàn huyện phải "gồng mình" chống hạn.

29/07/2015