Cần xây dựng thương hiệu "Bò vàng vùng cao"

07:28, 31/03/2015

BHG- Với các tỉnh miền xuôi, “con trâu là đầu cơ nghiệp” gắn với người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Nhưng với người vùng cao Hà Giang, đặc biệt là đồng bào Mông vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc), con bò mới thực sự là vật nuôi gắn bó và đem lại nhiều hữu ích cho đồng bào. Và đồng bào quen gọi chúng với cái tên giống bò Mông hay bò vàng vùng cao...

Bò vàng vùng cao tại chợ bò Mèo Vạc.
Bò vàng vùng cao tại chợ bò thị trấn Mèo Vạc. Ảnh: Phan Mạnh

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 năm trở lại đây (2010-2014) số lượng đàn bò của tỉnh liên tục tăng. Tại thời điểm năm 2010, tổng đàn bò của tỉnh đạt trên 101 nghìn con thì đến năm 2014, tổng đàn đã đạt con số gần 106 nghìn con. Trong đó, tổng đàn bò của 4 huyện vùng cao chiếm 3/4 tổng đàn của toàn tỉnh. Tính đến hết năm 2014, huyện Quản Bạ có tổng đàn bò trên 11.400 con; Đồng Văn gần 20 nghìn con; Yên Minh trên 20 nghìn con và nhiều nhất là huyện Mèo Vạc với tổng đàn trên 25 nghìn con. Từ trước tới nay, người dân 4 huyện vùng cao chủ yếu sử dụng bò làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với sự ra đời của các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại, người dân cũng đã chuyển dần việc nuôi bò từ mục đích lấy sức kéo sang chăn nuôi bò hàng hóa, nhằm phát triển kinh tế gia đình từ nhu cầu trao đổi thông thương. Vì vậy, hiện nay trên địa bàn 4 huyện vùng cao cũng đã hình thành các chợ gia súc như: Chợ bò của huyện Mèo Vạc và huyện Đồng Văn. Nhiều người dân địa phương cho biết: Chợ bò đã có từ lâu, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, chợ mới trở nên đông đúc và tấp lập. Mỗi phiên chợ, bình quân có từ 100 đến 120 con bò (chủ yếu là bò của người dân địa phương), một phần được người dân đem đến chợ để trao đổi bò (giữa người dân với người dân) và phần nhiều được bán cho các thương lái đến từ các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội... Từ đây, những xe hàng được trở về xuôi, trở thành thịt bò thương phẩm, phục vụ nhu cầu thị trường.

Việc đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là nuôi bò theo hướng hàng hóa ở 4 huyện vùng cao đã trở thành hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt, trong những năm qua, cùng với cơ chế chính sách của T.Ư và của tỉnh như nguồn vốn 30a; Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh; Đề án 167 của UBND tỉnh về phương án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản, đã tạo đà khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi bò. Theo đó, tốc độ tăng trưởng đàn bò của 4 huyện vùng Cao nguyên đá luôn đạt mức tăng trưởng từ 6-7%/năm, trong khi đó của toàn tỉnh chỉ đạt từ 3-4%. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi và phát triển bò ở Hà Giang cũng như 4 huyện vùng cao núi đá cũng đang bộc lộ những khó khăn, hạn chế không nhỏ như: Phương thức nuôi còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, bên cạnh đó việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi của người dân còn hạn chế. Giống bò vàng vùng cao Hà Giang mặc dù được đánh giá có nhiều ưu điểm nhưng hiện đang có biểu hiện thoái hóa, có nguy cơ mai một do tập quán nuôi thả rông bầy đàn, giao phối tự do dẫn tới gia tăng tỷ lệ đàn bò bị đồng huyết, cận huyết. Bên cạnh đó, sản xuất và lưu thông tiêu thụ thịt bò vùng cao còn mang tính tự nhiên, tự phát. Do vậy, những con bò giống tốt thường bị đem bán còn những con đực chất lượng giống kém được giữ lại. Tất cả những điều đó đưa tới tình trạng suy giảm chất lượng đàn bò thương phẩm... Để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường; đảm bảo quyền và lợi ích kinh tế cho đồng bào Mông ở vùng cao, nên chăng, ngành chuyên môn của tỉnh cần thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát triển giống bò vàng vùng cao. Đặc biệt, ngành Công thương cần xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm “Bò vàng vùng cao”. Bởi đây là điều kiện tiên quyết để phát huy giá trị thương hiệu, giúp sản phẩm của ngành chăn nuôi thực sự làm giàu cho người dân.

Mong rằng, ngành chuyên môn của tỉnh luôn phối hợp cùng 4 huyện vùng cao xây dựng các mô hình, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm từ chính thế mạnh, tiềm năng vùng về phát triển chăn nuôi bò. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu “Bò vàng vùng cao” để mang lại cuộc sống sung túc đến đồng bào vùng cao.

Văn Quân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản: Đẩy mạnh sản xuất ngay từ những ngày đầu năm

BHG- Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản, anh Trịnh Ngọc Hiếu, cho biết: Đúng mồng 6 Tết Nguyên đán, toàn bộ cán bộ, công nhân Công ty đã ra quân đầu năm trồng cây xanh và bắt tay vào sản xuất theo kế hoạch năm 2015. Quyết tâm trồng trên 30.000 cây xanh và đạt doanh thu trên 120 tỷ đồng.

31/03/2015
Quảng bá thương mại – du lịch Hà Giang tại Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới lần thứ 132

BHG - Trong các ngày 27-29.3, tỉnh Hà Giang tham gia trưng bày các gian hàng giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển thương mại – du lịch; quảng bá về Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tại Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) được tổ chức tại Hà Nội.

30/03/2015
BIDV Hà Giang - nhiều chính sách thu hút khách hàng

BHG- Theo nhận định của lãnh đạo BIDV Hà Giang, thời gian qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, BIDV Việt Nam có những gói giải pháp hỗ trợ về lãi suất, cho vay ưu đãi giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh nên đã tác động trực tiếp đến hoạt động của chi nhánh. 

28/03/2015
Thực hiện "liên kết" trồng ngô hàng hóa

BHG- Thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ huyện Xín Mần lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 là tập trung đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn; mục tiêu chung nhằm nâng cao các giá trị trong sản xuất, nâng cao dần chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân; hướng đi được xác định là mở rộng mối liên kết trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức: Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và KHKT.  

28/03/2015