Sau 5 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

07:07, 01/04/2015

BHG- Cùng với cả nước, tỉnh ta triển khai Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ năm 2009. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Triệu Quốc Lương, đánh giá: Nhìn vào những kết quả từ các hoạt động thời gian qua, có thể thấy, hiệu quả mang lại chưa đạt như mong đợi.

Tổ chức các Phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” là kết quả rõ ràng nhất trong 5 năm qua khi thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trong ảnh: Một Phiên chợ tại xã Ngán Chiên, huyện Xín Mần.
Tổ chức các Phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” là kết quả rõ ràng nhất trong 5 năm qua khi thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong ảnh: Một Phiên chợ tại xã Ngán Chiên, huyện Xín Mần.

Kết quả lớn nhất thực hiện CVĐ được Sở Công thương và Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo là tổ chức được 38 Phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” với quy mô 25 gian hàng/phiên, thu hút sự tham gia của trên 600 doanh nghiệp và gần 80 nghìn lượt khách tham quan, mua sắm với tổng doanh thu đạt trên 17 tỷ đồng. Cùng với đó, tổ chức được 56 Hội chợ Thương mại, thu hút nhiều doanh nghiệp và lượt người mua sắm; Uy ban MTTQ, các Hội, đoàn thể các cấp thường xuyên tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động với hàng nghìn lượt người tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của người dân... Tuy nhiên, từ tổng doanh thu thu được sau các phiên chợ có thể thấy số lượng các sản phẩm Việt bán ra, đến tay người dân thật sự còn khá khiêm tốn. Rất nhiều người vẫn chưa được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm trong nước sản xuất. Điều này khó thúc đẩy được sự quan tâm, vào cuộc của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Chưa phát huy và đạt được hiệu quả, mục đích, ý nghĩa mà CVĐ hướng đến.

Nguyên nhân và cũng là khó khăn của vấn đề này trong nhiều báo cáo của Ban chỉ đạo CVĐ và các ngành thành viên đánh giá: Do điều kiện một tỉnh miền núi, biên giới, giao thông, giao thương khó khăn; dân cư phân bố không tập trung; đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn và nghèo; bên cạnh đó, các sản phẩm trong nước sản xuất thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng loại do Trung Quốc sản xuất. Trong khi đó, với vị trí địa lý có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài hơn 200km, một bộ phận không nhỏ dân cư vùng giáp ranh thường xuyên mua bán, trao đổi hàng hóa với nước bạn... Anh Tẩn Phù Hái, thôn B2, xã Phú Lũng, một xã biên giới của huyện Yên Minh cho biết: “Hàng hóa của Trung Quốc có nhiều loại và có giá thành rẻ lắm. Như cái máy giặt nhà tôi mua chỉ hơn 1.000 nhân dân tệ (tương đương gần 4 triệu đồng tiền Việt) mà có cả lồng sấy rất hiện đại. Nhà gần các chợ biên giới nên cũng thuận tiện vận chuyển. Trong khi đó, mua một cái máy giặt chuyển từ dưới thành phố lên, rẻ cũng phải 5 hoặc 6 triệu”.

Không chỉ những sản phẩm của Trung Quốc, người dân các địa phương vùng giáp biên mua tại các cửa khẩu tiểu ngạch mới có giá thành rẻ. Thực tế trong những năm qua, nhiều tiểu thương, doanh nghiệp lớn, nhỏ trong tỉnh và cả nước thường xuyên nhập khẩu các mặt hàng của Trung Quốc với số lượng lớn để bán ra thị trường bởi giá thành rẻ, kèm theo nhiều chủng loại lựa chọn, đem lại lợi nhuận lớn. Bên cạnh đó, những năm gần đây, các sản phẩm của các nước như: Thái Lan, Lào, Nhật giá rẻ cũng được nhập khẩu và bày bán ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hà Giang cũng không ngoại lệ. Trong các mặt hàng trên địa bàn tỉnh ta, nhất là mặt hàng quần áo, đồ gia dụng thì sản phẩm Việt thường chiếm rất ít. Ngoài ra, các tư thương, doanh nghiệp trong tỉnh chưa chú trọng quảng bá các sản phẩm địa phương; doanh nghiệp trong nước và người dân vẫn chỉ quan tâm đến những lợi ích trước mắt về giá thành, lợi nhuận mà quên đi lợi ích lâu dài và chiều sâu, bởi sử dụng hàng sản xuất trong nước là góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH nước nhà... Giá thành sản phẩm Việt vận chuyển đến tay người tiêu dùng còn cao, đời sống nhân dân trong tỉnh còn nghèo, chính vì vậy hàng Việt chưa được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn.

Trưởng ban Phong trào của Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Thị Minh Hương nhận định: Ngoài việc sản phẩm Việt có giá thành cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc dẫn đến người tiêu dùng trong tỉnh chưa thực sự tin dùng hàng trong nước, một nguyên nhân nữa khiến cho việc thực hiện CVĐ không đạt kết quả như mong đợi là các ngành, địa phương và các tiểu thương, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và vào cuộc; các Phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” và các Hội chợ Thương mại tổ chức chưa có chiều sâu, chưa đánh giá, điều chỉnh đúng thị hiếu khách hàng, phù hợp từng địa phương; việc quảng bá các sản phẩm của tỉnh, doanh nghiệp trong nước tại các phiên chợ chưa thu hút sự quan tâm của người dân... Đây là những nguyên nhân chính khiến công tác thực hiện và kết quả của CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua chưa đạt kết quả như mong đợi.

Để phát huy mục đích, ý nghĩa CVĐ hướng đến, đem lại lợi ích cho người dân và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh; đưa sản phẩm của của tỉnh và hàng trong nước sản xuất đến tay người tiêu dùng; chắc chắn các cấp, ngành, Ban chỉ đạo CVĐ cần chung tay vào cuộc và có những giải pháp, hành động mạnh hơn nữa.

Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản: Đẩy mạnh sản xuất ngay từ những ngày đầu năm

BHG- Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản, anh Trịnh Ngọc Hiếu, cho biết: Đúng mồng 6 Tết Nguyên đán, toàn bộ cán bộ, công nhân Công ty đã ra quân đầu năm trồng cây xanh và bắt tay vào sản xuất theo kế hoạch năm 2015. Quyết tâm trồng trên 30.000 cây xanh và đạt doanh thu trên 120 tỷ đồng.

31/03/2015
Cần xây dựng thương hiệu "Bò vàng vùng cao"

BHG- Với các tỉnh miền xuôi, "con trâu là đầu cơ nghiệp" gắn với người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Nhưng với người vùng cao Hà Giang, đặc biệt là đồng bào Mông vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc), con bò mới thực sự là vật nuôi gắn bó và đem lại nhiều hữu ích cho đồng bào. Và đồng bào quen gọi chúng với cái tên giống bò Mông hay bò vàng vùng cao...

31/03/2015
Xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án phát triển sản xuất thảo quả năm 2015

BHG- Sáng 31.3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh phối hợp với Tổ chức Phát triển Phần Lan (SNV) tổ chức Hội nghị Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Dự án phát triển sản xuất thảo quả tỉnh Hà Giang, năm 2015. 

31/03/2015
Quảng bá thương mại – du lịch Hà Giang tại Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới lần thứ 132

BHG - Trong các ngày 27-29.3, tỉnh Hà Giang tham gia trưng bày các gian hàng giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển thương mại – du lịch; quảng bá về Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tại Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) được tổ chức tại Hà Nội.

30/03/2015