Sẽ "mạnh tay" với các doanh nghiệp cố tình vi phạm chi trả dịch vụ môi trường rừng

07:15, 08/07/2015

BHG- Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ủy thác về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng mới được trên 15,3 tỷ đồng. Trong đó, thu nợ đọng từ năm 2011-2014 được 10,4 tỷ đồng/45,8 tỷ đồng, đạt gần 23% kế hoạch thu; thu kế hoạch quý I.2015 gần 5 tỷ đồng/7,9 tỷ đồng. Với số tiền các doanh nghiệp ủy thác, Quỹ đã giải ngân hơn 10,9 tỷ đồng, góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Quá trình triển khai cho thấy, công tác quản lý, sử dụng tiền DVMTR từ tỉnh đến huyện, xã được thực hiện theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện; diện tích rừng có cung ứng DVMTR ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng; một số doanh nghiệp sản xuất thủy điện tích cực phối hợp cùng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng trong quá trình thu nộp tiền, giám sát nghiệm thu rừng, giải ngân tiền chi trả DVMTR hàng năm.

Tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng có cung ứng DVMTR 6 tháng đầu năm đạt gần 271 nghìn ha. Trong đó, diện tích của các chủ rừng thuộc tổ chức Nhà nước gần 36 nghìn ha; diện tích rừng giao khoán cho gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, thông qua các Ban Quản lý Dự án Bảo vệ và phát triển rừng trên 235 nghìn ha. Qua theo dõi, toàn bộ diện tích rừng thuộc lưu vực có cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh được giao khoán cho cộng đồng dân cư cùng bảo vệ, nhiều thôn thành lập các tổ đội bảo vệ rừng chuyên trách, thường xuyên tuần tra, canh giữ do vậy ít xảy ra việc phát nương làm rẫy, hạn chế thấp nhất tình trạng chặt phá rừng. Mặc dù nhiều diện tích rừng chưa được nhận tiền chi trả DVMTR, nhưng các hộ dân đã ý thức được việc bảo vệ và phát triển rừng chính là bảo vệ nguồn nước, môi trường sống của mình.

Người dân đã tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước cung cấp cho các nhà máy thủy điện, tuy nhiên việc chấp hành nghĩa vụ chi trả tiền DVMTR của một số doanh nghiệp sản xuất điện quá kém, phần nào gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử như, tại buổi làm việc của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng với lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mu (Tân Thành - Bắc Quang) cuối năm 2014, đại diện doanh nghiệp cam kết chắc như... “đinh đóng cột” sẽ ủy thác số tiền còn nợ theo kế hoạch năm 2013 về Quỹ trong ngay trong quý IV.2014 để chi trả cho người dân; số tiền năm 2014 sẽ được ủy thác trong quý I.2015. Còn tại văn bản số 23/BC-SCT ngày 30.1.2015 của Sở Công thương về việc kiểm tra thực hiện nghĩa vụ chi trả DVMTR, Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mu cam kết đến hết ngày 31.3.2015 chi trả hết tiền nợ trên 1,9 tỷ đồng, trong đó năm 2013 trên 1,6 tỷ đồng, số tiền của quý I năm 2015 theo hợp đồng ủy thác trên 303 triệu đồng. Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết doanh nghiệp mới thực hiện chi trả được trên 1,8 tỷ đồng.

Đối với Công ty Cổ phần công nghiệp Việt Long, nhiều lần Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, đoàn kiểm tra liên ngành có công văn đăng ký làm việc, tuy nhiên chưa lần nào lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp này bố trí được thời gian. Hiện, tổng số tiền chưa nộp theo hợp đồng ủy thác đến hết ngày 31/5/2015 của Công ty Cổ phần công nghiệp Việt Long trên 242 triệu đồng, trong đó năm 2014 trên 222 triệu đồng, quý I năm 2015 hơn 19 triệu đồng. Còn Công ty Cổ phần thủy điện Thái An cam kết đến hết ngày 31.3.2015 chi trả hết tiền nợ hơn 4,8 tỷ đồng gồm hơn 3,9 tỷ đồng số tiền nợ đọng năm 2013 và trên 879 triệu đồng theo hợp đồng ủy thác của quý I.2015. Nhưng thời điểm cam kết đã qua lâu, doanh nghiệp mới thực hiện chi trả được hơn 4 tỷ đồng, số tiền chưa nộp theo cam kết còn 804 triệu đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phân Thủy điện Sông Bạc cũng cam kết đến ngày 30.6.2015 chi trả hết tiền nợ hơn 2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần năng lượng Bitexco Nho Quế (Tập đoàn Bitexco) cam kết đến ngày 30.6.2015 chi trả hết tiền nợ trên 15,6 tỷ đồng.

BHG- Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã ký văn bản đồng ý cho chủ dự án thủy điện nộp tiền nợ đọng phí DVMTR theo thời gian đã cam kết. Đồng thời yêu cầu, sau thời gian trên, nếu các chủ dự án không hoàn thành việc chi trả tiền DVMTR, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Công thương xem xét, tạm thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Mặc dù tỉnh đã ưu ái, tạo điều kiện, nhưng xem ra việc chấp hành của các doanh nghiệp thủy điện chưa nghiêm, vẫn mang tính đối phó, chưa trở thành ý thức tự giác. Việc chi trả tiền DVMTR là nghĩa vụ các doanh nghiệp phải thực hiện, bởi tiền này đã được cấu thành trong giá bán điện. Thế nhưng, các doanh nghiệp thường viện dẫn lý do phải trả nợ ngân hàng, các cổ đông chưa được chia lợi tức để thoái thác, chậm thực hiện nghĩa vụ với người cung cấp dịch vụ là điều phi lý, không thể chấp nhận được. Thay vì viện dẫn lý do để thoái thác trách nhiệm, các doanh nghiệp nên nêu cao ý thức và nhận thức rõ, rừng và thủy điện có mối quan hệ cộng sinh, nếu không có cộng đồng tích cực bảo vệ rừng, thì không có nguồn nước để các nhà máy phát điện, không sản sinh ra tiền cho các nhà đầu tư.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở Công thương cho biết, trước thực trạng các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ theo kiểu chống đối, nếu ngành chức năng không kêu gào thì không nộp, mà có nộp cũng không đúng cam kết... ngành chuyên môn đang xem xét, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công thương thu hồi giấy phép của một vài doanh nghiệp để làm gương. Nếu phải rơi vào tình trạng này, các doanh nghiệp có phát điện lên lưới cũng không thu được đồng nào, đến lúc đó người bị thiệt hại lớn nhất chính là chủ đầu tư các nhà máy thủy điện. Ngoài ra, ngày 27.4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Theo đó, các vi phạm quy định về chi trả DVMTR như người sử dụng DVMTR không ký hợp đồng chi trả tiền sử dụng dịch vụ, không kê khai tiền phải chi trả DVMTR, không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ sẽ bị xử phạt với mức cao nhất lên tới 50 triệu đồng.

Mong rằng, các doanh nghiệp sản xuất điện sớm tỉnh ngộ để không phải rơi vào tình trạng bị xử phạt, nặng hơn nữa là bị rút giấy phép!

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản

BHG- Xã hội ngày càng phát triển thì hoạt động quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng nhằm tác động sâu sắc đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. 

08/07/2015
Yên Minh tập trung sản xuất vụ Mùa sớm

BHG- Đến thời điểm này, khi các huyện vùng thấp đã thu hoạch xong lúa Xuân và cấy lúa Mùa thì huyện Yên Minh vẫn chưa thu hoạch xong lúa Xuân. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, cộng với vị trí địa lý, thổ nhưỡng một huyện vùng cao luôn trong tình trạng thiếu nước, vì thế Yên Minh là địa phương luôn có thời vụ gieo trồng muộn hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. 

08/07/2015
Trồng chít nâng cao thu nhập cho người dân Vị Xuyên

BHG- Từ khi được UBND tỉnh công nhận làng nghề vào năm 2013, Làng nghề chổi chít thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) ngày càng hoạt động hiệu quả, từ 500 nghìn sản phẩm vào năm 2010 đã tăng lên 1 triệu 200 nghìn sản phẩm vào năm 2014. Cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên đã quy hoạch vùng trồng chít nguyên liệu, vừa để đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho làng nghề, vừa mở ra hướng đi mới cho bà con trong phát triển kinh tế, đó là trồng chít để nâng cao thu nhập, góp phần XĐGN ở địa phương.

07/07/2015
Bắc Quang sơ kết Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới

Sáng 7.7, tại xã Vĩnh Phúc, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) huyện Bắc Quang tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015. 

07/07/2015