HTX Hương vị núi giúp hồi sinh, phát triển vùng chè cổ thụ Ngam La

08:18, 05/12/2013

HGĐT - Vùng chè Ngam La (Yên Minh) đang có sự hồi sinh và phát triển nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành cùng sự chăm sóc của người dân. Sự hồi sinh, phát triển đó như bền vững hơn khi HTX sản xuất sản phẩm Hương vị núi được thành lập và đi vào hoạt động từ giữa năm nay với mục tiêu xây dựng thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ, tăng giá trị cho chè Ngam La.


 
Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Hương vị núi từ nguồn nguyên liệu của vùng chè  cổ thụ Ngam La.

Xã Ngam La có tiềm năng rất lớn để phát triển cây chè, bởi đây là địa bàn có diện tích chè lớn nhất, lâu năm nhất của huyện vùng cao Yên Minh. Mặc dù từ trước đến nay chưa thực sự phát triển theo hướng hàng hóa, nhưng danh tiếng chè Ngam La được người “sành chè” trong và ngoài huyện biết đến. Đó là vùng chè được trồng trên những ngọn núi cao, thời tiết mát mẻ, quanh năm mây mù bao phủ cùng với chất đất đã tạo nên một hương vị đậm đà, thơm ngon, đắng chát tự nhiên không thua kém các sản phẩm chè có thương hiệu ở một số vùng trong tỉnh. Chị Nguyên Thị Tươi, người có nhiều năm gắn bó với vùng chè Ngam La và là thành viên sáng lập HTX Hương vị núi tâm sự: “Nhiều năm sống, làm việc ở Ngam La, tôi thấy dù có tiếng là chè ngon nhưng sản phẩm chè của bà con đưa ra thị trường còn quá rẻ mạt. Nguyên nhân do bà con sản xuất chè vàng để bán cho các thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc với giá bán từ 20.000-25.000 đồng/1kg. Để làm ra 1kg chè vàng, bà con phải thu hái nguyên liệu chè tươi đầu vào là 4kg. Tính như vậy, 1kg chè tươi bà con chỉ thu về được 4.000-5.000 đồng, quá rẻ so với công sức bỏ ra và lãng phí nguồn nguyên liệu chè thơm, ngon của huyện. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình tại thôn Xa Lỳ, Nà Làu chế biến chè sao suốt rồi mang ra chợ bán với giá từ 100.000-150.000 đồng/1kg, giá bán như vậy là cao nhưng điểm hạn chế là đầu ra không ổn định, sản xuất nhiều lập tức bị ế ẩm vì không có nhãn hiệu, khó thâm nhập thị trường”. Xuất phát từ thực tế trên, chị Nguyễn Thị Tươi cùng một số thành viên khác, quyết tâm thành lập HTX sản xuất sản phẩm Hương vị núi từ năm 2012, nhưng tới tháng 5 năm nay mới đầu tư dây truyền sản xuất với tâm nguyện, mục tiêu xây dựng thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chè Ngam La, từ đó tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho bà con trồng chè. Với số vốn góp ban đầu ít ỏi, HTX đã vay vốn Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN-PTNT huyện được gần 200 triệu đồng để đầu tư nhà xưởng, dây truyền sản xuất mini với tổng vốn đầu tư 300 triệu đồng. Điểm nổi bật, sản phẩm chè Ngam La lần đầu tiên được sản xuất, chế biến, đóng gói qua máy hút chân không, mẫu mã đẹp được đăng ký nhãn hiệu và công bố chất lượng sản phẩm mang tên “Chè Shan tuyết Ngam La”.



Chị Nguyễn Thị Tươi giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết Ngam La của HTX Hương vị núi.
 

HTX xác định nguồn nguyên liệu chè tươi trên địa bàn xã chưa lớn nên đầu tư dây chuyền sản xuất nhỏ, bán thủ công với công suất chế biến 10 kg chè tươi/giờ. Hiện nay, trung bình một tháng HTX sản xuất được 300 kg chè khô thành phẩm với nguyên liệu đầu vào trên 1 tấn chè tươi. HTX có 3 loại sản phẩm chè bán ra thị trường đều được đóng gói, hút chân không với giá bán bình quân từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ gia đình có máy chế biến chè mini và thu mua chè tươi tạo thu nhập cho khoảng 150 hộ gia đình trồng chè xã Ngam La. Trung bình mỗi tháng thu mua khoảng 1 tấn chè tươi với giá 12.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với người dân làm chè vàng. Mặc dù sản phẩm của HTX mới sản xuất, bán ra thị trường được khoảng 4 tháng nhưng nhờ chất lượng và thương hiệu chè Ngam La nên bước đầu đã chiếm được cảm tình và sự ủng hộ của người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, HTX đã liên hệ với các nhà hàng, khách sạn trên các huyện vùng cao phía Bắc để trưng bày và bán sản phẩm cho khách du lịch. Mới bước vào thị trường, song sản phẩm làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó và cũng là sự khởi đầu tốt đẹp của HTX Hương vị núi.

 

Trước lúc chia tay, chị Nguyễn Thị Tươi tâm sự: “Đối với vùng chè Ngam La, chính quyền địa phương cần tập trung hỗ trợ bà con nông dân chăm sóc, thu hoạch diện tích chè cổ thụ đã có chứ không cần phát triển thêm diện tích. Tuy nhiên, việc chăm sóc, thu hái của bà con cần được đào tạo, tập huấn theo hướng sản xuất chè hữu cơ chứ không lạm dụng chất kích thích nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nhằm duy trì, phát triển thương hiệu và đáp ứng yêu cầu cao của khách du lịch khi lên với Cao nguyên đá Đồng Văn. Điều đó cũng giúp HTX tiếp tục duy trì, phát triển nhãn hiệu sản phẩm “Chè Shan tuyết Ngam La” và tới đây có thêm tham vọng sản xuất chè túi lọc nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu ở địa phương”. Tuy nhiên, để đứng vững và phát triển thương hiệu sản phẩm, HTX rất cần chính quyền địa phương đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm và cải tiến dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, ngày càng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh đáp ứng nguồn vốn cho nhân dân phát triển kinh tế
HGĐT- Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Yên Minh đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân trên địa bàn tiếp cận nhanh với nguồn vốn vay phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, xóa đói giảm nghèo... Hàng năm đóng góp hàng tỷ đồng tiền thuế cho địa phương.
30/11/2013
Trang trại chăn nuôi lợn thịt đầu tiên của tỉnh được cấp Chứng nhận VietGAHP
HGĐT- Trang trại Hà Huy, tổ 11, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) vừa được Trung tâm Chất lượng nông, lâm – thủy sản (NL–TS) vùng 1 (Cục Quản lý Chất lượng NL- TS) cấp Chứng nhận VietGAHP cho quy trình sản xuất lợn thịt. Đây là trang trại chăn nuôi lợn thịt đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận ý nghĩa này.
30/11/2013
Xã Nậm Ty phát huy hiệu quả công trình thủy lợi
HGĐT - Xác định phát triển hệ thống thủy lợi (HTTL) là một trong những khâu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) đã làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân thấy được lợi ích thiết thực của HTTL mang lại, từ đó bà con đã tự nguyện đóng góp tiền và ngày công lao
28/11/2013
Mèo Vạc: 56 con bê ra đời từ phương pháp thụ tinh nhân tạo
HGĐT- Thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với thâm canh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, huyện Mèo Vạc đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng triển khai mô hình thụ tinh nhân tạo bò tại các xã: Pả Vi, Tả Lủng, Sủng Trà, Giàng Chu Phìn, thị trấn Mèo Vạc... nhằm thực hiện phối giống tự nhiên có chọn lọc để cải tạo đàn bò.
26/11/2013