CHÀO MỪNG XÃ ĐÔNG HÀ (QUẢN BẠ) ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NĂM 2015

Đông Hà vững bước "cán đích chuẩn" nông thôn mới

17:34, 03/07/2015

BHG- Với mục tiêu chính của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống người dân nông thôn; quan tâm đến lợi ích thực sự của người dân cả tinh thần lẫn vật chất, phát huy vai trò làm chủ của người dân, để dân tự làm, tự giám sát... Từ đó, tạo điểm nhấn, động lực cho toàn huyện cùng thực hiện, xã Đông Hà đã được huyện Quản Bạ chọn làm xã điểm trong việc thực hiện xây dựng NTM và sau 4 năm tích cực về mọi mặt, đến nay xã Đông Hà - một trong những xã nghèo nhất của cả nước đã vững bước “cán đích” Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Bà con thôn Nà Sài, xã Đông Hà tích cực làm đường giao thông nội đồng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
Bà con thôn Nà Sài, xã Đông Hà tích cực làm đường giao thông nội đồng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Ngay sau khi được chọn là xã điểm của huyện về xây dựng NTM, UBND xã Đông Hà đã thành lập Tổ xây dựng NTM và tiến hành soạn thảo Đề án, quy hoạch xây dựng NTM dưới sự bàn bạc, thảo luận thông qua các hội nghị hay cuộc họp thôn để lấy ý kiến nhân dân toàn xã trên từng lĩnh vực cụ thể, như: Phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những nội dung, công việc liên quan tới NTM... đều được xã quán triệt, phổ biến đến toàn thể bà con thông qua những cuộc họp thôn, xóm. Qua đó, tạo nên sự thống nhất, đồng thuận cao, không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn dân. Tới nay, sau 4 năm thực hiện, 19/19 tiêu chí NTM của xã Đông Hà đã hoàn thành. Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đang dồn mọi nỗ lực hoàn thành những công việc cuối cùng, sẵn sàng đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn NTM.

Theo chân Trưởng thôn Nà Sài, Dương Đức Thắng đưa chúng tôi ra cánh đồng thôn Nà Sài, chứng kiến cảnh người dân của thôn được chia theo Tổ lao động đang hối hả trộn, đảo bê-tông để cứng hóa mặt đường giao thông nội đồng. Vất vả giữa cái nắng oi ả của mùa Hạ, người nào, người nấy mặt đỏ bừng, lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng trên nét mặt vẫn biểu lộ niềm vui, phấn khởi. Trong Tổ lao động ấy có ông Lù Chỉn Sài, dù đã gần 70 tuổi nhưng gần như từ khi triển khai chương trình, ông Sài rất tích cực và công trình nào ông cũng tham gia lao động. Ông Sài chia sẻ: “Sống gần hết đời người, tay run, lưng mỏi rồi nhưng chưa bao giờ tôi thấy cả làng, cả xã cùng đoàn kết như bây giờ. Tiếc lắm, đến lúc làng quê giàu đẹp, văn minh thì mình cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, nhưng tư tưởng thông rồi, nên tôi nghĩ còn chút sức lực nào thì phải cố gắng đóng góp cho quê hương để sau này con cháu mình được hưởng lợi nên không chỉ tôi mà tất cả bà con đều hưởng ứng rất nhiệt tình...”. Tiếp tục theo chân Trưởng thôn đi thực tế những thành quả của thôn Nà Sài làm được trong thời gian qua, từng mét đường bê-tông chắc, dày chạy khắp thôn, xóm, nội đồng; những hàng rào, cổng nhà, sân vườn, nhà cửa khang trang, sạch đẹp và điều quan trọng hơn cả chính là con người nơi đây sau khi thực hiện NTM đã tích cực, chủ động hơn trong mọi việc, tình làng nghĩa xóm được nâng lên, dù là việc công hay tư đều sẵn sàng chung sức, đồng lòng tham gia, thực hiện. Ông Thắng tâm sự: “Để có được sự đồng lòng, chung sức như vậy chính là nhờ các cấp lãnh đạo xã, thôn luôn chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. UBND xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể bằng cách cử cán bộ tới từng hộ nghèo tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá khả năng thoát nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng. Nổi bật trong phong trào xây dựng NTM ở Nà Sài là việc chủ động hoàn thành các tiêu chí hộ gia đình, như: Xóa nhà tạm, giúp nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Chính từ sự vận động, gương mẫu từ người già tới người trẻ nên người dân đã tự nguyện hiến đất, hiến cây, tự tay giải phóng mặt bằng, đóng góp công sức để mở đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sau khi họp thôn thống nhất phương án, thì nay thôn mình có trụ sở và sân bê - tông gần như to, đẹp nhất huyện. Giờ đây, tất cả những công việc lớn, nhỏ, hiếu, hỉ đều được tổ chức tại trụ sở thôn. Cả thôn giờ vui lắm...”.

Trụ sở thôn Nà Sài một trong những công trình to, đẹp nhất của xã Đông Hà được thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Trụ sở thôn Nà Sài một trong những công trình to, đẹp nhất của xã Đông Hà được thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Để phát triển bền vững, toàn diện, xã Đông Hà bắt đầu bằng việc phát huy truyền thống cần cù trong lao động, thế mạnh của một địa phương miền núi có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển nông nghiệp. Theo như lời đồng chí Nguyễn Văn Thìn, Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM xã Đông Hà, cho biết: “Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã đã rà soát, sắp xếp, phân loại các nội dụng, tiêu chí theo phương châm “việc dễ làm trước, khó làm sau; việc ít tiền làm trước, việc nhiều tiền làm sau” nên xã đã làm tốt các bước chuẩn bị. Nhất là việc xây dựng được đề án sát, đúng, phù hợp với thực tế, nhu cầu của địa phương, nguyện vọng của người dân. Sau 4 năm thực hiện, đến tháng 3.2015, xã đã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí. Đời sống của nhân dân thay đổi về mọi mặt theo hướng tích cực; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu cơ bản của bà con. Cùng với đó, người dân còn được thụ hưởng cơ chế, chính sách về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa. Tới nay, thu nhập bình quân đầu người của toàn xã Đông Hà đã tăng lên hơn 18 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,75%, bộ mặt nông nghiệp có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ rệt rồi...”.

Không chỉ vậy, thời gian qua xã Đông Hà còn tập trung đầu tư, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng, cây ăn quả. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn, cải tạo chuồng trại, vườn tạp để chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập đáng kể. Đến nay, trong lĩnh vực kinh tế, cùng với đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, xã còn quy hoạch vùng thâm canh lúa, ngô năng suất, sản lượng cao. Cùng với đó, xã còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, nuôi những con có thế mạnh của địa phương, như bò, dê, lợn hàng hóa... Nhờ đó mà nay xã Đông Hà đã thành lập được một mô hình HTX nông nghiệp hoạt động thường xuyên, tạo việc làm cho từ 20 lao động trở lên với thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng; 92,76% số hộ gia đình trồng lúa, ngô thâm canh theo quy trình, kỹ thuật; tỷ lệ lao động có việc làm của xã đạt trên 92%; 100% số hộ trong xã được sử dụng điện lưới Quốc gia...

Xã Đông Hà giờ đây đã trở thành “lá cờ đầu” của huyện Quản Bạ trên nhiều mặt trong phát triển KT-XH. Những thành tựu đạt được của xã Đông Hà là minh chứng cho sự phấn đầu vươn lên của Đảng bộ và nhân dân huyện nghèo Quản Bạ nói chung cũng như xã Đông Hà nói riêng trên bước đường thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đã và đang tạo bước đột phá cho sự phát triển của một xã thuần nông đi lên bằng chính nguồn nội lực, thế mạnh của địa phương để xóa đói, giảm nghèo bền vững nhất, xứng đáng với danh hiệu xã đạt chuẩn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

PHI ANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghề đan nón lá trên vùng Cao nguyên đá

BHG - Đối với đồng bào dân tộc Giấy huyện Mèo Vạc, chiếc nón lá dừa không chỉ sử dụng như phương tiện che, đội đầu rất hữu ích và thiết thực trong đời sống hàng ngày, những dịp đi xa hay xuống chợ nhằm đáp ứng trước các hiện tượng mưa, nắng của thiên nhiên, giúp họ trong lao động sản xuất, mà chiếc nón lá dừa còn là nét đặc trưng văn hóa của người Giấy trên vùng Cao nguyên đá.

30/06/2015
Đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa

BHG- Đã bao đời nay, người dân ở Mèo Vạc chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng thiếu nước, thiếu đất sản xuất và gần như năm nào cũng gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Vì thế, nhiều gia đình khó thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng với đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, đang tạo ra hướng đi giúp người nông dân từng bước giảm nghèo bền vững.

30/06/2015
Bắc Mê: Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng năm 2015

BHG- Theo kế hoạch, năm 2015 huyện Bắc Mê triển khai trồng mới 7.500 ha rừng lâm nghiệp xã hội nhưng đến thời điểm này, tổng diện tích các hộ gia đình đã đăng ký trồng rừng chỉ mới đạt hơn 50% kế hoạch (gần 4 nghìn ha); diện tích trồng rừng mới được trên 1.125 ha. Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, huyện Bắc Mê đang tập trung mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, quyết tâm thực thiện hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao. 

30/06/2015
Luôn đồng hành với nhà nông trong xây dựng Nông thôn mới

BHG- Xây dựng NTM là chương trình mục tiêu Quốc gia lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các DN đang đứng chân trên địa bàn vùng nông thôn cần nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, nội dung, phương pháp xây dựng NTM.

27/06/2015