Thay đổi tư duy sản xuất ở xã Lao Chải

20:12, 10/12/2014

HGĐT- “Đưa xã Lao Chải phát triển toàn diện để xã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn”, đó là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền xã Lao Chải (Vị Xuyên) trong giai đoạn 2014 - 2016. Trong đó, sự chuyển đổi nền sản xuất vốn nhỏ lẻ tự phát sang nền sản xuất hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong đổi mới nhận thức và tư duy trong sản xuất để mang lại những hiệu quả thiết thực cho người dân.


Theo tập quán, việc sản xuất nông sản và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa vẫn đang còn mới lạ. Trước đây, chăn nuôi và trồng trọtmang tính tự cung, tự cấp cho nên đời sống của người dân nơi đây còn khó khăn về nhiều mặt. Vì thế, kinh tế xã vùng biên Lao Chải vẫn chưa phát triển nhiều; nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn của huyện Vị Xuyên. Cho đến nay, xã có tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Toàn xã hiện tại có 101 hộ nghèo, trên tổng số 336 hộ chiếm trên 30%. Thời gian vừa qua, xã đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong thôn triển khai thực hiện phát triển theo Đề án 1133 của tỉnh, bước đầu đã có nhiều chuyển biến. Ở 4 thôn như Lùng Chu Phùng, Bản Phùng, Cáo Sào, Ngài Là Thầu, người dân đã tiến hành áp dụng một số mô hình trong trồng trọt và chăn nuôi. Điển hình như mô hình nuôi bò nhốt, nuôi gà bán chăn thả; thay vì trước đây, người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông, nuôi tự phát nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh và phòng, chống đói rét khi mùa Đông đến... Với việc áp dụng mô hình nuôi bò nhốt và gà bán chăn thả, người dân chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm, hạn chế được rủi ro và không cần lao động. Bên cạnh đó, khi thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như nuôi bò nhốt, người dân được hỗ trợ vay vốn để mua con giống, được Nhà nước hỗ trợ vốn để làm chuồng trại và trồng cỏ chăn nuôi. Mô hình này đang được xã nhân rộng và sẽ là hướng phát triển mới chăn nuôi trong thời gian tới để giúp xóa đói giảm, nghèo bền vững cho người dân vùng biên. Hiện tại, xã đang đưa mô hình vào triển khai ở khu giãn dân mốc 238; tại đây, đã có 6/18 hộ dân đăng ký thực hiện mô hình này.



Trồng cỏ để đảm bảo thức ăn cho gia súc, gia cầm khi mùa Đông đến ở xã Lao Chải.


Trong mục tiêu phát triển toàn diện thì ngoài thay đổi phương thức trong chăn nuôi, xã đang tiến tới quy hoạch đưa sản phẩm nông sản phát triển theo hình thức hàng hóa bằng cách thành lập HTX của những hộ, gia đình cùng sở thích. Xã có diện tích khá nhiều 2 loại cây đặc sản của vùng núi cao là cây chè và cây thảo quả. Tuy chưa có thương hiệu nhưng cây chè mang tên chè Sa Suốt ở vùng cao Lao Chải cũng có hương vị riêng, đặc biệt thơm ngon, chất lượng tương đương với chè Shan tuyết đã được nhiều người biết đến. Mỗi kg chè khô Sa Suốt được người dân bán ra thị trường khoảng 130 nghìn/kg. Với 92ha diện tích chè mỗi năm sản lượng đạt 64,4 tấn. Cùng với cây chè, xã có diện tích cây thảo quả rộng lớn với 503,59ha, cho thu hoạch 258ha, bán với giá thị trường 140 nghìn/kg thảo quả khô đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân vùng khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi và tăng thu nhập cho 2 mặt hàng nông sản trên, xã đang triển khai thành lập HTX mua, bán nông sản gồm những gia đình cùng sở thích. Đây được xem là cách làm thiết thực trong việc cải thiện mô hình sản xuất đa sản phẩm quy mô nhỏ sang sản xuất chuyên canh nhóm, thay đổi tư duy bao cấp, trông chờ, ỷ lại cho người dân địa phương. Ngoài ra, khi HTX được thành lập sẽ đảm bảo quyền lợi cho các thành viên trong việc buôn, bán các mặt hàng nông sản, tránh tình trạng thương lái ép giá như những năm trước đây. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khâu vận chuyển, bảo quản, sơ chế sản phẩm.


Anh Viên Nguyễn Duyễn, Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết: Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, xã Lao Chải đang nỗ lực triển khai đổi mới các phương thức sản xuất để đưa nền sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang phát triển theo xu hướng hàng hóa. Đó cũng là mục tiêu trọng tâm của Đề án 1133 phát triển toàn diện, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững; từng bước đưa Lao Chải thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2014 – 2016.


VĂN LONG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

HTX Hạnh Quang từng bước đưa chè Shan tuyết Cổng trời thành thương hiệu uy tín
HGĐT- Từ đơn vị sản xuất chè xanh thủ công, quy mô nhỏ, sản phẩm chỉ bán ở thị trường trong tỉnh, nhưng với việc đầu tư bài bản, sự cố gắng của HTX chế biến chè Hạnh Quang, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ để xây dựng thương hiệu, đào tạo công nhân lao động và trang thiết bị máy móc sản xuất chè xanh của Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương tỉnh
27/11/2014
Nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư
HGĐT- Từ năm 2011 đến nay, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 57 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 6.440 tỷ đồng. Số vốn đăng ký đầu tư của các dự án tăng dần hàng năm (cả năm 2011 là 1.730 tỷ đồng trong khi 9 tháng đầu năm nay là 2.770 tỷ đồng). Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh được
27/11/2014
Vị Xuyên triển khai tốt Chương trình kết nối ngân hàng – khách hàng
HGĐT- Chương trình kết nối ngân hàng – khách hàng là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về “Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”. Đây cũng là hoạt động khẳng định cam kết “Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân” trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
26/11/2014
Chi nhánh Ngân hàng TMCPĐT và phát triển Hà Giang: Từng bước nâng cao chất lượng tín dụng
HGĐT- Trong 10 tháng qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế kinh doanh còn chậm, đời sống dân cư còn nhiều khó khăn, cơ cấu tín dụng còn nhiều bất cập, đầu tư ngoài địa bàn quá lớn trong khi nguồn vốn huy động tại địa phương thấp, tập trung vào nợ dài hạn và vào
26/11/2014