Hà Giang

Bắc Quang chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10:50, 14/02/2015

BHG- Những ngày giáp Tết Ất Mùi, về nhiều vùng nông thôn trên địa bàn huyện Bắc Quang, chúng tôi cảm nhận niềm hân hoan hiện rõ trên từng gương mặt người nông dân. Bởi, thành quả sau 5 năm (2010-2014) thực hiện Quyết định số 1956 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) của huyện Bắc Quang đã kết những “trái ngọt” đầu Xuân, góp thêm cuộc sống yên vui và sung túc cho bao gia đình.

Trong 5 năm qua, từ việc xác định đúng đối tượng ưu tiên ĐTN theo Đề án 1956 là lao động nông thôn (trong độ tuổi lao động) hoặc hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật... huyện Bắc Quang đã tổ chức 5 cuộc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT và nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện để triển khai công tác ĐTN sát với thực tế. Theo đó, huyện Bắc Quang đã mở 198 lớp ĐTN cho 6.241 LĐNT (trong đó, 150 lớp ĐTN nông nghiệp và 48 lớp ĐTN phi nông nghiệp). Điều đặc biệt, các nghề được đào tạo như: Kỹ thuật trồng lúa, cây có múi (cam, quýt), nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; trồng và nhân giống nấm; mây tre đan, chẻ tăm hương hay bện chổi chít,... đều phù hợp với điều kiện học tập và thiết thực với cuộc sống hằng ngày của LĐNT, thu hút nhiều học viên tham gia. 80% trong số đó có việc làm tại chỗ, tay nghề đáp ứng được yêu cầu công việc (nâng tỷ lệ lao động qua ĐTN đạt 70%). Bên cạnh đó, năm 2011, Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Quang được nâng lên thành Trường Trung cấp Nghề đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả ĐTN. Đến nay, nhà trường đã có nhiều ngành, nghề đào tạo mới như: Công nghệ ô tô, may dân dụng, xây dựng và công nghệ thông tin...

Học nghề may dân dụng đã giúp chị Trương Thị Tâm (xã Vĩnh Hảo) tăng thu nhập cho gia đình.
Học nghề may dân dụng đã giúp chị Trương Thị Tâm (xã Vĩnh Hảo) tăng thu nhập cho gia đình.

Có dịp về thôn Khuổi Mù (xã Vĩnh Hảo), trong ngôi nhà sàn của người phụ nữ Dao, chị Trương Thị Tâm rôm rả lời bình của khách: “Ở đây, chị Tâm may quần áo truyền thống của đồng bào Dao là đẹp nhất. Có cả khách ở các xã lân cận như: Tiên Kiều, Việt Hồng, Đông Thành đặt may nữa đấy. Từ ngày chị Tâm làm nghề may, chỉ sau 5 ngày là chúng tôi có trang phục ưng ý rồi. Nếu cứ may thủ công như trước, phải mất 6-9 tháng chúng tôi mới hoàn thành được một bộ trang phục mà sản phẩm tự khâu bằng tay xấu lắm”, bà Bàn Thị Sinh (thôn Khuổi Mù) khoe với chúng tôi... Có lẽ thành công của chị Tâm được bắt nguồn từ lớp học ngắn hạn Kỹ thuật may dân dụng (mở tại xã vào năm 2012). Sau đào tạo, nhiều học viên của lớp học trên trở thành công nhân tại các công ty may của tỉnh Nam Định. Còn chị, khi tích góp được số tiền trên 2 triệu đồng đã mua máy khâu qua sử dụng) để thực hành nghề. Điều lý thú ở đây, vốn không được giảng viên hướng dẫn cắt may trang phục của đồng bào Dao nhưng với sự cần cù, tự học, tự sáng tạo, chị đã trở thành địa chỉ may tin cậy của bao đồng bào Dao trên địa bàn huyện Bắc Quang. Chị Tâm chia sẻ: “Ngoài khoản thu nhập từ chăn nuôi, trồng chè, trên 35 bộ trang phục nhận may/năm đã giúp tôi có thêm thu nhập từ 700 nghìn đến trên 1 triệu đồng/bộ. Điều này góp phần đưa gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ kinh tế trung bình của xã và có điều kiện nuôi con gái học chuyên nghiệp năm thứ 2 tại Hà Nội”...

“Để công tác ĐTN đạt hiệu quả bền vững, huyện Bắc Quang đã chỉ đạo các ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tập trung cao cho công tác giới thiệu, tạo việc làm cho LĐNT nói chung và LĐNT đã tham gia ĐTN nói riêng. Bằng cách, tăng cường sự phối hợp, liên doanh, liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp và người học hoặc giữa các trường đại học, cao đẳng và cơ sở ĐTN để giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Dương Tiến Son cho biết.

Thông qua ĐTN theo Đề án 1956, nhiều LĐNT trên địa bàn huyện Bắc Quang đã có cơ hội chuyển đổi ngành nghề, tìm được việc làm hoặc biết áp dụng kiến thức đã học vào thực tế để lao động, sản xuất làm cho cuộc sống gia đình thêm sung túc... Còn chia sẻ của chị Trương Thị Tâm đã mang đến cho chúng tôi sự ấm áp lạ kỳ: “Con dâu tôi không có điều kiện học hết chương trình phổ thông nên tôi sẽ dạy cháu học may dân dụng. Vì tôi nghĩ, thành công của một con người có thể bắt nguồn từ những điều bình dị như thế”.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Agribank Hà Giang tri ân khách hàng nhân dịp đầu xuân Ất Mùi 2015

BHG - "Cùng Agribank Hà Giang đón Xuân Ất Mùi – ngập tràn niềm vui", đó chính là Chương trình tri ân khách hàng nhân dịp đầu xuân Ất Mùi, do Agribank tỉnh Hà Giang thực hiện. 

13/02/2015
Về vùng Hồi no ấm Nà Nôm

Xuân 2015- Sau hơn 2 năm mới có dịp quay lại thôn Nà Nôm, xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, một địa danh được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến, nhờ việc những người dân nơi đây tiên phong đưa cây hồi - một loại cây lưỡng dụng vừa là cây rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa là cây dược liệu giúp người dân có thu nhập ổn định hàng năm từ hai loại sản phẩm Hoa thực tế là quả hồi và Tinh dầu vào trồng thành công tại vùng đất này.

13/02/2015
Thị trường những ngày giáp Tết Ất Mùi

BHG - Đã thành truyền thống, trong những ngày Tết cổ truyền, ngoài bánh chưng xanh, trên mâm ngũ quả cúng tổ tiên của mỗi gia đình không thể thiếu hộp mứt, chai rượu, bánh kẹo, hoa quả. 

12/02/2015
Xây dựng văn hóa doanh nhân trong Đảng ủy Khối Doanh nghiệp

BHG - Trên 30 tỷ đồng - số tiền các đơn vị thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp đóng góp và kêu gọi, vận động thực hiện an sinh xã hội đã thực sự tạo ấn tượng, hình ảnh đẹp về văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Hà Giang. 

12/02/2015